Do lo ngại đối mặt và tranh cãi với cổ đông về những kết quả không mấy tốt đẹp, lãnh đạo DN hay nhóm cổ đông lớn có đủ chiêu trò để ngăn cản các cổ đông thực hiện quyền của mình.
Thua lỗ, đại gia lẩn trốn cổ đông
Sợ ngân hàng, nghĩ chiêu moi vốn cổ đông
Đại hội đồng cổ đông là dịp để các cổ đông thực hiện quyền “làm chủ”, gặp gỡ lãnh đạo, thu thập thông tin… Đặc biệt là sau một năm kinh doanh khó khăn với nhiều kết quả kém cỏi và nhiều vấn đề nóng bỏng cần thảo luận.
Hàng loạt các vấn đề như doanh nghiệp thua lỗ, mất vốn, nợ oằn lưng, nợ xấu cao hay các vấn đề về quản trị công ty, bầu HĐQT hay vấn đề thông tin, lựa chọn kiểm toán… kỳ vọng sẽ được mổ xẻ thấu đáo.\
Dường như dự báo được điều đó, một số DN đang tìm cách lẩn trốn các cổ đông nhỏ lẻ, dư luận… lẩn vào im lặng nhờ các chiêu trò độc đáo.
Gần đây, một DN lớn đã kéo nhau đi rất xa cả trăm km để tổ chức đại hội cổ đông thông qua một vấn đề rất quan trọng, mang tính bước ngoặt của đơn vị mình cho dù đa phần hoạt động, các bên liên quan và các cổ đông liên quan đều ở Hà Nội.
Ở một góc khác, nhiều DN lại lựa chọn cách thức thông báo đại hội cổ đông một cách khá chung chung. Theo đó, thời gian và địa điểm của đại hội đều không xác định, theo kiểu “công ty sẽ gửi thông báo sau tới các cổ đông”, “dự kiến từ ngày xx/03/2013 đến ngày xx/04/2013”.
Hiện tượng này xảy ra khá phổ biến, đối với từ công ty nhỏ tới lớn. Việc báo cho cổ đông vào thời điểm nào, có thuận lợi hay không, có tạo điều kiện giúp cổ đông lên kế hoạch tham dự hay không… chỉ có DN mới hiểu. Chiêu trò này có thể giúp các cổ đông nhỏ lẻ “đỡ phải đi”, phù hợp với tính cách “không thích đại hội”, “không mấy quan tâm” của đa phần các cổ đông nhỏ lẻ.
Trong trường hợp nếu các cổ đông đến đông, đến đủ, một số doanh nghiệp cũng có sẵn một số chiêu bài để tránh gây ra tình trạng đại hội căng thẳng, đi vào mổ xẻ, cãi nhau về các vấn đề gai góc mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Thực tế, trong vài năm qua, nhiều cổ đông đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, những bài báo cáo dài lê thế chiếm phần lớn thời gian của đại hội. Không ít người đã không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến thời điểm được thực hiện quyền “làm chủ” của mình và bỏ về trước khi đại hội tiến hành biểu quyết.
Hay cố tình họp muộn, thực hiện các thủ tục rờm rà kéo dài, những vấn đề quan trọng lại đẩy về cuối chương trình. Đến khi bàn vấn đề quan trọng thì người về đã vãn, hội trường thì lộn xộn bởi các sự kiện ăn uống, chúc tụng tiếp theo gây mất tập trung.
Thậm chí, có DN lại tìm cách gửi tài liệu khá muộn, không đúng thời hạn quy định để cổ đông khó nghiên cứu và nắm bắt hết nội dụng. Hay có gửi đúng thời hạn nhưng lại tài liệu chính, còn những vấn đề thay đổi quan trọng thì “ỉm đi”, chờ ra đại hội đưa ra một phương án duy nhất yêu cầu thông qua khiến cho cổ đông không kịp trở tay.
Quyền không tới cổ đông nhỏ lẻ?
Có một thực tế là các cổ đông nhỏ lẻ không có vai trò thực sự tại hầu hết các doanh nghiệp niêm yết, nhất là ở các công ty lớn bị chi phối bởi các “đại gia”. Điều này cũng dễ hiểu bởi cổ đông nhỏ lẻ có cổ phần ít, rủi ro, lợi ích ít đi cùng với quyền cũng có hạn.
Mặc dù vậy, tại nhiều doanh nghiệp, số lượng cổ đông nhỏ lẻ rất lớn do vậy tổng cổ phần mà nhóm này nắm giữ cũng rất lớn. Tuy nhiên, sự quyết định lại không nằm trong tay họ.
Cách đây khoảng một năm, giới đầu tư chắc hẳn còn nhớ một số vụ thâu tóm rùm beng mà kết quả cho đến này còn chưa được nắm biết tường tận. Trước và sau thời điểm bên đi thâu tóm tuyên bố nắm trên 50%, giới đầu tư liên tục bị sốc khi nhiều cổ đông lớn thực hiện hàng loạt vụ mua chui bán lén cổ phiếu.
Đại hội cổ đông của doanh nghiệp này diễn ra khá căng thẳng nhưng trên thực tế chỉ là một cuộc chơi giữa các ông lớn. Các cổ đông nhỏ giống như người đi xem và không có chỗ cho họ đặt ra những câu hỏi, tìm hiểu sâu về những chuyển biến lớn của doanh nghiệp…
Đàm phán không trên cơ sở vì mục tiêu chung để doanh nghiệp phát triển, nhất là thời điểm kinh doanh đang rất khó khăn có thể là nguyên nhân khiến lợi nhuận của đơn vị trong năm 2012 giảm tới 60%.
Điều này đặt ra một vấn đề là, một cổ đông nếu chưa có đủ tới 51% cổ phần thì chẳng thể thay đổi được gì nếu như HĐQT cũ không nhất trí kết nạp anh? Nó khiến nhiều người nghĩ tới một vấn đề, quyền của các cổ đông nhỏ lẻ, sở hữu 1.000 đến vài chục nghìn cổ phiếu thực tế có hay là không? Hay chỉ thực hiện quyền một cách máy móc là biểu quyết những gì mà HĐQT đương nhiệm đã soạn ra?
Một thực trạng chung là đa phần các cổ đông nhỏ lẻ đang nhận thông tin một cách thụ động từ doanh nghiệp và họ có thể là nạn nhân nếu lựa chọn phải doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch trong quản lý.
Nhiều nhà đầu tư đã phải bán cổ phiếu trong cay đắng khi là người cuối cùng biết về thực tại bê bết của doanh nghiệp và bởi vì họ quá mải mê với các số P/E, EPS, tăng trưởng mà không biết rằng sự minh bạch trong quản lý của doanh nghiệp là rất kém.
Mạnh Hà