Những giải pháp giúp TP.HCM sớm hoàn thành đề án xây dựng đô thị sáng tạo sẽ được các nhà quản lý, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sẻ chia nhiều hơn trong Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức.

Sự kiện dự kiến tổ chức thường niên cũng là một trong nhiều nỗ lực của Thành phố nhằm ghi tên mình vào danh sách những thành phố sáng tạo điển hình, giúp thay đổi mô hình tăng trưởng vốn đã cũ kỹ.

Những thành phố sáng tạo

Nếu như người Mỹ tự hào vì mình có thung lũng Silicon thì với Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng có thể gọi tên Dubai Internet City, nơi người dân và chính phủ tự hào đưa ra khẩu hiệu: “Đổi mới bắt đầu ở đây”.

Sở hữu tòa nhà cao nhất thế giới, sân bay bận rộn nhất thế giới hay hãng hàng không nổi tiếng Emirates, Dubai Internet City là cộng đồng kinh doanh công nghệ lớn nhất trong khu vực, thu hút đáng kể nguồn lực, từ vốn cho đến con người, các doanh nhân kết nối và cùng chia sẻ tầm nhìn của họ cho một ngày mới đầy táo bạo hơn. “Nguyên lý là phát triển ý tưởng trong sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp”, tạp chí The Economist lý giải về nguyên nhân thành công của Dubai Internet City.

TP.HCM cũng đang có tham vọng xây dựng một đô thị đặc biệt. Theo bà Phạm Trần Thanh Thảo, Trợ lý Giám đốc Sở ngoại vụ TP.HCM, lãnh đạo thành phố và các chuyên gia Việt Nam đã có những chuyến đi tham quan, học hỏi và làm việc với các mô hình thành công trên thế giới về đổi mới sáng tạo, cụ thể ở thành phố khoa học Tsukuba (Nhật Bản), thành phố thông minh Dubai Internet City (UAE)...

Đặc biệt hơn, các chuyên gia trên cũng sẽ đến Tp.HCM cho một cuộc hội thảo lần đầu tiên tổ chức, đó là “Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018” (HEF 2018) vào ngày 23/11 tới.

{keywords}
 

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, kiêm Phó Ban tổ chức, mục tiêu của diễn đàn kinh tế TP.HCM lần này là tập hợp chuyên gia, diễn giả, các nhà khoa học, doanh nhân thành đạt trên thế giới, cùng trao đổi, giúp lãnh đạo thành phố điều chỉnh chính sách phát triển, cũng như hoàn thiện hoạt động điều hành để tạo môi trường phát triển nhanh và bền vững.

Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền TP.HCM giới thiệu với các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng khu vực phía Đông Thành phố, bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ đức theo xu hướng đô thị sáng tạo.

“Các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng thu hẹp lại, chỉ có trí tuệ con người sẽ là nguồn tài nguyên lớn giúp cho thành phố phát triển bền vững”, ông Dũng cho biết. Trong tương lai, lãnh đạo thành phố kỳ vọng đô thị sáng tạo là chìa khóa giúp kinh tế Thành phố tiếp tục tiến nhanh.

Nỗ lực xây dựng

Có thể nói, việc chuyển hướng thành đô thị thông minh, sáng tạo là bước đi mới, được chính quyền thúc đẩy nhanh chóng trong thời gian qua.

Sau khi chia sẻ tầm nhìn hướng đến việc xây dựng đô thị thông minh và đô thị sáng tạo vào cuối năm ngoái, lãnh đạo TP.HCM liên tiếp tổ chức nhiều diễn đàn để tìm sáng kiến cho các chương trình chính sách phát triển mới, tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế thành phố.

Cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã đồng ý chủ trương hình thành đô thị sáng tạo phía Đông, bao gồm 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ý tưởng là xây dựng một khu vực đô thị công nghệ cao và thông minh trọng điểm, dựa trên mũi nhọn là nền kinh tế tri thức.

Trước đó, tại Hội thảo quốc tế “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP.HCM” vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng đã nhận định rằng các Khu đô thị sáng tạo sẽ góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế toàn diện cho thành phố. Đây là nơi "đầu tư vào con người" mang lại kết quả”, vị chuyên gia này cho biết.

Theo vị chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, “đô thị sáng tạo” là khái niệm mới, được khảo nghiệm từ kinh nghiệm làm việc khắp nơi trên thế giới của các đoàn chuyên gia Việt Nam.

Ông Dũng cho biết hiện nay thành phố đang lên ý tưởng về quy hoạch khu đô thị kiểu mới này, nên ráo riết chuẩn bị “đầu bài” và mời các chuyên gia trên khắp nơi về tư vấn. “Chính vì thế, hội thảo lần này lấy tên là Đô thị sáng tạo, để có thể thảo luận và có những sáng kiến đề xuất, giúp thành phố sớm hoàn thiện kế hoạch”, ông Dũng nói.

{keywords}
 

Sự kiện lần này được tổ chức với quy mô lớn, dự kiến diễn ra hàng năm, mang nhiều ý nghĩa và tầm quan trọng trong bước phát triển kế tiếp của thành phố nói chung. Với chủ đề là “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp”, dự kiến sẽ có khoảng 600 chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, cùng với gần 30 bài tham luận.

Ngoài việc chia sẻ kế hoạch của lãnh đạo thành phố về đô thị sáng tạo, diễn đàn lần này cũng là cơ hội để làm rõ hơn vai trò của doanh nghiệp thành phố trong quá trình kiến tạo đô thị sáng tạo, đặc biệt là hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

“Trong tương lai, thành phố sẽ không còn thâm dụng lao động, mà phải dựa trên nền tảng hướng đến kinh tế tri thức. Cả doanh nghiệp lẫn hệ thống hành chính phải theo tinh thần liên tục đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng cho mọi tương tác của các thành phần thực thể trong không gian sống và làm việc”, ông Dũng nhận định.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018 với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp”được tổ chức vào ngày 23/11 tại White Palace TPHCM.

Qua diễn đàn này, Lãnh đạo TPHCM tiếp thu ý kiến các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực đóng góp vào sự phát triển KT-XH của Thành phố trong việc triển khai ngoại giao kinh tế. HEF dự kiến sẽ được tổ chức thường kỳ, mỗi kỳ một chủ đề khác nhau và sẽ được thiết kế phù hợp nhất để phục vụ nhu cầu và định hướng của TP.HCM.


Dũng Nguyễn