Cuối hạ, sang thu, xã Huyền Sơn - huyện Lục Nam (Bắc Giang), nơi được mệnh danh là "thủ phủ na dai" bước vào mùa thu hoạch. Từ nhiều năm nay, cây na đã trở thành cây phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo, mang lại cuộc sống ổn định cho vùng bán sơn địa này.
Đưa quả na đến gần hơn với công nghệ hiện đại
Chúng tôi đến xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam vào một ngày giữa tháng 7, đúng thời điểm mùa na bắt đầu chín rộ. Người người, nhà nhà đều bận rộn với việc thu hái na từ sớm để kịp cho phiên chợ na. Mặc dù vất vả, nhưng trên gương mặt ai cũng rạng ngời, bởi na năm nay không những được mùa, lại được giá, không phụ công người trồng.
Vào những ngày này, khắp các nẻo đường bà con tấp nập gồng gánh na đem bán. Ô tô tải ùn ùn các nơi đổ về thu mua với số lượng hàng chục tấn quả mỗi ngày.
Xã có 2.061 ha đất tự nhiên (trong đó 65% diện tích là đất lâm nghiệp) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thế mạnh là phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt có cây na dai được phát triển mạnh trong 15 năm gần đây.
Na được trồng chủ yếu ở xã Huyền Sơn từ lâu nhưng vài năm trở lại đây mới trở nên nổi tiếng. Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, na dai Huyền Sơn không những cho năng suất cao mà còn có chất lượng quả tốt, giữ được giá bán ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng cũng như mẫu mã quả trong suốt nhiều năm qua.
Ngoài Huyền Sơn, ở các xã Đông Phú, Nghĩa Phương, Cương Sơn, Lan Mẫu, Đông Hưng (Lục Nam), cây na cũng đang có vị trí vững chắc trong cơ cấu cây ăn quả. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lục Nam, nơi đây hiện có khoảng 1.700 ha trồng na.
Từ lâu trái na dai Lục Nam đã trở thành mặt hàng uy tín với khách hàng. Người trồng na cũng đã đủ kinh nghiệm và bí quyết để tạo nên thương hiệu riêng, phân biệt với na ở các vùng khác. Na chín có mùi vị thơm ngon đặc biệt, thịt quả mềm, thơm, ngọt, ngon, bổ dưỡng.
Na trồng ở Lục Nam được áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Na chín tập trung, trước đây thu hoạch chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng nhưng hiện nay đã kéo dài tới 4 tháng.
Na dai Lục Nam đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu "Na Lục Nam" ngày 11/11/2014.
Thoát nghèo nhờ cây na
Bà Nguyễn Thị Ngọc (thôn Khuyên, xã Huyền Sơn) - cho biết: "Trước đây gia đình cũng thuộc diện khó khăn trong làng, nhưng từ ngày có cây na về, được tiếp cận với công nghệ hiện đại trong canh tác và chăm bón theo quy trình Vietgap mà gia đình đã thoát được nghèo, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng từ quả na".
Phấn khởi vì vừa bán được na giá cao, bà Ngọc khoe nhà bà có 5 sào na, từ đầu mùa đến giờ, cũng bán được hơn chục triệu đồng.
Anh Nguyễn Duy Tân - chủ một điểm thu mua na ở Huyền Sơn - cho biết, đang mùa na bắt đầu chín rộ, trung bình mỗi ngày điểm cân của anh thu mua khoảng 2-3 tấn na. Các thương lái đến và mang na đi nhiều vùng, miền khác nhau, nhưng chủ yếu là khách quen ở Hà Nội...
"Na ở Huyền Sơn ngon, mẫu mã đẹp, để 2 - 3 ngày quả na vẫn trắng, không bị thâm đen như na ở một số nơi khác, nên dù giá có cao hơn na ở những nơi khác với mức giá dao động từ 40-55.000 đồng/kg đầu mùa, nhưng khách hàng của tôi vẫn thích mua", anh cho biết. Vừa bận rộn chuyển na lên xe ô tô, anh Trương Văn Phú, một thương lái kể, ngày nào anh cũng đến Huyền Sơn mua khoảng một tấn na mang đi tiêu thụ.
Những người trồng na có kinh nghiệm ở Huyền Sơn cho biết, na trồng nơi đây ăn vừa ngon, mẫu mã lại đẹp có lẽ liên quan đến chất đất. Đất Huyền Sơn nằm dưới chân núi Gốm, là chất đất thịt đen rất đặc biệt, mà người dân vẫn gọi là đất mùn giun, vì có rất nhiều giun làm tơi xốp đất. Chính vì vậy, mà chất lượng na trồng ở Huyền Sơn được đánh giá là ngon nhất trong huyện Lục Nam. Quả na trồng ở đây vừa to, lại chắc quả, ăn rất ngọt, thơm. |
(Theo Dân Trí)
Loại na đặc biệt ở Hải Phòng, dân buôn về tận vườn canh mua
Na bở Hải Phòng đang được dân Hà Nội lùng mua dù có giá vô cùng đắt đỏ. Dân buôn cho biết, khách đặt mua na bở quá nhiều, 1 tuần bán cả cả tấn, song đầu mùa hàng hiếm, họ phải về tận vườn canh mua.