Theo Triều Tiên vương triều thực lục, từ thời đại nhà Tống ( Trung Quốc ), người Triều Tiên đã có thông lệ mua dược liệu hương liệu thông qua Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm đến từ Việt Nam.

Trong một lần sứ thần Triều Tiên tán dương các dược liệu xuất xứ từ Việt Nam. Viên quan Trung Quốc đã "gật gù" công nhận rằng: Hàng Việt Nam là số 1. Viên quan Trung Quốc nói rằng: "Quế sinh trưởng ở Giao Chỉ, cánh kiến trắng sản sinh ở An Nam (đều chỉ Việt Nam ngày nay). Hai loài này là tốt nhất... Cánh kiến trắng biến đờm thành nước. Sách Đan kinh viết: Hương của nó khi đốt lên có thể trừ ma giữ tiên. Uống cánh kiến trắng có thể cải tử hoàn sinh".

Cánh kiến trắng là gì?

Cánh kiến trắng có tên khoa học là Styrax Tonkinensis (Pier.) Craib còn được gọi là cây an tức hương, bồ đề v.v...

Cánh kiến trắng thuộc loại thân gỗ có thể cao 15 – 20m, vỏ thân nhẵn, màu xám bóng. Cành hình trụ, khi non có lông, sau nhẵn màu nâu. Hoa màu trắng, hình chuông, mỗi bông có từ 5 đến 10 cánh, có mùi thơm. Thường có 3 đến 30 bông, mọc thành chùm dài từ 5 đến 25 cm.

 Việt Nam có báu vật giúp cải tử hoàn sinh, người TQ phải trầm trồ: Hàng Việt Nam là số 1 - Ảnh 1.
 
 Việt Nam có báu vật giúp cải tử hoàn sinh, người TQ phải trầm trồ: Hàng Việt Nam là số 1 - Ảnh 2.

Người dân Lào Cai thu hoạch cánh kiến trắng. Ảnh: Báo Tin Tức

Toàn bộ các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm dược liệu. Trong đó, phổ biến nhất là lá và tinh dầu, nhựa cây (An tức hương)… Khối nhựa thường có màu vàng nhạt, nâu hoặc đỏ nhạt. Mặt bẻ ngang có màu trắng sữa, xen kẽ các dải dọc màu nâu bóng mượt, cứng. Khi gặp nóng thì nhựa hóa mềm, có mùi thơm đặc trưng.

Trong Đông y, cánh kiến trắng là một vị thuốc có vị cay nồng, có tác bổ khí, lưu thông khí huyết, giảm đau, chữa chứng trúng ác khí bất ngờ khiến ngực bụng đau, trẻ nhỏ động kinh, phong thấp, lưng đau, tê mỏi tay chân v.v...

Nhiều bài thuốc cổ truyền như Chí bảo đan, Tô hợp hương hoàn trong sách Đông y Thái Bình huệ dân hòa tễ cục phương của Trung Quốc đều có thể bắt gặp sự ứng dụng của cánh kiến trắng.

"Vàng trắng", "lộc Phật"

Sách Đông y Bản thảo cương mục (Trung Quốc) chép rằng, "các vùng đất như An Nam (Việt Nam ngày nay) hay Srivijaya đều có [cánh kiến trắng]". Theo nghiên cứu của các nhà thực vật học Trung Quốc, cánh kiến trắng chất lượng cao nhất sinh sản ở Việt Nam, Thái Lan, Lào hay Quảng Tây, Trung Quốc.

Hiện nay, cánh kiến trắng mọc ở những nơi hoang dại và được trồng ở nhiều nơi trên nước ta. Tuy nhiên, cây thường được tìm thấy ở các khu vực, tỉnh miền núi phía Bắc như Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Sơn La v.v....

Thực tế, dù cánh kiến trắng rất được coi trọng trong Đông y nhưng trước đây, người dân nước ta lại chưa nắm được giá trị của nó nên chỉ tập trung khai thác gỗ của cây này để làm gỗ ép, đũa ăn.

Chỉ vài năm gần đây, giá trị của cánh kiến trắng mới được đánh giá lại. Nhận thấy nhựa cây cánh kiến trắng có thể mang lại giá trị kinh tế cao nên từ năm 2017, huyện Văn Bàn, Lào Cai đã phát triển dự án trồng cánh kiến trắng trên diện tích rừng 480ha lấy nhựa xuất khẩu.

Ngày nay, ngoài tác dụng điều trị bệnh, nhựa cánh kiến trắng còn có tác dụng khác trong sản xuất nước hoa. Nhựa cánh kiến trắng Việt Nam được xuất khẩu sang Pháp, Myanmar làm nguyên liệu sản xuất nước hoa cao cấp, giúp cho việc lưu giữ mùi hương trong các loại mỹ phẩm dưỡng da.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, một doanh nghiệp đã tổ chức khai thác, thu mua nhựa cánh kiến trắng cho bà con, giá thu mua nhựa cánh kiến trắng tận gốc là 350.000 đồng/kg (thời điểm năm 2019). Ước tính 1ha cánh kiến trắng có thể cho thu hoạch ổn định khoảng 300kg nhựa, thu khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng cánh kiến trắng để lấy gỗ.

Do đó, người dân coi sản phẩm này là "vàng trắng", "lộc Phật" và khu rừng trồng cánh kiến trắng nay đã trở thành “mỏ nguyên liệu” giúp đồng bào dân tộc miền núi thoát nghèo.

(Theo Doanh nghiệp và tiếp thị)

Mở cửa kho vàng khổng lồ được dân Việt tự hào bao đời nay

Mở cửa kho vàng khổng lồ được dân Việt tự hào bao đời nay

Người dân miền núi phía Bắc đang sống trên những núi vàng khổng lồ, nhưng chúng ta đang lãng phí. Bây giờ phải mở cánh cửa, đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng để khai thác nguồn tài nguyên này theo hướng tích hợp đa giá trị.