Từ lâu, sushi đã được xem là món ăn truyền thống của Nhật Bản, với các sản phẩm có mức giá từ bình dân đến siêu đắt đỏ. Trong đó, không thể không nhắc đến sushi cá ngừ vây xanh (thường được biết đến với tên gọi Kuro maguro) được xem là một trong những món đắt đỏ nhất. 

Miếng sushi này với mức giá tại các cửa hàng bình dân thường không dưới 1 USD, và có thể lên đến 65 USD (1,5 triệu đồng) nếu được làm từ những con cá ngừ đặc biệt.

Tuy nhiên, mặc dù sushi cá ngừ được coi là món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Nhật Bản, được hàng triệu thực khách ưa thích muốn thử một lần trong đời nhưng nó cũng là một trong những món ăn gây tranh cãi nhất thế giới. Vậy lý do nằm ở đâu?

Từ thức ăn cho mèo biến thành món ăn thượng hạng

Cá ngừ vây xanh (Pacific Bluefin tuna) sinh sống chủ yếu ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ngoài ra chúng còn có thể được tìm thấy ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Vào trước thập niên 1960, người dân Nhật Bản không hề để tâm đến loại cá này. Bởi vì họ cho rằng thịt của nó khá béo, nhiều dầu, khi nấu lên có vị nhạt nhẽo. Chính vì vậy vào thời đó, cá ngừ vây xanh chỉ được dùng để làm thức ăn cho mèo.

Tuy nhiên, kể từ khi nó được dùng để tạo ra những miếng sushi trứ danh thì số phận của những con cá ngừ đã khác. Cá ngừ vây xanh là một nguồn dinh dưỡng khổng lồ, rất có lợi cho sức khỏe. Khi ăn cá ngừ tươi sống giúp thịt cá giữ được hương vị tuyệt hảo và có lợi cho sức khỏe.

Do vậy, theo thời gian, cá ngừ vây xanh dần dần trở thành một trong những nguyên liệu đắt đỏ hàng đầu thế giới, có thời điểm lên tới 1,76 triệu USD/con (khoảng 40 tỉ VND).

{keywords}

Món sushi cá ngừ đắt đỏ nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Quy trình đánh bắt ngặt nghèo và tàn nhẫn

Một trong những lý do khiến món ăn này trở lên đắt đỏ là quy trình đánh bắt và bảo quản thịt vô cùng khắt khe. Những con cá bị đánh bắt lên bờ đều bị giết thịt một cách nhanh chóng nhất, để cá không vùng vẫy hay mất máu. Vì nếu để cho cá quẫy quá mạnh, quá trình trao đổi sinh hóa bên trong cơ thể cá sẽ xảy ra, dẫn đến chuyện chất lượng thịt cá ngừ giảm đi.

Thông thường, ngư dân sẽ dùng một con dao nhọn hoặc móc để chọc thẳng vào não cá, khiến con cá chết ngay lập tức sau đó mổ lấy nội tạng, để nguyên cả con cá tươi vào trong hầm nước đá, bảo quản không quá 10 ngày trước khi đem đi bán. Loại đá sử dụng để ướp cá cũng phải là đá "sạch". "Sạch" ở đây không có nghĩa là như nước tinh khiết, mà không được phép chứa các tạp chất làm thay đổi mùi vị của cá.

{keywords}

Những con cá ngừ sẽ bị giết nhanh chóng nhất để đảm bảo sự thơm ngon.

{keywords}

Chúng sẽ bị mổ lấy nội tạng và bảo quản trong hầm đá trước khi được đem đi phục vụ.

Hầu hết cá ngừ vây xanh sau khi đánh bắt sẽ được tập kết 3 khu chợ chính, trong đó nổi tiếng nhất là chợ Tsukiji. Đây chính là trung tâm giao dịch cá ngừ vây xanh lớn nhất thế giới. Tại đây, những con cá ngừ đã bị cắt đuôi, mổ bụng được đem đấu giá. Trọng lượng và xuất xứ của cá cũng được viết thẳng lên thân bằng mực đỏ.

Từ đây, những con cá ngừ sẽ được chuyển thẳng tới các nhà hàng sushi tại Nhật Bản và với kỹ năng xử lý cá chuyên nghiệp của những đầu bếp tại đây sẽ tạo ra những miếng sushi đắt đỏ được nhiều thực khách ưa thích.

{keywords}

Khu chợ Tsukiji nổi tiếng.

{keywords}

Những con cá ngừ sẽ bị đem đến các nhà hàng để phục vụ thực khách.

Tranh cãi xung quanh món ăn đắt đỏ

Với nhu cầu ngày càng tăng, cá ngừ trở thành mục tiêu đánh bắt hàng đầu của các ngư dân khu vực Thái Bình Dương, Địa Trung Hải. Việc đánh bắt quá mức với niềm tin "đây là nguồn lợi không bao giờ cạn" đã đẩy trữ lượng cá ngừ toàn cầu giảm xuống chỉ còn 10% trong vòng 30 năm qua.

The Independent dẫn chứng, mỗi năm, người Nhật tiêu thụ khoảng 3/4 lượng cá ngừ vây xanh khai thác được trên thế giới, và 80% lượng cá ngừ đánh bắt từ Địa Trung Hải sẽ kết thúc số phận của chúng trên bàn ăn của người Nhật.

Nếu như trước kia, việc đánh bắt một con cá ngừ có thể đạt 450kg là chuyện bình thường thì ngày nay những con cá ngừ kích thước nhỏ chưa đến 50kg lại được bán khá nhiều. Có thể thấy mức độ khai thác quá mức của con người khiến cho loài cá này ngày càng khan hiếm. Do đó, những chú cá to lớn đã trở thành của hiếm khiến giá bán càng được đẩy lên cao. Khi được bán đấu giá, có thể lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đô la một con cá ngừ vây xanh lớn.

{keywords}

Chú cá nặng 221kg được đấu giá tới 1,76 triệu USD (khoảng 40 tỉ VNĐ)

{keywords}

Cá ngừ vây xanh ngày càng khan hiếm do lòng tham của con người.

Không thể phủ nhận sự thật là sushi cá ngừ là một món ăn thượng hạng, với mức giá cực kỳ đắt đỏ và nhận được sự yêu thích của các thực khách trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cá ngừ đang vượt quá mức báo động đỏ, thậm chí là sắp bị tuyệt chủng. Do đó, nhiều quốc gia đã hạn chế, hoặc cấm hoàn toàn việc săn bắt cá ngừ, nhưng vẫn không thể ngăn được ngư dân đánh bắt trộm loại cá này.

Bên cạnh đó, các nhà động vật học đã và đang ra sức kêu gọi người tiêu dùng trên toàn thế giới từ chối gọi loại sushi này. Vì nếu không có cầu tất yếu cung sẽ giảm xuống, các nhà hàng sẽ chẳng còn lý do gì để mua loại cá này nữa, và cũng chẳng còn ai muốn đánh bắt chúng. Ngoài ra, một số công ty đang đề ra giải pháp xây dựng mô hình nuôi cá ngừ, và hiện đang có một số kết quả khả quan.

Theo Trí thức trẻ