Mấy ngày trước, tôi có đọc bài tâm sự của cặp vợ chồng trẻ thu nhập 20 triệu mà vẫn âm tiền, lúc đó ngẫm lại bản thân mình tôi cũng bắt đầu hoang mang. Bởi, một mình tôi cũng tiêu sạch hết 20 triệu đồng, không tiết kiệm được dù chỉ 1 xu.
Tôi năm nay 27 tuổi, tốt nghiệp đại học Ngoại thương Hà Nội. Với tấm bằng khá ra trường tôi xin được công việc ổn định, tuy nhiều áp lực nhưng bù lại lương khởi điểm 13 triệu đồng/tháng - tương đối cao so với một người vừa mới ra trường như tôi.
Đến nay, lương của tôi đã tăng lên 20 triệu đồng mỗi tháng. Mức lương này cũng không phải thấp so với một người đã đi làm được 5 năm trời.
Bố mẹ tôi ở quê cũng có công việc ổn định với khoản thu nhập kha khá. Thế nên, việc tôi kiếm được bao nhiêu, tiêu như thế nào bố mẹ tôi thường không can thiệp. Tôi chỉ nói với bố mẹ tôi sẽ chu cấp cho em trai tiền ăn học đại học hàng tháng cho đến khi ra trường.
Lương 20 triệu/tháng chị Trang vẫn tiêu hết sạch (ảnh minh họa) |
Từ lúc ra trường đến nay, công việc của tôi khá thuận lợi, thu nhập ổn định, song, tôi lại mắc sai lầm lớn trong quản lý chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều khi đến cuối tháng tài khoản chỉ còn vài trăm ngàn đồng mà không biết mình tiêu những gì. Hậu quả, lúc mới đi làm lương 13 triệu đồng tiêu cũng hết, giờ lương 20 triệu đồng/tháng tiêu cũng chẳng còn xu nào, đó là tôi chưa vướng bận gia đình, vẫn còn đang độc thân.
Tháng vừa rồi, tôi ghi chép lại toàn bộ chi tiêu của mình để biết xem với 20 triệu đồng tôi chi tiêu vào những việc gì.
Như hiện tại tôi thuê một căn hộ chung cư mini ở Nam Từ Liêm, mỗi tháng hết khoảng 5 triệu đồng bao gồm tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền thang máy, tiền gửi xe, Internet, truyền hình cáp. Mỗi tháng cho cậu em trai đang học đại học năm 3 dưới Hải Phòng 2,5 triệu đồng để làm chi phí ăn ở hàng tháng giúp bố mẹ. Tháng vừa rồi 2 lần về quê thăm bố mẹ, mua ít quà cáp tính ra hết khoảng 3 triệu đồng (hầu như tháng nào tôi cũng về quê 2-3 lần vào dịp cuối tuần).
Do vẫn còn độc thân nên chuyện nấu nướng ăn một mình cũng ngại. Tôi thường xuyên ăn ngoài hàng, hoặc đặt đồ ăn sẵn đem về nhà ăn. Cộng với tháng vừa rồi đi ăn với đồng nghiệp, bạn bè 4-5 lần (lần nào đi ăn cũng chia nhau tiền cũng đóng góp), cà phê, xem phim cuối tuần,... Tổng cộng tôi hết khoảng 4 triệu đồng cho chi phí ăn uống.
Tiền mua sắm quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, đi spa,... cũng ngốn của tôi khoảng 4 triệu đồng. Còn lại là tiền tiêu vặt, điện thoại, xăng xe. Thế là tôi hết nhẵn khoản tiền 20 triệu đồng mỗi tháng. Thi thoảng được thưởng lễ Tết tôi lại chi tiêu cho các chuyến du lịch của bản thân và gia đình.
Đó là tháng tôi ghi chép lại cụ thể các khoản đã chi tiêu. Còn như trước kia, tôi chỉ có khoản chi phí thuê nhà, tiền cho em trai ăn học, tiền về thăm quê là cố định. Các khoản chi phí khác du di không cố định, tôi thường nhìn vào số tiền trong tài khoản để tiêu pha. Có khi, đến cuối tháng tài khoản có 2-3 triệu, tôi lại vung tay mua sắm. Thành ra, tháng nào hết tháng đó, chẳng còn dư đồng nào.
Tôi đang lên kế hoạch giảm chi những khoản không cần thiết như mua sắm, ăn uống,... từ tháng tới để mỗi tháng dư ra được khoảng 5 triệu đồng tiền tiết kiệm và tập dần thói quen chi tiêu có kế hoạch.
Có lẽ thời gian đầu sẽ khó khăn, nhưng cứ nghĩ đến việc mình tiêu sạch số tiền lương sau 5 năm đi làm, nhà cửa vẫn phải đi thuê, thậm chí đến chiếc xe máy đang đi cũng là bố mẹ mua cho từ lúc ra trường thấy tôi thật sai lầm.
Bạn bè tôi, nhiều đứa đã mua được nhà, đứa sắm ô tô, không thì cũng có vài trăm triệu gửi ngân hàng. Tôi thì vẫn tay trắng. Giờ mà không học cách chi tiêu tiết kiệm, đến lúc có gia đình, có con nhỏ chắc tôi sẽ gặp khủng hoảng vì âm tiền chứ đừng nói đến chuyện mua nhà, mua xe.
Đoàn Thu Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Chưa con cái, lương 20 triệu/tháng không đủ tiêu: Vợ chồng trẻ khủng hoảng
Chưa vướng bận con cái gì vậy mà vợ chồng tôi tháng nào cũng tiêu hết sạch tiền lương, thậm chí có tháng còn thiếu hụt mất vài triệu dù có tổng thu nhập 20 triệu/tháng.