Tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), sáng 22/6, 8 mũi tấn công của lực lượng QLTT gồm Tổng cục QLTT, Cục QLTT Hà Nội, Cục QLTT Hưng Yên phối hợp với lực lượng công an tổng tấn công vào các địa điểm đã được trinh sát trên địa bàn Hưng Yên và Hà Nội.
Theo đó, mũi 1 tấn công từ Hưng Yên, dưới sự chỉ đạo của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, đã tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Kho hàng tại Hưng Yên chứa trên 93.000 sản phẩm chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Theo nguồn tin của Tổng cục QLTT, chủ cơ sở đã nhập các mặt hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản về Việt Nam qua Cảng Hải Phòng, đưa về tập kết tại kho hàng này.
Tại đây, hàng hóa được chia lẻ, vận chuyển bằng phương tiện xe tải về tập kết tại một số điểm trên địa bàn TP. Hà Nội để tiêu thụ. Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận 93.400 đơn vị sản phẩm chủ yếu mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng và rượu do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra.
Rất nhiều loại rượu ngoại được thu giữ (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Tại địa bàn Hưng Yên, số hàng hóa này chủ yếu được tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là livestream bán hàng qua các fanpage như: “Chego Shop - Thế giới hàng Nhật”, “Chego Hàng Nhật EU”.
Cùng thời gian trên, 7 mũi tấn công thuộc Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Đội 7, PC03, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra 7 điểm kinh doanh và tổng kho nằm rải rác ở các vị trí khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội.
Một kho hàng ở tại ngõ 691 Bát Khối (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Kiểm tra kho chứa hàng không tên ở ngõ 691 đường Bát Khối, quận Long Biên, Hà Nội do ông Bùi Quyết Thắng làm chủ, Đội QLTT số 14 đã thu giữ gần 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ. Trị giá gần 400 triệu đồng.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh (phải) đang kiểm tra hàng hóa (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Tại “Shop Thủy Top” ở địa chỉ 455A Bát Khối, Long Biên, Hà Nội cũng thuộc sở hữu của ông Bùi Quyết Thắng, lực lượng chức năng ghi nhận 495 sản phẩm quần, áo, thắt lưng các nhãn hiệu Gucci, Chanel, LV,... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Lô hàng có trị giá 60 triệu đồng.
La liệt các sản phẩm (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Các đơn hàng đã đóng gói sẵn (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Cửa hàng này cũng có đủ các dụng cụ phục vụ livestream. Nhân viên cho biết chương trình livestream tại cửa hàng được thực hiện vào buổi tối. Khai thác thêm, lực lượng chức năng được biết, phần lớn hàng hóa được cơ sở kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, chủ yếu là Facebook có tên “Thủy Top Rẻ và Đẹp” và “Shop thủy top”.
Tại địa chỉ Shop Thủy Top, 455A Bát Khối có đầy đủ các dụng cụ phục vụ livestreams (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Kiểm tra tại Cửa hàng kinh doanh số 41 phố Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do ông Trần Đức Quân làm chủ, đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 22.029 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như các hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Ước tính lô hàng vi phạm có trị giá trên 5,5 tỷ đồng.
Tại cơ sở kinh doanh số 5 ngõ 77/36 Lâm Hạ, quận Long Biên do bà Nguyễn Thùy Trang làm chủ, đoàn kiểm tra đã ghi nhận đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng. Tuy nhiên, cửa hàng đã thực hiện việc chuyển địa điểm kinh doanh mà không xin phép với cơ quan chức năng. Đội QLTT số 14 đã tiến hành lập biên bản vi phạm. Với hành vi tái phạm trên, cơ sở dự kiến bị phạt số tiền 1 triệu đồng.
Kiểm tra tại cơ sở kinh doanh ở địa chỉ 11 ngõ 135/17/7 phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên do bà Vũ Thị Thanh Mai làm chủ, lực lượng chức năng ghi nhận có nhiều các sản phẩm sữa hộp như Ensure, Aptamil, Meji, Pedia sure cùng các sản phẩm thuộc nhóm mỹ phẩm đựng trong các thùng carton. Theo chủ cơ sở, đây là các mặt hàng được cơ sở nhập lại từ các doanh nghiệp nhập khẩu. Tại buổi làm việc, chủ cơ sở xuất trình cho đoàn kiểm tra nhiều hóa đơn, chứng từ về sản phẩm. Tiến hành đối chiếu với hóa đơn, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 4.310 sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm không có hoá đơn chứng từ.
Hàng trăm nghìn sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và gia dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Ông Lê Việt Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội cho hay, đây là một trong những vụ kiểm tra có quy mô lớn có tính chất liên tỉnh mà Đội thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT. Tại đây có tới hàng trăm mặt hàng với hàng nghìn sản phẩm thuộc các nhóm mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc… Có những sản phẩm chỉ có nhãn phụ dán ngoài thùng carton, bên trong sản phẩm không có tem nhãn. Tại thời điểm kiểm tra, đa phần chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Với 8 địa điểm được đồng loạt kiểm tra trong ngày 22/6, lực lượng QLTT đã thu giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm mang dấu hiệu vi phạm.
Anh Tuấn
Công an vào cuộc xử vụ kho hàng 'đồ hiệu' khủng tại Nam Định
Lô hàng nhái nhãn hiệu Hermes, Gucci, LV, Dior... bị phát hiện tại Nam Định có giá trị tới 3,9 tỷ đồng. Sau 5 lần làm việc vẫn chưa tìm được chủ nhân nên Cục QLTT Nam Định quyết định chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Nam Định.