Đó là câu chuyện chi tiêu của chị Khánh (Đống Đa, Hà Nội), một bà mẹ bỉm sữa đang nuôi 3 con nhỏ. Dù vợ chồng đông con, thu nhập không cao nhưng kinh tế gia đình luôn trong trạng thái ổn định, vững vàng nhờ chị khéo vun vén chi tiêu.

Chị Khánh làm nhân viên văn phòng lương tháng 9 triệu, chồng chị làm công nhân xây dựng thu nhập 1 tháng 12 triệu. Hai vợ chồng chị sinh được 3 con. Bé lớn đang học lớp 2, bé thứ 2 vừa tròn 5 tuổi, bé út được 20 tháng.

Gia đình 6 người, trong đó có 3 em bé, nhiều người cho rằng khoản thu nhập 21 triệu/ tháng nếu tiêu khéo mới đủ trang trải cuộc sống chứ nói gì tới tiết kiệm. Song với bài toán chi tiêu của riêng mình, chị Khánh đã lo được cho gia đình 1 cuộc sống tươm tất, không chỉ vậy mỗi tháng chị còn để ra 1 khoản tích lũy khiến nhiều người phải nể phục.

Bà mẹ 3 con chia sẻ: "Thi thoảng vào hội nhóm của chị em nghe các mẹ bỉm sữa kể chuyện 1 tháng gia đình tiêu mấy chục triệu mà vẫn thiếu, mình thấy hơi 'choáng'. Nhà mình kinh tế eo hẹp, gia đình 6 thành viên, 3 người lớn, 3 trẻ nhỏ mình chỉ chi tiêu gói gọn trong vòng 11 triệu mà thấy cuộc sống cũng đảm bảo. Nói chung, ở hoàn cảnh nào thì chi tiêu theo hoàn cảnh đó. Các cụ vẫn có câu: 'Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm' là vậy".

Dưới đây chính là một vài bí quyết chi tiêu chị Khánh chia sẻ để chị em có thể học hỏi, tham khảo:

1. Luôn có bảng chi tiêu rõ ràng

{keywords}
Ảnh minh họa

"Theo quy định của vợ chồng, hàng tháng tới ngày lĩnh lương, chồng mình sẽ 'nộp' lương cho vợ với phương châm 'kinh tế thu về 1 mối'. Các khoản chi tiêu cuả nhà mình trong 1 tháng như sau:

Tiền ăn: 4 triệu

Tiền học của con: 3, 2 triệu: Trong đó tiền học phí + tiền ăn của bé lớn là 2 triệu, bé thứ 2 là 1.2 triệu. Cả 2 con nhà mình đều học trường công để đỡ tiền học phí. Bé út ở nhà bà nội chăm.

Tiền sữa: 1 triệu

Tiền bỉm: 250k

Tiền điện nước: 700k (tháng này bù tháng kia)

Tiền ma chay, cưới hỏi: 1 triệu

Tiền xăng xe đi lại: 400K

Tiền thuốc: 300K (Có tháng dùng tới, tháng không dùng tới)

Tiền cà phê, uống nước: 500k. Khoản này hàng tháng chồng đưa lương, mình sẽ bớt lại cho anh ấy ngần đó tiền bỏ túi để thi thoảng cà phê cà pháo bạn bè.

Như vậy trung bình tháng nhà chị Khánh sẽ chi tiêu hết hơn11 triệu, còn lại hơn 9 triệu chị bỏ tiết kiệm. Để duy trì được mức độ chi tiêu trên, chị Khánh luôn thực hiện đúng nguyên tắc đặt ra của mình. Khi các khoản đã phân chia rõ ràng, tuyệt đối chị không mua sắm lạm phát. Đặc biệt là tiền ăn, chị chia rõ một ngày không tiêu quá 130k, tuyệt đối không ăn ngoài. Chị Khánh luôn dậy sớm rang cơm hoặc nấu cơm nóng để cả nhà ăn cùng thức ăn còn dư lại từ hôm trước, hoặc ăn với ruốc chị tự làm. Thi thoảng có thời gian chị nấu xôi, canh bánh đa đổi bữa cho các thành viên gia đình.

2. Mua đồ chung

Theo kinh nghiệm mua sắm của chị Khánh, để mua được hàng giá rẻ hơn so với giá thị trường thì đối với các nhu yếu phẩm hàng ngày chị thường rủ bạn bè, đồng nghiệp hoặc hàng xóm mua chung theo combo hoặc nguyên thùng rồi về chia nhau.

Chẳng hạn giấy vệ sinh, bình quân mua lẻ sẽ có giá 70k/bịch. Mua cả thùng 12 bịch có giá 732k rồi chia ra mỗi người 2, 3 bịch cầm về. Tính ra 1 bịch giấy sẽ rẻ hơn được khoảng 8 - 9 nghìn đồng, một lần mua tiết kiệm được khoảng 30 -35 ngàn đồng tùy từng thời điểm. Tuy không nhiều nhưng chịu khó tích cóp thì chi phí sinh hoạt hàng tháng cũng giảm bớt được 1 khoản không hề nhỏ.

3. Đi chợ đầu mối

Một trong những cách mua sắm tiết kiệm của chị Khánh là chịu khó đi chợ đầu mối: "Thường cuối tuần có thời gian mình lại rủ anh xã đi chợ đầu mối mua sắm hoa, củ, quả, thức ăn cho cả tuần. Chợ đầu mối là nơi tập trung tất cả nguồn hàng, thực phẩm các nơi đổ về nên giá cả mềm hơn giá ở các chợ cóc rất nhiều. Chỉ tội phải chịu khó dậy sớm, đi xa 1 chút".

4. Mua đồ quê

{keywords}
Rau củ chị Khánh mua dưới quê mang lên ăn dần. (Ảnh: NVCC)

Cả hai vợ chồng mình đều xuất thân tỉnh lẻ, hai bên nội ngoại đều làm nông, sẵn rau quả sạch nên mỗi lần về mình lại mua rất nhiều gà vịt, ngan ngỗng, cá. Thường mình mua cả chục con lên bỏ tủ lạnh ăn dần như thế vừa mua được thực phẩm sạch, đảm bảo thơm ngon, giá lại rẻ.

5. Mua thực phẩm đúng mùa

Cũng theo kinh nghiệm của chị Khánh, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt chị em nên chọn mua thực phẩm hoa củ quả đúng mùa, như thế vừa hạn chế được thuốc sâu mà giá cả lại rẻ hơn rất nhiều so với việc chúng ta đi chợ mua đồ trái mùa.

6. Chịu khó "săn" chương trình giảm giá của các khu vui chơi dành cho các con

Luôn mong muốn các con được vui chơi thỏa thích bên bố mẹ vào những ngày cuối tuần hay ngày nghỉ lễ nên chị Khánh thường xuyên cập nhật, tìm kiếm các địa điểm vui chơi dành riêng cho các con với chi phí vừa phải. Nhất là những dịp khuyến mại, giảm giá vé vui chơi, chị đều không bỏ qua.

"Ngoài ra, vợ chồng mình cũng tranh thủ cuối tuần đưa con tới những công viên có không gian cây xanh trong lành thoáng đãng để các con được thoải mái chạy nhảy, giao hòa cùng thiên nhiên và cảm nhận cuộc sống quanh mình", chị Khánh chia sẻ thêm.

(Theo Nhịp Sống Việt/ Tổ quốc)