Dân dã bánh cuốn Tây Sơn: "Nhìn là thèm, ăn vào gây thương nhớ"

Ở khắp các làng quê ở Bình Định nói chung và huyện Tây Sơn nói riêng, bánh cuốn là món ăn rất dân dã, gắn liền với đời sống người dân lao động nghèo. Nhưng nói đến bánh cuốn phải kể đến bánh cuốn ở Tây Sơn- quê hương của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Món ăn là sự kết hợp độc đáo giữa các loại nguyên liệu như thịt nướng lụi, chả ram chiên giòn, trứng luộc, đậu hũ,… được cuốn cùng với các loại rau sống; đặc biệt hơn bánh cuốn được chấm với nước mắm có vị rất đặc trưng, khiến cho bất kỳ ai đã từng thưởng thức đều khó lòng quên được.

{keywords}
Quán bánh cuốn cô Tâm (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) khiến ai 1 lần thưởng thức thì nhớ mãi không quên.

Cách trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng hơn 60km và cách thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) chừng 13km về hướng Tây theo quốc lộ 19. Đến thôn Trung Sơn (xã Tây Thuận) dừng chân, hỏi quán bánh cuốn cô Tâm thì chẳng ai lại không biết.

Quán đối diện với Trường THCS Tây Giang do bà Hoàng Thị Tâm (61 tuổi) mở từ năm 2006, đến nay trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ nhân dân địa phương mà du khách khắp nơi.

{keywords}
Bánh cuốn ngon phụ thuộc rất nhiều vào nước chấm.

Theo chị Đặng Thị Thanh Huyền, con dâu bà Tâm chia sẻ, quán mở cửa cả ngày, nhưng đông nhất vẫn buổi chiều từ 15h đến 17h, khách đến ăn và mua mang về rất đông, khiến cả gia đình cuốn bánh không kịp cho khách.

"Mỗi ngày quán bán cả 1.000 cuốn bánh, tính không xuể, khách rất đông, từ người dân địa phương, khách vãng lai, thậm chí khách ở TP HCM, Hà Nội… nếu du lịch về Tây Sơn cũng tìm đến quán để thưởng thức.

Anh Nguyễn Văn Tâm, tài xế xe tải chạy tuyến Bình Định - Gia Lai, Kon Tum, thường xuyên ăn bánh cuốn cô Tâm chia sẻ: "Bất kể sáng hay chiều, hầu như chuyến xe nào chạy ngang qua quán tôi đều ghé lại quán "đánh chén" 2 cuốn. Bánh cuốn ở đây đặc biệt rất ngon, nhất là nước chấm thì thật tuyệt vời. Nước chấm có vị ngọt thanh nhưng vẫn đậm đà và có vị béo của đậu phộng. Chủ quán thì rất niềm nở, nói chung không chê vào đâu được".

{keywords}
Bánh cuốn được cuốn cùng các nguyên liệu chả ram…
{keywords}
…thịt lụi nướng

Chia sẻ về lý do tại sao quán bánh cuốn luôn đông khách, chị Huyền cho hay, bánh cuốn thì quán nào cũng như quán nào, nguyên liệu dùng để cuốn bánh hầu như quán nào cũng giống nhau, gồm bánh tráng mỏng đem nhúng cuốn với rau sống, lụi thịt bò nướng, trứng vịt luộc chín, nem, chả, chả ram chiên giòn... nhưng bánh cuốn có ngon hay không còn ở chất lượng nước chấm đó là "linh hồn" tạo nên sự các biệt của quán.

"Ở quán, mẹ chồng tôi (cô Tâm - PV) mới là người làm nước chấm ngon số 1. Tôi về làm dâu gần 10 năm cũng được mẹ chồng truyền "bí kíp" nhưng mới chỉ đạt được khoảng 70%, còn rất lâu mới đạt đến trình độ như mẹ chồng tôi", chị Huyền chia sẻ.

{keywords}
Quán bánh cuốn cô Tâm thành điểm đến của nhân dân địa phương và du khách gần xa.

Theo bà Tâm, chủ quán tiết lộ: "Nước chấm bên cạnh việc làm nước mắm chanh đường như bình thường thì tôi còn pha thêm nước đậu phộng vào. Nhờ vậy mà khi ăn khách sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà, vừa có vị thơm của nước mắm, chua chua ngọt ngọt của chanh và đường, béo béo của đậu phộng…".

Quả thật, món bánh cuốn Tây Sơn, đặc biệt là quán bánh cuốn cô Tâm mang một hương vị đặc trưng và có cách chế biến riêng biệt, không lẫn với bất cứ món bánh cuốn nào. Khi ăn vào, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của bánh đa nem, vị giòn rụm của chả ram, vị thơm của thịt nướng, trứng vịt cùng với vị chua cay, beo béo của nước chấm đậu phộng.  

{keywords}
Giờ "cao điểm" từ 15h đến 17h chiều mỗi ngày, chị Huyền cùng gia đình làm không kịp cho khách ăn và mua đem về.

(Theo Dân Trí)