Bộ NN-PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình châu chấu tre lưng vàng và châu chấu sa mạc.

Báo cáo nêu rõ, đến nay, châu chấu tre lưng vàng gây hại chủ yếu tại 8 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh và Thanh Hóa). Diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng gây hại từ đầu năm đến nay là 277 ha, chủ yếu trên tre luồng và một phần nhỏ diện tích cây nông nghiệp (ngô).

Trong khoảng thời gian tháng 6 đến tháng 7, châu chấu tre lưng vàng có hiện tượng di trú từ Trung Quốc, Lào vào Việt Nam (đầu tháng 6/2020 châu chấu tre lưng vàng di trú từ Lào sang địa bàn tỉnh Thanh Hóa; từ ngày 20/7 di trú từ Trung Quốc sang Điện Biên), diện tích nhiễm khoảng 60ha. Nhưng từ ngày 23/7 đến nay không còn châu chấu do chúng lại bay trở về Trung Quốc.

{keywords}
Châu chấu tre  bay sang Việt Nam phá hoại tre luồng, ngô... nay lại bay trở về Trung Quốc 

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương thường xuyên nắm chắc tình hình phát sinh gây hại của loài châu chấu này để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Thời gian qua, hầu hết các địa phương đã chủ động công tác điều tra phát hiện và phòng trừ hiệu quả, không để gây hại trên diện rộng, nhất là các địa phương giáp biên giới tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Lào để nắm bắt thông tin và hợp tác trong việc phối hợp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng.

Bộ NN-PTNT tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Trung Quốc để theo dõi tình hình châu chấu sa mạc trên thế giới.

Đến nay châu chấu sa mạc vẫn phát sinh, gây hại ở các nước khu vực Đông Phi (Kenya, Ethiopia, Somalia,...), bán đảo Ả Rập (Arab Saudi, Yemen, Oman,... ), Tây Á (Ấn Độ, Pakistan, Iran,... ) và đang có xu hướng giảm mật độ vì chúng quay về nơi sinh sản hàng năm.

Diện tích châu chấu sa mạc gây hại ở các nước nói trên lên tới gần 400.000 ha cây trồng nông lâm nghiệp và đồng cỏ. “Đến nay châu chấu sa mạc chưa xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam”, Bộ NN-PTNT khẳng định.

T.A