Thời gian gần đây, nhằm tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời chia sẻ những khó khăn với người dân trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm.
Người dân phấn khởi đến gian hàng "di động" mua thực phẩm bằng phế liệu (Ảnh: Hoài Trang). |
Ngoài việc bày bán rau củ, hoa quả, thực phẩm… phục vụ nhu cầu của khách hàng, phiên chợ này còn triển khai mô hình đổi rác từ vỏ lon, giấy bìa, sắt vụn để lấy thực phẩm. Bảng giá cho mỗi loại phế liệu cũng như nông sản đều được niêm yết công khai theo đúng quy định.
Lỉnh kỉnh mang đồ phế liệu từ nhà tới phiên chợ đổi lấy nông sản sạch, bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, Văn Miếu, Hà Nội) nói, lâu nay với loại rác thải nhựa gia đình bà thường gom lại bán cho các cô ve chai, lâu không gặp thì cho vào túi rác bỏ đi. Nay có địa chỉ để đổi thực phẩm nên bà Mai thường thu gom, phân loại phế liệu để mang đi đổi thực phẩm.
Bà Mai gom nhặt phế liệu trong gia đình mang đến điểm đổi thực phẩm (Ảnh: Hoài Trang). |
"Tôi thấy hoạt động này rất hữu ích, vừa có thể gom và phân loại rác để bảo vệ môi trường vừa đổi được các mặt hàng thiết thực trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, ai cũng có thể dùng được.
Hơn nữa, mô hình phiên chợ đổi phế liệu giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần mang đến không gian sống xanh - sạch - đẹp cho mọi người", bà Mai cho hay.
Tưởng chừng là những phế liệu bỏ đi nhưng nay lại được người dân thu gom mang đến phiên chợ "di động" đổi lấy thực phẩm (Ảnh: Hoài Trang). |
Không chỉ bà Mai, những ngày gần đây, rất nhiều người dân trên địa bàn quận Đống Đa đã có thói quen mang rác phế liệu để đổi lấy thực phẩm. Việc đổi rác, phế liệu lấy thực phẩm sạch là điều mà họ chưa từng nghĩ tới.
Từ ngày biết đến mô hình đổi phế liệu lấy rau, bà Nguyễn Thị Thanh (43 tuổi, phường Linh Quang, Đống Đa, Hà Nội) thường gom phế liệu thành nhiều loại khác nhau sau đó mang đến điểm đổi thực phẩm. Theo bà, việc phân loại sẽ giúp quá trình trao đổi diễn ra nhanh hơn. Sau khi phế liệu được quy đổi thành phiếu ghi rõ số tiền, bà Thanh chỉ cần cầm phiếu và lựa chọn thực phẩm về cho gia đình.
Bà Thanh đang chọn lựa thực phẩm sau khi phế liệu được quy đổi thành phiếu mua hàng (Ảnh: Hoài Trang). |
"Thực phẩm ở đây được nhập trong ngày, nên rất tươi, ngon. Trong lúc dịch bệnh khó khăn, mô hình này không những giúp bà con đi chợ tiện lợi mà còn giúp người nông dân tiêu thụ nông sản.
Mùa dịch ở nhà nhiều vỏ lon, chai nhựa nhưng không tìm được mấy người thu mua ve chai để bán. Vứt đi thì phí mà để lại thì chật nhà. May là có chương trình này, vừa giúp tôi dọn dẹp được nhà cửa, vừa có thực phẩm tươi sống để ăn. Với số phế liệu bỏ đi mà quy đổi được nhiều nông sản như vậy tôi rất vui", bà Thanh cho biết.
Nông sản sẽ được nhập hàng ngày để luôn tươi, ngon khi đến tay người dân (Ảnh: Hoài Trang). |
Thay vì đi chợ dân sinh mua thực phẩm như trước, vợ chồng bà Trần Thị Minh Tú, ông Nguyễn Đắc Thy ghé gian hàng mua đồ ăn cho bữa trưa. Bà Tú nói, từ ngày có gian hàng thực phẩm "di động" gần nhà, cứ mỗi sáng sớm, vợ chồng bà thường đi bộ tập thể dục rồi tiện đường ghé vào mua thực phẩm.
Vợ chồng bà Tú ghé gian hàng mua thực phẩm (Ảnh: Hoài Trang). |
"Đây là địa điểm linh động giúp người dân có thể chọn mua thực phẩm một cách dễ dàng thay vì vào các khu chợ dân sinh đông người qua lại. Là gian hàng di động nhưng ở đây có đầy đủ các loại thực phẩm như rau, củ quả... mà giá thành cũng rất phù hợp", bà Tú bày tỏ.
Chương trình "đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch" được triển khai từ ngày 22/9 với 20 điểm tại Hà Nội. Tất cả phế liệu sau khi được thu gom, phân loại sẽ được vận chuyển đi tái chế.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Trần Ngọc Tuấn (66 tuổi, quản lý gian hàng số 3 Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, từ ngày đi vào hoạt động mỗi ngày gian hàng thu mua trung bình từ 100 đến 150 kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến 200kg.
Khách hàng đến phiên chợ phải tuân thủ quy định phòng dịch (Ảnh: Hoài Trang). |
Các đối tượng khách hàng không chỉ là những người dân sinh sống quanh khu vực mà rất nhiều người lao động tự do ở xa, công nhân môi trường cũng mang phế liệu đến đây để đổi lấy thực phẩm.
"Từ khi mô hình đổi phế liệu lấy thực phẩm đi vào hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trên địa bàn. "Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch" được triển khai với mong muốn hỗ trợ bà con trong mùa dịch bệnh và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới tất cả mọi người.
Phế liệu, rác sau khi cân sẽ được quy đổi thành phiếu mua hàng (Ảnh: Hoài Trang). |
Với tiêu chí thực phẩm phải là thực phẩm tươi sạch chất lượng cao tiêu chuẩn Vietgap, đã qua kiểm định, đảm bảo an toàn thực phẩm, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng. Chúng tôi cẩn trọng lựa chọn và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để người dân yên tâm lựa chọn nông sản.
Ông Tuấn (Quản lý gian hàng số 3 Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị thực phẩm giao cho khách hàng (Ảnh: Hoài Trang). |
Mô hình "đổi rác lấy nông sản" không chỉ lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường mà còn chung tay giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới doanh nghiệp cũng sẽ triển khai các hoạt động ý nghĩa khác như đổi phế liệu lấy sữa và đồ dùng học tập tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc", ông Tuấn thông tin.
(Theo Dân Trí)
Gánh rối điện từ đồ phế thải độc nhất Việt Nam
Qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những đồ phế liệu hay thứ lá bỏ đi đã được tạo thành dàn rối điện, nón lá độc đáo, giá trị cao.