Diễn đàn kinh tế Thế giới là nơi tập trung các doanh nhân, các chính khách, các
học giả đứng đầu thế giới, bàn đến những vấn đề chung của nhân loại trong thời
đại toàn cầu hóa.
Năm nay, ngoài những vấn đề toàn cầu nóng bỏng trước mắt như khủng hoảng nợ
công, suy trầm kinh tế, nạn khủng bố,… nhiều nội dung dài hạn hàng đầu khác đã
được bàn luận trong những cuộc họp chính như phát triển bền vững, đói nghèo, biến
đổi khí hậu và mục tiêu thiên niên kỷ…
Phiên họp về “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” vào sáng ngày thứ 6, ngày 25 tháng
1 là một cuộc họp chuyên đề mà có tới có tới 115 người tham dự bao gồm đại diện
các công ty đa quốc gia hàng đầu về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, các nguyên
thủ quốc gia và người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các học giả, năm nay còn có
mặt 3 đại diện các tổ chức nông dân.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát - Trưởng của
phái đoàn Việt Nam tại Davos - đã khái quát tình hình triển khai mô hình hợp tác
Công tư trong một số ngành hàng ở Việt Nam đang đi tới những kết quả cụ thể.
Bộ trưởng nhấn mạnh định hướng trong thời gian tới nhằm đưa nông dân và các
doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào chương trình, tiếp tục thể chế
hóa các tổ chức liên kết hợp tác của nông dân và doanh nghiệp, liên kết cả chuỗi
ngành hàng, phát huy sức mạnh tổ hợp của việc áp dụng đồng bộ công nghệ và tiêu
chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường.
Sau 3 năm đóng góp tích cực và thành công cho sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông
nghiệp”, Việt Nam cùng với Tanzania được coi là điển hình dẫn đầu, “nói đi đôi
với làm”. Hiện nay, sáng kiến đã lan ra 11 nước với 28 công ty đa quốc gia, 14
chính phủ, nhiều tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khoa
học và tổ chức của nông dân tham gia.
Ở Đông Nam Á, Indonesia cũng đang đẩy mạnh phong trào này, Bộ trưởng Bộ Thương
mại nước bạn phát biểu tại phiên họp rằng Inđônêsia đang “học tập theo Việt
Nam”, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Thái Lan cũng tỏ sự quan tâm đặc biệt đến
họat động này và tìm hiểu kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Namtrình bày tại cuộc họp “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” tại diễn đàn Kinh tế thế giới Davod năm 2013. |
Tại diễn đàn Kinh tế Châu Á năm ngoái ở Davos, một sáng kiến mới bắt đầu hình thành, là “Những dòng đầu tư mới: Liên minh hành động tăng trưởng xanh”.
Tham gia từ đầu sáng kiến này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát năm 2012 đã phát biểu: “Chúng ta cần phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, chúng ta cần tìm ra những giải pháp canh tác mới và cần đảm bảo những giải pháp này là hạn chế gây phát thải cacbon”.
Tại cuộc họp chuyên đề của sáng kiến này năm nay, nhiều thành viên tham gia đã nêu ra nhiều ý tưởng và đề xuất nhiều giải pháp để có thể tăng đầu tư từ nhiều nguồn cho tăng trưởng xanh. Trong đó, đầu tư của các chính phủ và của các tổ chức phát triển chỉ đóng vai trò xúc tác để thu hút tiềm năng to lớn của đầu tư tư nhân. Tại Việt Nam, phát triển một nền nông nghiệp vững bền thực sự đã gắn bó mật thiết và là cấu thành của “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”.
Đóng góp của Việt Nam được đề cao một cách trân trọng trong các phiên họp về nông nghiệp và tăng trưởng xanh tại hội nghị Davos năm nay là niềm tự hào chính đáng của người nông dân Việt Nam, của doanh nhân nông nghiệp, của các nhà khoa học, nhà quản lý – những người đã sát cánh cùng nông dân trên đồng ruộng. Ngành nông nghiệp chẳng những đang đưa đất nước vượt qua những khó khăn kinh tế, xã hội trước mắt mà nếu được chú ý đầu tư đúng mức sẽ mở ra những triển vọng phát triển sáng sủa trên trường quốc tế với quyết tâm hợp tác của nhà nước và tư nhân.
Đặng Kim Sơn