6h30 sáng, tiệm cắt tóc Đông Tây Barber Shop (quận Phú Nhuận) đã mở cửa đón những vị khách đầu tiên, sau thời gian nghỉ dài do giãn cách xã hội. Đến 9h, nhân viên tại quán liên tục phải xin lỗi và mời khách mới đến quay lại sau do lượng khách xếp hàng chờ đã quá đông.

“Tôi cắt tóc lần gần nhất là từ tháng 5, không nghĩ chờ thời gian giãn cách dài đến như thế. May hôm nay đến sớm nên được vào cắt tóc”, Duy Thịnh (quận Phú Nhuận) nói.

“Cắt tóc là dịch vụ cần được mở, vì đàn ông để tóc dài rất khó chịu và nóng nực. Tôi chờ ở tiệm được gần 1 tiếng rồi”, ông Nguyễn Quốc Bình (quận Phú Nhuận) chia sẻ.

Anh Nguyễn Hoài Thanh, chủ hệ thống cắt tóc Đông Tây Barber Shop cho biết, các tiệm trong hệ thống chỉ làm việc đạt khoảng 20% công suất do chưa đủ thợ. Anh mở lại để máy móc, thiết bị điện lâu ngày không bị hỏng, tiệm được dọn dẹp sạch sẽ.

{keywords}
Tiệm cắt tóc mở lại đông khách từ sớm (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Các tiệm cắt tóc cũng không hoạt động hết công suất do chưa đủ nhân viên (ảnh Trần Chung)

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, anh Thanh yêu cầu nhân viên tại các chi nhánh tuyệt đối không được tiếp xúc, gặp gỡ nhau. Đồng thời, nhân viên trực tiếp cắt tóc là người đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đủ số ngày quy định. Các cơ sở cũng trang bị súng bắn cồn, cồn xịt khuẩn 70 độ để vệ sinh tay, ghế ngồi trước khi cắt cho mỗi khách hàng.

“Chúng tôi 4 tháng trời đi tình nguyện, cắt tóc trong các khu cách ly, bệnh viện dã chiến nên hiểu quá rõ nỗi khổ mà dịch bệnh mang đến. Chúng tôi mở cửa lại và không đòi hòi quyền lợi gì về kinh tế cả. Ai cũng đều thấm mệt vì khó khăn rồi, chỉ mong thành phố sớm kiểm soát được dịch”, anh nói.

Theo ghi nhận của PV. VietNamNet, trong sáng 1/10, sáng “bình thường mới” đầu tiên tại TP.HCM, lượng người ra đường đông hơn hẳn so với những ngày trước đây. Các dịch vụ đắt khách trong sáng nay sau chuỗi ngày dài giãn cách là: sửa chữa xe máy, cắt tóc, tiệm bán bánh mỳ,... đáng chú ý có cả dịch vụ giao dịch mua bán vàng. Trong đó, giá của một số dịch vụ, mặt hàng được phản ánh “đắt đỏ” hơn ngày thường.

Chị Phan Thị Cẩm (quận 3) cho hay, ổ bánh mỳ ngày thường mua chỉ 15.000-18.000 đồng thì nay lên tới 27.000 đồng. “Nhân bên trong vẫn là chả lụa với thịt như mọi khi nhưng giá lại tăng. Dịch bệnh khó khăn mà giá cả thì leo thang”, bà nội trợ thốt lên.

{keywords}
Đông người đi mua ắc quy mới trong sáng 1/10 (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Tiệm sửa xe máy làm việc không nghỉ từ lúc mở hàng (ảnh: Trần Chung)

Anh Quốc Đạt (quận Bình Thạnh) cho hay, giá bình ắc quy cho xe Wave ngày thường dao động từ 250.000-280.000 đồng, nay các cửa hàng bán phụ tùng hét giá tới 350.000 đồng/bình ắc quy. Anh Đạt vẫn phải chấp nhận mua ắc quy thay để phục vụ công việc đi lại.

Tuyến phố Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) vốn nổi tiếng là tuyến phố chuyên mua bán phụ tùng, sửa chữa xe, các tiệm sửa xe đều có đông khách từ sớm. Ông Huỳnh Tài Duyên (quận Bình Thạnh) cho biết, xe máy để lâu trong nhà không đi nên khó nổ máy, sáng nay ông phải dắt bộ ra tiệm để kích ắc quy và thay luôn nhớt xe lâu ngày.

Bán vàng lấy tiền sinh hoạt

Đặc biệt, trong sáng đầu tiên "bình thường mới", các tiệm vàng là điểm tập trung khá đông người. 8h sáng, hàng dài người xếp hàng trước tiệm vàng Mi Hồng (đường Bùi Hữu Nghĩa - quận Bình Thạnh) để vào giao dịch. Tiệm vàng Kim Thành Phát (đường Vũ Tùng - quận Bình Thạnh) gần đó cũng trong tình trạng đông.

Tại một tiệm cầm đồ vàng khác nằm trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), nhiều người xếp hàng chờ tới lượt vào giao dịch. Khảo sát nhanh cho thấy, các giao dịch được người dân thực hiện chủ yếu là bán vàng

{keywords}
Xếp hàng dài chờ giao dịch ở một cửa hàng vàng tại quận Bình Thạnh sáng 1/10 (ảnh: Trần Chung)

Bà Ngọc Phụng (quận 3) cho hay, sáng nay bà bán 1 chỉ vàng SJC (khoảng 5,6 triệu đồng) để lấy tiền chi tiêu, sinh hoạt do mấy tháng nay thu nhập từ công việc tự do của gia đình không ổn định.

“Giờ hết tiền nên chúng tôi bán vàng hoặc cầm vàng lấy tiền tiêu tạm chứ biết làm sao. Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ được vậy. Dịch bệnh biết trách ai bây giờ”, anh Phùng Thái (quận Phú Nhuận) nói.

Theo Chỉ thị mới ban hành của chính quyền TP.HCM, sẽ có 13 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại từ ngày 1/10, như các hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ gồm: cung cấp lương thực thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp,...

Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thì chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet. Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất.

Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; bán hàng rong, vé số dạo vẫn tiếp tục tạm dừng.

Trần Chung

Mở cửa siêu thị, dùng trí tuệ nhân tạo kiểm soát người mua

Mở cửa siêu thị, dùng trí tuệ nhân tạo kiểm soát người mua

Phủ xanh nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ là những giải pháp các siêu thị tại TP.HCM thực hiện để phục vụ đón khách trực tiếp từ ngày 1/10, trong điều kiện "bình thường mới".