Giống vú sữa đột biến được gia đình anh Trần Anh Nhân (ngụ tại ấp Mỹ Thuận, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) phát hiện và canh tác đến nay đã hơn 7 năm.
Theo anh Nhân, nhiều năm trước, anh phát hiện một cây vú sữa tím trong vườn của cha vợ. Quan sát một thời gian, anh thấy cây vú sữa này cho trái quanh năm, vỏ mỏng, ít mủ và vị ngọt vừa phải. Biết đây là giống vú sữa quý, anh chiết nhánh đem về vườn nhà trồng.
"Vú sữa một năm chỉ có một vụ nhưng tôi để ý cây vú sữa đặc biệt của cha vợ cho trái quanh năm, trái to, bóng đẹp nên tôi chiết một số nhánh trồng thử trong vườn xoài sau nhà", anh Nhân cho hay.
Sau thời gian canh tác anh nông dân nhận thấy, vú sữa tím đột biến không kén đất. Quy cách trồng, cây cách cây 6 m, trung bình 1.000 m2 đất có thể trồng 25-30 cây.
"Năm 2016, ở đây xảy ra xâm nhập mặn. Lúc đó dù còn nhỏ nhưng những cây vú sữa cũng không hề hấn gì. Đến giai đoạn năm 2019-2020, Sóc Trăng tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi hạn mặn, nồng độ mặn đo khi đó đến hơn 3‰ tôi tưởng số vú sữa trong vườn sẽ chết nhưng không ngờ chúng chỉ bị rụng lá một ít, rồi vẫn cho trái được vụ kế tiếp", chủ vườn tiết lộ.
Điều đặc biệt nữa, loại vú sữa này cho trái sớm. Nhánh chiết trồng khoảng 14 tháng đã cho trái chiến (vụ đầu), từ lúc có bông đến lúc thu hoạch mất khoảng 5 tháng. Trái lớn cỡ 2 ngón tay anh Nhân tiến hành bao túi ni-lông để tránh côn trùng tấn công.
"Do giống vú sữa này có trái suốt 4 mùa nên tôi đặt tên là vú sữa tứ quý. Mỗi trái nặng từ 250 đến 600g, hạt vú sữa không có bao, vỏ mỏng, khi trái chín có thể lột vỏ bằng tay", anh Nhân phân tích.
Vì là loại cây đột biến, để tạo ra nguồn cây giống thuần giữ nguyên tính trạng, trội anh Nhân nhân giống theo phương pháp vô tính. Ban đầu anh chiết cành nhưng sau này anh đổi sang ghép chui cành treo bầu để tăng năng suất.
Hiện với diện tích vườn hơn 10 ha, bình quân mỗi tháng anh cung cấp trên 10.000 cây vú sữa giống cho bà con các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Ước tính lợi nhuận từ vườn vú sữa của anh khoảng 2 tỷ/năm.
Vẫn theo lời anh Nhân, vú sữa tím tứ quý cho năng suất rất cao. Năm 2021, anh để trái toàn vụ, thu được sản lượng 35-40 tấn. Trong số đó, anh có cung cấp cho một công ty xuất khẩu cây ăn trái vận chuyển sang Mỹ chào hàng và đã được thị trường khó tính này chấp thuận. Giá vú sữa tứ quý thương phẩm giá khá cao, 30.000 đồng/kg (vụ chính) và đến hơn 60.000 đồng/kg (nghịch vụ).
Ngoài ra, thời gian qua, anh Nhân còn thành lập được Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, mục tiêu để hình thành vùng chuyên canh vú sữa tứ quý quy mô hơn 30 ha, cung ứng cho thị trường nước ngoài.
Ông Trần Văn Chơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ cho biết, giống vú sữa tứ quý của anh Nhân có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Những giống vú sữa khác một năm chỉ có một vụ nhưng giống này cho trái quanh năm. Bà con nông dân có thể trồng và xử lý trái linh hoạt giữa vụ thuận và vụ nghịch để có lợi nhuận cao hơn.
"Hiện giờ anh Nhân đã thành lập được hợp tác xã, đây sẽ là cầu nối thu mua vú sữa giúp bà con nông dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm khi canh tác. Hi vọng thời gian tới vú sữa tứ quý sẽ trở thành đặc sản mới của xã Nhơn Mỹ nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung", ông Chơn cho hay.
(Theo Dân trí)
Chuyện trái vú sữa 'lưu lạc' được đưa về 'cố hương' bán giá cao
Sau khi “lưu lạc” về tận xứ Phong Điền (Cần Thơ), trái vú sữa Lò Rèn giờ được đưa về “cố hương” - Vĩnh Kim và bán với giá cao.