Khởi đầu tự thân
Năm 2000, kinh tế đang gượng dậy sau thời gian khủng hoảng, cậu sinh viên Mai Anh Tú vừa tốt nghiệp đã tự mình thi tuyển và có một vị trí trong một công ty liên doanh, bàn tay chai sần vì vẽ phác thảo, đây cũng là thời gian anh được tham gia thực hiện những dự án quy mô lớn như từ các công trình khách sạn đếnvăn phòng, trụ sở Bộ, Ngành tại Hà Nội…và sau đó là chủ nhiệm các dự án lớn của công ty.
“Đó là những ngày làm việc bằng sức trẻ và say mê, kinh nghiệm thiếu, tôi chỉ biết miệt mài và chăm chỉ để không phụ niềm tin của sếp dành cho mình, nhóm của tôi chỉ có 4 người, nhưng sếp giao phải thực hiện cùng một lúc mấy dự án mà cái nào xét tại thời điểm đó về mặt quy mô cũng thuộc diện lớn, vừa áp lực nhưng cũng là cơ hội học hỏi mà sếp trao cho”, anh Tú chia sẻ.
Sau hơn 10 năm lăn lộn trong nghề và bao nhiêu đêm trắng trên công trường, năm 2008 KTS Mai Anh Tú cùng vài người bạn thuê một văn phòng nhỏ ở đường Huỳnh Thúc Kháng, tìm kiếm những cơ hội đầu tiên trong nghề.
“4 đứa làm kiến trúc sư kiêm kĩ sư xây dựng, tiềm lực gia đình không có, tích lũy mãi mới được chút vốn, nên chẳng nghĩ tới chuyện văn phòng đẹp, chỉ biết cố gắng và cố gắng thật nhiều, không bao giờ chê quy mô dự án nhỏ hay ít lợi nhuận, chỉ nghĩ khách hàng đặt niềm tin vào mình là phải nắm bắt lấy”.
Những công trình được cải tạo sửa chữa, nhà phố đến biệt thự, văn phòng tới trường học, tín nhiệm lớn dần cùng quy mô công ty, sau 13 năm, hiện nay công ty Kiến trúc và Xây dựng TTAH dần có chỗ đứng ở khu vực phía Bắc.
Chọn nghĩ sâu, làm kỹ những thứ nền tảng
Người ta thường nhắc tới kiến trúc mang đậm dấu ấn cá nhân, với TTAH, KTS Mai Anh Tú lại có góc nhìn khác về vấn đề này.
“Dấu ấn ở đây không chỉ là dấu ấn cá nhân của kiến trúc sư mà còn phải là dấu ấn của cả người chủ sống trong không gian kiến trúc đó nữa. Không phải chủ đầu tư nào cũng có điều kiện kinh tế hay đủ độ “chịu chơi” để cho kiến trúc sư thoải mái theo ý riêng, vậy như thế nào để làm mới, đưa dấu ấn của khách hàng vào công trình với chi phí giới hạn, đảm bảo yếu tố thích dụng bền vững là bài toán mà cho dù giải nhiều lần, vẫn luôn mang nhiều thử thách với TTAH, đó cũng là cách chúng tôi lựa chọn để đi đường dài”.
Về sự thích dụng và bền vững, anh Tú nói: “Thiết kế một ngôi nhà không nên chỉ quan tâm tới việc làm cho căn nhà trở nên hào nhoáng mà quên đi yếu tố thân thuộc gần gũi, người kiến trúc sư cần tìm hiểu và khai thác triệt để những thói quen sinh hoạt đáng khích lệ của gia đình để đưa vào thiết kế của mình. Kiến trúc không những cần định hướng thẩm mỹ mà còn phải tạo dựng được những giá trị tinh thần rất riêng cho chủ nhà, nó giúp gìn giữ và phát huy những phẩm chất để tạo ra cái khác biệt, không nhà nào giống được.
Một ngôi nhà sẽ là bản tuyên ngôn của chủ nhân, thẩm mỹ đẹp ở cái vỏ chỉ thỏa mãn nhãn quan trong phút chốc, nhưng trải nghiệm của khách hàng sau khi tiếp nhận và sinh sống trong không gian mới sẽ quyết định công trình thành công hay không. Giống như cái cốc trước khi tạo hình cho đẹp, phải làm cho nó có tác dụng đựng và uống nước thuận tiện đã, đó mới chính là chân giá trị”.
Mang đến giá trị từ việc xây dựng tốt những thứ nền tảng
Người làm nghề xây dựng cần trung thực và nghiêm túc, ngoài việc lựa chọn cốt liệu sạch và phù hợp thì việc làm đúng theo quy trình thi công cũng quyết định lớn tới tuổi thọ công trình, ví dụ: trước khi xây phải làm ẩm gạch, trước khi trát phải tưới tường (thậm chí trát xong cũng phải bảo dưỡng lớp vữa trát), bê tông phải đủ ngày tháng và được bảo dưỡng theo quy định… nếu như nhà thầu nào cũng làm đúng và đủ, việc có những công trình bền vững với thời gian sẽ không chỉ mang lại sự tiết kiệm cho khách hàng, còn mang lại những lợi ích cho thiên nhiên và môi trường.
Anh Tú chia sẻ, suốt hành trình 13 năm của TTAH, khách hàng mới đều đến từ lời giới thiệu của những chủ đầu tư cũ, từng bước chậm mà chắc, chắc rồi công ty lớn lên, không ồn ào và khoa trương. Với kiến thức của một người làm nghề lâu năm, những trăn trở dường như đã được anh tháo gỡ về tính bền vững của công trình qua câu chuyện nhà ở hỏng hóc chẳng của riêng ai.
Lệ Thanh