Uy tín của các công ty bảo hiểm được đánh giá lượng hóa một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá tài chính doanh nghiệp; đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media coding; và khảo sát khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm và chuyên gia ngành tài chính – bảo hiểm được thực hiện trong tháng 5 – 6/2019, và công bố theo 02 danh sách: Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín, và Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2019.

Danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2019

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2019, tháng 06/2019

Danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2019

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2019, tháng 06/2019

Thông tin chi tiết Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2019, vui lòng truy cập website: https://toptenvietnam.vn/

Ngành bảo hiểm 2019: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững

Thị trường bảo hiểm năm 2018 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như các năm trước. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được tăng cường, 18 doanh nghiệp đã thực hiện tăng vốn điều lệ với tổng số tiền là hơn 20,4 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu bảo hiểm toàn ngành đạt 160.444 tỷ đồng, tương đương 2,9% GDP. Chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 38.524 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) ước đạt 19.874 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) ước đạt 18.650 tỷ đồng.

Bảng 1: Một số chỉ tiêu thống kê ngành bảo hiểm năm 2018

{keywords}
Nguồn: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) 

Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, được thiết kế linh hoạt phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tổng sản phẩm bảo hiểm trên thị trường ước tính lên tới 850 sản phẩm BHPNT và 450 sản phẩm BHNT. Mạng lưới tư vấn và kinh doanh bảo hiểm không ngừng được mở rộng, tính sơ bộ các doanh nghiệp bảo hiểm đã có gần 1.000 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên phạm vi cả nước.

Năm 2019, toàn ngành bảo hiểm dự kiến sẽ giữ vững tốc độ tăng trưởng đạt mức 20%, tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Khi nền kinh tế trong nước được dự báo phát triển ổn định trong một vài năm tới sẽ làm tầng lớp trung lưu mở rộng, thu nhập tăng, nhu cầu về bảo vệ sức khỏe và tài sản cũng vì thế tăng theo, là cơ sở để phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng khó khăn hơn do ảnh hưởng từ sự suy giảm của thương mại toàn cầu.

Thách thức phía trước…

Mặc dù được dự báo là một trong những ngành tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam, song ngành bảo hiểm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong thời gian tới.

Thứ nhất, bài toán lợi nhuận đang làm khó các doanh nghiệp BHNT. Tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm năm 2018 đạt mức cao trên 2 con số, tuy nhiên đó chỉ là tăng trưởng phí bảo hiểm. Dưới góc nhìn lợi nhuận, hơn 55% số doanh nghiệp BHNT báo lỗ năm 2018. Nguyên nhân được các doanh nghiệp giải thích là do họ phải chịu ảnh hưởng của việc giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ, cùng với sự sụt giảm mạnh của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật. Cùng với đó, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp BHNT phải trích lập dự phòng lớn, thậm chí chiếm tới 2/3 chi phí hoạt động năm 2018.

Thứ hai, các DNBH cạnh tranh gay gắt để chiếm lĩnh thị phần. Kết quả khảo sát các DNBH của Vietnam Report cho thấy, hơn 92% số doanh nghiệp nhận định “cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt” là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay.

Hình 1: Top 3 khó khăn lớn nhất trong hoạt động của DNBH tại Việt Nam hiện nay

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DNBH tại Việt Nam, tháng 6/2019

Đối với lĩnh vực BHNT, có đến 18 công ty đa phần là công ty nước ngoài, đang phải chia nhau miếng bánh nhỏ. Ngược lại, lĩnh vực BHPNT đang hấp dẫn các nhà đầu tư mới khi nhu cầu bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe ngày càng gia tăng, trong khi các sản phẩm chất lượng cho khách hàng còn thiếu, đặc biệt là cho đối tượng khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BHPNT nhỏ đang ngày càng mạnh hơn và sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Theo số liệu từ Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam, thị phần của Top 5 công ty dẫn đầu như Bảo Việt, bảo hiểm PVI, bảo hiểm PJICO, bảo hiểm bưu điện PTI, bảo hiểm Bảo Minh… đang có xu hướng giảm (từ 70% xuống 60%), vô hình chung làm tăng cơ hội cạnh tranh thị phần cho các doanh nghiệp BHPNT nhỏ.

Thứ ba, thách thức đến từ việc ứng dụng AI trong ngành bảo hiểm. Cũng như ngành ngân hàng, ngành bảo hiểm có một lượng khách hàng rất lớn, có nguồn dữ liệu khách hàng rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai AI (trí tuệ nhân tạo), với mục tiêu phân loại, số hóa, và đưa vào các phân tích chuyên sâu dữ liệu khách hàng nhằm gia tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng tại doanh nghiệp phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc bảo mật và bảo vệ dữ liệu khách hàng (53,8% lựa chọn khi doanh nghiệp được Vietnam Report khảo sát về các thách thức lớn nhất cản trở doanh nghiệp triển khai ứng dụng AI), nhân sự thực hiện (53,8%), ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp (46,2), rủi ro an ninh mạng (38,5%) và sự bất đồng quan điểm trong nội bộ (30,8%).

Hình 2: Top 5 thách thức lớn nhất của DNBH khi triển khai AI tại Việt Nam hiện nay

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DNBH tại Việt Nam, tháng 6/2019

Các chuyên gia trong ngành nhận định, Thông tư số 01/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính đã có hiệu lực từ ngày 16/2/2019, sửa đổi Thông tư số 50/2017/TT-BTC cho phép các doanh nghiệp BHNT thực hiện một số thay đổi liên quan đến lãi suất được sử dụng để lập dự phòng nghiệp vụ, sẽ giúp tình hình về vốn, lãi của các doanh nghiệp BHNT được cải thiện đáng kể. Với các doanh nghiệp BHPNT, nếu tận dụng tốt lợi thế am hiểu thị trường, thói quen và mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, chắc chắn cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng thị phần trong năm 2019 – 2020 sẽ là rất lớn.

Xây dựng thương hiệu: Đã đến lúc DNBH phải thay đổi tư duy

Thống kê dữ liệu truyền thông cho thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay thường lựa chọn các hình thức quảng bá thương hiệu “ăn sổi” theo cách tiếp cận trực tiếp khách hàng thay vì một chiến lược xây dựng hình ảnh và uy tín thương hiệu lâu dài. Sơ bộ, trên các trang thông tin, tài chính có nhiều độc giả truy cập hàng ngày nhất, số lượng bài báo về ngành bảo hiểm ít hơn rất nhiều so với các ngành khác thuộc lĩnh vực tài chính, với sự hiện diện của chỉ khoảng 50% số doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm. Với xu thế và thói quen sử dụng internet đang thay đổi như hiện nay, có thể thấy DNBH đang bỏ lỡ một cơ hội tốt để đưa tên tuổi của mình trở nên quen thuộc hơn trong mắt người dân.

Đối với các doanh nghiệp đã có sự hiện diện trên truyền thông, việc đa dạng hóa thông tin sẽ giúp hình ảnh của doanh nghiệp “thân thiện” và cởi mở hơn. Hiện nay đa phần thông tin về DNBH chỉ xoay xung quanh các chủ đề: Tài chính/ Kết quả kinh doanh (25,3%), Sản phẩm (21,6%) và Hình ảnh/ PR/ Sự cố (15,1%). Cơ cấu thông tin về các chủ đề khác (trong tổng số 24 nhóm chủ đề bao phủ) không nhiều, đều chiếm tỷ lệ dưới 10%.

Hình 3: Top 5 chủ đề về DNBH trên truyền thông

{keywords}
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding ngành Bảo hiểm tại Việt Nam từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019

Tóm lại, ngành bảo hiểm tại Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng. Những hỗ trợ về chính sách của Bộ Tài chính được đánh giá là tích cực và kịp thời. Việc tăng trưởng ra sao chỉ còn là vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Để tận dụng tốt cơ hội, DNBH cần có sự thay đổi từ tư duy chiến lược đến hành động, nên ưu tiên đầu tư công nghệ AI, xây dựng thương hiệu thân thiện hơn, thay vì tập trung vào tìm kiếm và mở rộng khách hàng mà thiếu đi sự chọn lọc…, nhờ đó nhận thức và ý thức của người dân về bảo hiểm sẽ dần thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2019 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Ngân hàng, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về doanh nghiệp bảo hiểm được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 05/2018 đến tháng 05/2019. Tổng số có 267 bài báo, tương ứng 663 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Vietnam Report