Nhiều ô tô thanh lý dưới trăm triệu

Hoạt động thanh lý ô tô và các loại tài sản khác như máy móc, thiết bị, nhà xưởng đến bất động sản đang được nhiều ngân hàng thương mại rao bán gần đây. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến ngành kinh doanh vận tải, xe công nghệ bị tác động nặng nề. Rất nhiều khách vay mua xe trả góp để chạy dịch vụ, đầu tư cho thuê đã không còn đủ năng lực trả nợ, nên bị ngân hàng "siết" nợ và bán đấu giá để thu hồi vốn.

Mua xe trả góp hay mua xe thanh lý từ ngân hàng? - Ảnh 1.

Nhiều chiếc xe ô tô cũng được rao bán với giá chỉ tương đương một chiếc xe máy tay ga loại sang chưa đến 100 triệu đồng (ảnh minh hoạ)

Điển hình như ngân hàng VIB đang rao bán tới gần 150 chiếc xe ô tô để thu hồi nợ, tăng thêm 30-40 chiếc trong vòng 2 tháng gần đây. Ngoài việc rao bán thêm nhiều chiếc xe mới, nhiều chiếc xe cũ cũng đã giảm giá mạnh. Trong đó, chiếc Mercedes-Benz GLK 300 sản xuất năm 2012 được giảm giá xuống còn 570 triệu đồng. Chiếc BMW 218i cũ sản xuất năm 2016 giá khởi điểm chỉ còn 630 triệu đồng, giảm mạnh 100 triệu so với 2 tháng trước.

Đáng chú ý, nhiều chiếc xe ô tô cũng được rao bán với giá chỉ tương đương một chiếc xe máy tay ga loại sang. Ví dụ như tại ngân hàng VietinBank, nhà băng này vừa mới rao bán chiếc Mitsubishi Pajedo đã qua sử dụng, loại xe chuyên dụng chở tiền thuộc diện thanh lý, biển kiểm soát 98A-117.97 với giá khởi điểm 80 triệu đồng. Ngay sau đó có 3 khách hàng đăng ký mua và người trả giá cao nhất là 86 triệu đồng đã trúng đấu giá.

Cùng thời điểm, VietinBank cũng tiếp tục bán đấu giá chiếc xe ô tô Toyota Hiace 15 chỗ lần thứ 2, chiếc xe này được đưa vào sử dụng từ năm 2003, giá khởi điểm là 60 triệu đồng, không giảm so với lần thứ nhất.

Bên cạnh đó, ngân hàng TPBank cũng rao bán thêm nhiều chiếc xe trong thời gian gần đây. Trong đó, ngân hàng vừa thông báo tổ chức đấu giá một lúc 4 chiếc xe ô tô khách 10 chỗ nhãn hiệu Huyndai, số loại Solati, màu đen. 4 chiếc xe này có giá khởi điểm từ 746-762 triệu đồng/chiếc tùy vào tình trạng của từng xe.

Trao đổi với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, anh Hoàng Thăng tại Thái Bình chia sẻ, anh làm nghề lái xe dịch vụ được 3 năm nay, khi đầu tư mua xe không có nhiều vốn nên phải vay ngân hàng 80% giá trị tài sản. Nhưng 2 năm dịch bệnh xuất hiện khiến công việc bị cản trở, thu nhập giảm đáng kể mà vẫn phải "cõng" lãi ngân hàng.

"Trước tôi mua xe trị giá có hơn 400 triệu đồng, nhưng đến khi trả hết nợ ngân hàng tính ra phải thành hơn 600 triệu, nếu không cố thì ngân hàng sẽ siết xe. Vì ngân hàng chỉ ưu đãi năm đầu tiên với lãi suất thấp, còn sau đó lãi suất thả nổi khá là cao. Nhiều khi các anh em làm nghề thấy rất mệt mỏi, nhưng không muốn bị mất cái cần câu cơm", anh Thăng bày tỏ.

Theo một chuyên gia trong giới kinh doanh ô tô đánh giá, xe thanh lý của nhiều ngân hàng không phải lúc nào cũng "hàng sale là hàng rẻ". Bởi các ngân hàng khi đấu giá tài sản sẽ đưa ra giá khởi điểm cao nhất để khách hàng như chủ đại lý, cửa hàng kinh doanh xe cũ thương lượng xuống giá phù hợp. Khách hàng nào chấp nhận mua với giá chênh lệch ít nhất so với mức khởi điểm thì ngân hàng sẽ bán cho người đó. Trong khi đó, người mua xe thanh lý còn phải chịu phí sang tên từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi xe, bị truy thu phí bảo trì đường bộ từ 1,5-2 triệu đồng/năm/xe và phí sửa chữa để đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, an toàn tại cơ quan đăng kiểm. Chưa kể các yếu tố như kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe, thủ tục pháp lý, các bước làm giấy tờ,... nhưng thường khách hàng cá nhân sẽ không am hiểu nhiều về việc này nên sẽ gặp khó khăn.

"Riêng với nhiều chiếc xe được thanh lý với giá "siêu rẻ" kiểu vừa bán vừa cho, giá vài chục triệu đồng, thì người mua dễ gặp phải tình trạng vừa đi vừa sửa nếu không có kinh nghiệm xem xe. Những chiếc xe này thường đời rất cũ, cận date, có khi đã trải qua nhiều hỏng hóc, sửa chữa, nhất là hàng thanh lý tồn trong bãi hàng năm trời", vị chuyên gia nói.

Tránh "lao đao" vì mua xe trả góp

Bên cạnh hoạt động rao bán tài sản thanh lý của ngân hàng thì hoạt động triển khai hỗ trợ cho vay mua xe ô tô trả góp cũng vẫn diễn ra rầm rộ. Điển hình là ngân hàng Sacombank, ngân hàng này tung gói 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, mua xe ô tô với lãi suất từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng.

Mua xe trả góp hay mua xe thanh lý từ ngân hàng? - Ảnh 2.

Bên cạnh hoạt động rao bán tài sản thanh lý của ngân hàng thì hoạt động triển khai hỗ trợ cho vay mua xe ô tô trả góp cũng vẫn diễn ra rầm rộ (ảnh minh hoạ)

Hay tại ngân hàng Shinhan cũng có ưu đãi cho sản phẩm vay mua ô tô với lãi suất vay chỉ 6%/năm cố định năm đầu tiên hoặc 7,5%/năm cố định toàn thời gian vay, vay đến 80% giá trị xe, thời hạn đến 8 năm. Còn tại TPBank mới đây đã phối hợp với Ford Việt Nam triển khai chương trình ưu đãi độc quyền dành riêng cho khách hàng vay mua xe Ford Transit Luxury, với lãi suất 0%/năm cố định trong 12 tháng. Ngoài ra, ngân hàng có thêm những ưu đãi khác như ân hạn trả nợ gốc 6 tháng đầu, tỷ lệ cho vay tới 75% giá trị xe và thời gian vay lên tới 7 năm.

Sau khi khảo sát quanh thị trường, để kích cầu mua xe giai đoạn sau giãn cách kéo dài, các đại lý xe đã tích cực làm việc với phía ngân hàng để đưa ra những chương trình mua trả góp hấp dẫn. Đơn cử như Mazda có chương trình hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cùng nhiều ưu đãi cho khách mua xe. Trong đó, dòng xe New Mazda CX-5 khách mua xe trả góp chỉ cần thanh toán trước số tiền từ 168 triệu đồng, hay với xe New Mazda2 cũng chỉ cần trả trước 96 triệu đồng,...

Có thể thấy, số tiền ban đầu bỏ ra để mua một chiếc xe là tương đối thấp, nên nhiều người vẫn muốn tính toán mua một chiếc xe không chỉ để phục vụ cá nhân mà còn để chạy dịch vụ kiếm tiền đóng lãi. Tuy nhiên, khách hàng mua xe cần tính toán kỹ về thu nhập, phương án trả nợ của mình để tránh rơi vào bẫy trả góp như nhiều tài xế công nghệ gặp phải trong thời gian vừa qua.

Theo một chuyên gia tài chính khuyến nghị, khách hàng mua xe ô tô trả góp nên lựa chọn tỷ lệ vay thấp nhất có thể. Nguyên nhân bởi số tiền vay càng lớn thì khách hàng phải thanh toán nhiều tiền lãi hơn. Tỷ lệ vay thích hợp nhất là dưới 50% giá trị của chiếc xe. Lựa chọn tỷ lệ vay này giúp chủ xe giảm áp lực trả nợ và nâng cao khả năng xét duyệt hồ sơ vay.

"Đặc biệt, người mua xe cần lưu ý đến các vấn đề như: tài sản thế chấp, số tiền vay, kỳ hạn, cách tính lãi suất, phí trả trễ,... Lãi suất có lẽ là yếu tố đáng lưu tâm nhất. Khách hàng cần phải nắm rõ là mình lựa chọn loại lãi suất nào, cố định hay thả nổi, số tiền hàng tháng phải thanh toán cho ngân hàng là bao nhiêu. Vay ngân hàng mua xe ô tô trả góp sẽ là một lựa chọn đúng đắn nếu chủ xe hiểu và biết kiểm soát nguồn tài chính của mình. Đây là một quyết định lớn, vì vậy khách hàng cần dự tính cẩn thận, chính xác và chi tiết để giảm thiểu rủi ro", vị chuyên gia nói.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

Áp lực lãi vay ngân hàng, nhiều tài xế dịch vụ phải bán xe trả nợ

Áp lực lãi vay ngân hàng, nhiều tài xế dịch vụ phải bán xe trả nợ

Phần lớn tài xế chạy dịch vụ hiện nay vay ngân hàng, mua trả góp ôtô để hoạt động. Trước sự ảnh hưởng của Covid-19, một số tài xế đã phải bán xe để giảm thiểu gánh nặng.