"Người ta nói nhiều đến việc iPhone xách tay đang chết dần tại Việt Nam nhưng nếu không có đại dịch xảy ra, 8-10 năm nữa chuyện đó mới có thể thành hiện thực", đại diện một hệ thống bán lẻ di động lớn tại Việt Nam cho biết.
Theo thông tin từ hàng loạt đơn vị kinh doanh, dù iPhone chính hãng đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua, lượng iPhone xách tay bán ra luôn đạt tỷ lệ 50:50 so với hàng chính hãng. Chỉ đến khi đại dịch bùng phát, việc di chuyển giữa các quốc gia gặp khó khăn, hàng hoá vận chuyển không thông suốt, lượng iPhone xách tay về nước mới giảm mạnh. Không có thống kê chính thức nhưng các hệ thống bán lẻ ước tính, số lượng iPhone xách tay về nước trong 2 năm qua chỉ bằng 1/10 so với thường lệ.
Trong đợt ra mắt iPhone 13 này, iPhone xách tay không đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng, giá bán thậm chí còn tăng sau khi về nước một vài tuần – điều chưa từng xảy ra trước đây. Thời điểm hiện tại, iPhone xách tay còn được chào bán cao hơn cả giá nhận đặt trước từ các đại lý chính hãng (mở bán từ 22/10).
iPhone xách tay "chết" nhanh hơn
Trong cả chục năm qua, iPhone "xách tay" từ lâu được mặc định là một phân khúc sản phẩm tại Việt Nam với những lợi thế như hàng về sớm, giá rẻ hơn hàng chính hãng. Ngoài ra, số lượng sản phẩm qua sử dụng, model đời cũ cũng phong phú hơn hẳn so với mặt hàng chính ngạch – cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn ở nhiều tầm giá khác nhau.
Tuy nhiên, khi quy mô thị trường đủ lớn và Apple bắt đầu có động thái "dọn dẹp" hàng xách tay, giới quan sát tin rằng không sớm thì muộn, iPhone xách tay cũng sẽ "chết", nhường chỗ cho các sản phẩm chính ngạch.
Giá chào bán iPhone 13 xách tay tại một đại lý ở TP.HCM. Mức giá này cao hơn khoảng 5 triệu đồng so với máy chính hãng cùng dung lượng. |
Theo một số nguồn tin, vào năm 2019 có khoảng 1 triệu chiếc iPhone chính hãng được bán tại Việt Nam trong khi đó số lượng hàng bán theo dạng không chính ngạch lên đến 1,2-1,3 triệu máy – đồng nghĩa tỷ lệ máy xách tay vẫn cao hơn chính hãng.
Bước ngoặt thực sự xảy ra khi hàng loạt cửa hàng ở Hà Nội, TP.HCM ngừng kinh doanh sản phẩm iPhone xách tay trước khi nghị định 98/2020 NĐ-CP có hiệu lực vào tháng 10/2020. Theo đó, các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu phải chịu mức phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng tuỳ theo giá trị của từng loại hàng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt có thể tăng gấp đôi.
Nghị định cũng nêu rõ sẽ xử phạt các hàng hoá không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định và không làm thủ tục hải quan. Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo hoặc hoá đơn chứng từ không hợp pháp cũng nằm trong diện bị xử phạt.
Ngay sau đó, đại dịch Covid-19 ập đến và đẩy nhanh quá trình này. Trong 2 năm qua, lượng iPhone xách tay về nước đã ở mức cực kỳ thấp, ước tính bằng khoảng 1/10 so với thông thường. Đỉnh điểm của việc này là khi iPhone 13 ra mắt. Không còn sự sôi động như các năm, thị trường iPhone 13 xách tay khá ảm đạm khi lượng hàng về nhỏ giọt, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hàng ít, nhu cầu cao khiến giá iPhone xách tay tăng vọt dù đã về nước cả tháng. Lợi thế về giá của iPhone xách tay so với máy chính hãng đã không còn và lượng hàng cũng chẳng dồi dào. Do đó, dòng sản phẩm này đã gần như mất hết ưu thế cạnh tranh. "Có thể sau đại dịch, doanh số iPhone xách tay sẽ phục hồi trở lại nhưng sức bán sẽ không còn được như trước", một nhà kinh doanh iPhone lâu năm cho biết.
Vì sao? Đây là câu trả lời.
Tận dụng cơ hội
Điểm dễ nhận thấy nhất là rất nhiều các hệ thống kinh doanh xách tay trước đây đều dừng bán máy xách tay để chuyển sang hàng chính hãng. Nhiều hệ thống trong số này đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, quy trình để trở thành đại lý bán lẻ chính thức của Apple.
Cũng nhân cơ hội này, nhiều đơn vị kinh doanh độc lập cũng nhìn ra cơ hội để "tận diệt hàng xách tay" và lấy đi số thị phần còn trống đó bằng cách mở các cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple.
Trong giai đoạn 2020-2021, hoạt động mở rộng kinh doanh của nhiều bên gặp nhiều khó khăn nhưng có ít nhất vài đơn vị đã mở các chuỗi Apple Mono Store. Mới nhất trong số này có Thế Giới Di Động – nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam vừa công bố sẽ mở khoảng 60 cửa hàng Mono Store cho đến hết quý I/2022. Một số đơn vị khác cũng đang rục rịch mở Mono Store. "FPT Retail có thể cũng sẽ sớm quay lại mô hình Mono Store mà họ ấp ủ trước đây vì đây là thời điểm chín muồi", CMO của một chuỗi bán lẻ sản phẩm Apple tại Việt Nam dự đoán.
Mô hình Mono Store đang xuất hiện ngày một nhiều tại Việt Nam. |
Một điểm nữa khiến hàng xách tay khó có cơ hội "ngóc đầu" trở lại là chính sách của Apple dành cho các hệ thống bán lẻ chính hãng. Nếu như trước đây, Apple gần như không có bất cứ động thái hỗ trợ nào cho thị trường Việt Nam khiến nhà bán lẻ phải nhập hàng với giá cao về để bán thì gần đây, hãng quan tâm đến thị trường nhiều hơn, cấp chiết khấu cho nhà bán lẻ cũng như các chính sách hỗ trợ bán hàng, cho phép đại lý nhập hàng giá tốt, tung nhiều chương trình giảm giá để kích cầu mua sắm. Từ đó, iPhone chính hãng tại Việt Nam đang có giá bán ngày càng tốt, khuyến mại nhiều.
Số điểm bán nhiều lên, giá rẻ đi, chương trình khuyến mại cho khách hàng nhiều hơn, hàng về sớm – iPhone chính hãng đang khiến cho mọi ưu thế cạnh tranh của máy xách tay bị triệt tiêu. Tất nhiên, nếu không có "chất xúc tác" là đại dịch Covid-19, quá trình này sẽ diễn ra chậm hơn và khó khăn hơn.
(Theo Nhịp sống kinh tế)
Cảnh báo seal niêm phong iPhone 13 giả bán tràn lan trên thị trường
Trên thị trường Việt Nam hiện đã bắt đầu xuất hiện sản phẩm seal niêm phong iPhone 13 giả được rao bán với giá 20.000 đồng/chiếc.