Nhiều người điều khiển xe máy lưu thông trên đường cho rằng, tình trạng trạng các tài xế ô tô bất cẩn mở cửa sau khi dừng xe đã trở nên khá phổ biến với nhiều lý do khác nhau như: Do có công việc đột xuất, nghe điện thoại di động, do cẩu thả… nên không để ý quan sát đến người điều khiển xe máy phía sau. Từ đó dẫn đến những cái chết đáng tiếc cho người điều khiển xe máy tông vào cánh cửa xe.

Hành vi bất cẩn!

Chị T.T.T.h. cùng chồng là anh T.Q.T. đang điều khiển xe máy đi lấy hàng về bán dịp Tết Nguyên đán, bất ngờ phía trước anh T, tài xế Lộc Văn Quang (24 tuổi) mở cửa xe ô tô dừng ven đường bước ra. Do sự việc xảy ra quá nhanh, anh T bị vướng vào cánh cửa xe ôtô loạng choạng tay lái rồi cả hai vợ chồng ngã ra đường. Chị H. đập đầu xuống đường, tử vong tại chỗ. Anh Tuấn bị chấn thương vùng đầu.

Một trường hợp khác, khi anh Đ. đang chạy xe máy trên đường, thì phía trước anh chiếc ôtô con 4 chỗ bỗng dừng lại sát lề đường, tài xế bất ngờ mở cửa khiến anh Đ. không kịp tránh nên va vào cửa chiếc ô tô này. Cùng thời điểm , một xe tải đi qua không kịp phanh đã cán chết người đi xe máy…

Theo một thành viên của Hội Luật gia Việt Nam phân tích, đối với trường hợp của anh Đ. - vụ việc mở cửa xe ôtô gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người cần phải xét đến yếu tố lỗi hỗn hợp của nhiều phía.


Theo đó, không chỉ người mở cửa xe ôtô mà tài xế xe sau cũng có thể bị truy cứu hình sự nếu vi phạm về tốc độ và phần đường. Người mở cửa xe ôtô là người trực tiếp gây ra tai nạn cho người điều khiển xe máy. Ở đây người mở cửa xe đã phạm lỗi là thiếu quan sát, rời khỏi xe khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn và gây ra tai nạn giao thông với hậu quả nghiêm trọng. Người mở cửa xe ô tô đã vi phạm cả Luật Giao thông đường bộ lẫn Luật hình sự (vì gây chết người).

Luật sư Nguyễn Minh Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Với hành vi mở cửa ôtô gây tai nạn chết người như những trường hợp mà báo chí đã thông tin, có thể cho thấy tài xế điều khiển xe ô tô sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 98, Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, trường hợp tài xế xe tải dừng, đỗ trên các tuyến đường lưu thông phải đảm bảo các điều kiện an toàn như có đầy đủ bảng hướng dẫn hoặc phải có tín hiệu báo cho người đi đường biết để kịp thời tránh.

Không bàn tới chuyện tuyến đường đó có bị cấm đậu hay không, việc tài xế đậu xe trên đường và mở cửa thiếu sự quan sát dẫn đến gây tai nạn thì lỗi thuộc về tài xế. Tình trạng dừng, đậu xe lấn chiếm lòng lề đường để vận chuyển hàng hóa, đưa đón khách...diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân một phần do người tham gia giao thông chưa chấp hành Luật giao thông, mặt khác họ chưa thấy được mối nguy hiểm, hậu quả gây ra.

Do vậy, nếu tài xế dừng, đỗ phải tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố là có bảng hướng dẫn, đồng thời phải có sự quan sát kỹ. Người điều khiển phương tiện cũng nên tập trung quan sát phía trước để tránh các trường hợp không may xảy ra với mình.

Tuy nhiên, pháp luật quy định mức hình phạt đối với tội danh này khá nhẹ, chỉ từ 1 đến 5 năm tù. Luật sư Trí cũng cho biết thêm, trong trường hợp nếu ôtô đang dừng, đỗ ở khu vực được phép dừng, đỗ mà gây ra tai nạn thì đây có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ của vụ án.

Ngoài ra, các tài xế để xảy ra việc người đi xe máy húc vào cửa còn có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202, Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người phạm tội này bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Từ đó Luật sư Nguyễn Minh Trí khuyến cáo các tài xế rằng, khi điều khiển xe (nguồn nguy hiểm cao độ) thì cần chấp hành nghiêm luật giao thông.

Bởi người tham gia giao thông đi đúng luật, tài xế mở cửa mà không quan sát để gây tai nạn thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về tài xế.

Có thể bị phạt 5 năm tù

Liên quan đến vấn đề nói trên, Luật sư Lê Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết thêm: Đối với các vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn này, nếu nạn nhân chỉ bị thương tích nhẹ, xe máy hư hỏng… thông thường hai bên sẽ tự thỏa thuận theo hướng tài xế mở cửa xe bất cẩn sẽ bồi thường toàn bộ chi phí, thuốc men cho người bị hại.

Cũng có trường hợp người chạy xe máy va vào cửa xe rồi tông vào xe khác, làm hư hỏng xe thứ ba thì người tài xế mở cửa xe bất cẩn, ngoài việc bồi thường cho người chạy xe máy, họ còn phải lo luôn phần bồi thường cho bên thứ ba.

Đó là với các trường hợp vô ý mở cửa xe thiếu quan sát gây tai nạn có hậu quả không lớn, hai bên tự thỏa thuận.

Tương tự với Luật sư Trí đã nói, Luật sư Trung cho biết thêm: Riêng đối với các trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản người khác, tài xế mở cửa xe vô ý ngoài chuyện bồi thường còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm, người phạm tội có thể phải chịu một trong các hình phạt: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm… theo Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Còn theo Luật Giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải thực hiện hàng loạt quy định như có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn. Đặc biệt, luật này còn quy định là không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

(Theo PL)