- Bán ở chợ sáng còn hàng, các tiểu thương thu vén mang về ven đường Tân Xuân, Từ Liêm, Hà Nội bán lại cho người mua với giá rẻ bất ngờ.

Các tin liên quan

Độc đáo khu chợ lưu hành cùng lúc 3 loại tiền

Hàng rong tràn lan, tiểu thương bỏ chợ

Càng muộn càng rẻ

Kéo dài chừng 200m, chợ cóc ven đường Tân Xuân có đủ loại thực phẩm hàng ngày, từ rau củ, hoa quả tới các loại cá, thịt. Tất cả được bày bán ngay trên mặt đất, trên một mảnh bao tải nhỏ do người bán hàng trải ra.

Chợ cóc này mọc lên từ bao giờ, chẳng ai nhớ, chỉ biết rằng đã có từ rất lâu. Hàng hoá bán tại đây chủ yếu là thực phẩm còn lại của phiên chợ sáng từ các chợ lân cận đổ về. Thường thì chợ họp từ 11h đến khoảng 13h rồi tan, đều đặn hàng ngày.

{keywords}
Chợ họp thành cả dãy dài bên đường Tân Xuân. Thịt lợn được bày bán la liệt trên nền đất và hút khách. Ngay cả những người đi xe đẹp, đắt tiền cũng ghé vào mua.

PV đã được chứng kiến cảnh buôn bán khá tấp nập, nhộn nhịp chẳng kém gì chợ sáng. Các “chiếu thịt” được bày bán la liệt, chiếm ưu thế của chợ với giá khá hấp dẫn: 50.000-60.000 đồng/kg, trong khi buổi sáng có giá 80.000-90.000 đồng/kg). Có một hàng cá duy nhất, giá cá trôi 35.000 đồng/kg (buổi sáng 40.000-45.000 đồng/ kg); cá chép loại to 45.000 đồng/kg (buổi sáng 70.000 đồng/kg). Các loại rau củ, rau thơm giá thấp hơn một nửa so với chợ sáng. Xoài chín 15.000 đồng/kg; bơ xanh 35.000 đồng/kg.

Anh Chiến, người bán cá cho biết: “Buổi sáng tôi bán ở chợ Tân Xuân, đến khi “đuổi chợ” thì tôi mang cá ra đây bán. So với giá ban sáng thì chúng tôi chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ. Bán cho hết hàng rồi về, chứ cá mang về làm sao được”.

{keywords}
Hàng cá duy nhất trong chợ chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để bán hết hàng.

Cũng như anh Chiến, các tiểu thương tại chợ cóc này đều bán hàng giá rẻ để hòa vốn hoặc chấp nhận lỗ vì muốn dứt điểm hàng, ngày nào hết ngày ấy. Chị Liên, loay hoay với 4 quả dưa bở, mấy quả dứa và vài quả bơ còn xót lại của ban sáng giãi bày: “Tôi ở Đan Phượng, đi chợ từ 4h sáng, qua Nhổn lấy hàng rồi mang về chợ Xuân Đỉnh bán. Đến lúc đuổi chợ thì tôi chạy sang đây. Bán cho hết hàng rồi về, mai lấy hàng mới”.

Chị cho biết, mấy ngày gần đây, công an thường xuyên dẹp hành lang, đuổi chợ nên cũng vắng người. Trước đây, nó cũng chẳng khác gì chợ sáng, đông đúc lắm.

{keywords}
Người bán hàng ăn tạm miếng bánh ban trưa, cố bán hết hàng.

Chị bật mí thêm, chợ ở đây chỉ họp ban trưa, tiểu thương cố bán cho hết hàng nên càng muộn càng rẻ. Thời điểm cuối chợ, khoảng 1h chiều là hàng bán rẻ như không thể rẻ hơn. “Bán từ sáng, đến trưa là vớt vát lắm rồi, sang chiều ai cũng mệt còn giữ lại làm gì nữa. Tầm 1h mà đi thì tiết kiệm được ít tiền, nhưng hàng không ngon bằng lúc bắt đầu bán”, chị cho biết thêm.

Chất lượng “trên trời”

Ngó nghiêng những hàng thịt la liệt trên mặt đất, những lời chào mời của người bán hàng rộn rã vang lên. Tuy nhiên, màu sắc thịt lợn giờ đã đổi khác, có miếng đỏ tươi, miếng lại màu trắng nhợt, nhưng đều rất mềm.

Mỗi “chiếu” chỉ có 2-3 tảng thịt vụn vụn, đủ loại, nào là 1 ít ba chỉ, một ít thịt mông, một ít thịt vai, có hàng điểm thêm vài miếng xương.

{keywords}
Đông khách mua hàng tại chợ, lòng đường bị chiếm dụng nghiêm trọng.

Cô Nga - một tiểu thương - chỉ tay vào mấy tảng thịt nho nhỏ của mình, khẳng định: “Thịt của cô là thịt ngon đấy, sáng chưa hết thì mang về đây bán nốt để chiều nghỉ, không sợ đâu. Đều là hàng đảm bảo mà”. Nhưng, tìm đỏ mắt cũng không tìm thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của cơ quan kiểm định trên thịt để đảm bảo rằng “thịt chuẩn”.

Người đến mua hàng ở đây không giới hạn thành phần, từ sinh viên, người lao động nghèo, đến cả những người đi xe đẹp, khá giả đều xà xuống mua hàng. Chị Lan vừa chọn mua con cá chép ngon vừa giãi bày: “Tôi mua quen ở chợ này, người ta cũng là bán hàng sáng còn thì mang ra đây, chất lượng sáng trưa chẳng khác gì nhau. Đi vào chợ trong kia, cũng là cá này thì đắt cắt cổ”.

Thậm chí, nhiều người còn khẳng định họ cố tình đi chợ buổi trưa để mua được hàng rẻ, tiết kiệm chi tiêu và có tí cá tí thịt trong bữa ăn. Hoa, sinh viên trường tài chính, không ngại thừa nhận: “Sinh viên làm gì có tiền. Bọn mình thường chờ đến trưa rồi ra đây mua đồ về nấu, chỗ khác đắt lắm!”.

Khổng Chiêm