Doanh nghiệp rơi vào thảm cảnh cũng là lúc ngân hàng bù đầu với những khoản nợ xấu. Nhiều ngân hàng đã phải dựng lều, mắc võng, trải phông bạt nằm chầu chực trước cổng công ty vay nợ.

Kinh tế ảm đạm, hàng sản xuất không có đầu ra. Có lẽ đây đang là thời điểm cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp, và khó khăn nhất chính là các doanh nghiệp sản xuất. Dẫu có ngừng hoạt động, tuyên bố ngừng phá sản đi chăng nữa thì món nợ từ ngân hàng vẫn còn đeo đẳng.
Nằm trên địa bàn huyện Phú Xuyên, thuận lợi về giao thông vì nằm ngay cạnh quốc lộ 1A cũ, lại chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 30 km, KCN Quất Động tập trung khá nhiều danh nghiệp lớn trong vùng. Có doanh nghiệp hoạt động, nhưng cũng không ít doanh nghiệp cửa đóng then cài. Trong vài ngày qua, KCN này càng gây chú ý khi có nhiều người cùng ô tô, xe máy các loại ra vào tấp nập.

Nhưng cảnh ra vào không phải để khai trương, hay khánh thành nhà máy, công ty, mà họ - những người đến từ nhiều ngân hàng khác nhau kéo đến chỉ để canh giữ lô hàng của một công ty đang là “con nợ”. Công ty CP XNK và SX thương mại Âu Mỹ trước kia có hợp tác, vay vốn của nhiều ngân hàng khác nhau.

{keywords}

{keywords}
{keywords}
Khi công ty không còn khả năng chi trả, các ngân hàng cho vay vốn kéo đến nhà máy, canh giữ để số hàng hóa đang nằm trong Công ty Âu Mỹ không rơi vào tay ngân hàng khác. Bất kỳ ai có ý định chuyển số hàng ra ngoài cũng đều bị các ngân hàng chặn lại. Chưa tìm được tiếng nói chung, thế là các ngân hàng đành phải huy động lực lượng, túc trực canh giữ lẫn nhau chỉ bởi một lô hàng.

Một vài ngày trước chỉ có nhân viên bình thường, nhưng vào những ngày cuối tuần ngay cả “lãnh đạo” các ngân hàng cũng phải phi xuống. Xe máy, ô tô các loại cứ vào ra rầm rộ, đậu ký hai bên đường. Mỗi ngân hàng đứng một góc kèn cựa, canh chừng lẫn nhau.

Tưởng là một tài xế xe ôm đứng chờ khách, chúng tôi chủ động bắt chuyện với một người đàn ông có khuôn mặt hiền hậu, tuổi ngũ tuần. Thế nhưng khi hỏi ra mới biết ông này là một nhân viên ngân hàng vừa mới được gọi đến tăng cường.

Ngồi vắt vẻo lạc lõng trên chiếc xe máy ngay trước cửa công ty, ông rất hoang mang: “Chẳng biết mình ngồi đây để làm gì. Thậm chí giấy tờ không hề có, ai công nhận mình là nhân viên của ngân hàng. Nhưng lệnh cấp trên thì phải tuân thủ thôi”.

Vì phải trường kỳ kháng chiến nên nhiều người đã huy động cả võng, bàn ghế, phông bạt…nằm vạ vật như đi hầu kiện. Nhiều thanh niên ngồi la liệt ở quán nước, nhóm khác lại rủ nhau vào “đá” vài ván bi a, cũng có anh bảo đi mua bộ bài về “tá lả” giết thời giờ. Thậm chí có ngân hàng còn thể hiện quyết tâm đến mức dựng lều, sẵn sàng trực 24/24…

Đến lâu chưa mà trông có vẻ mệt mỏi thế? Em ở ngân hàng nào?

Chưa hiểu chuyện gì, anh này tiếp lời:

Chuẩn bị tâm lý đi, như anh chầu trực ở đây đã vài ngày rồi. Chẳng tắm rửa gì, quần áo lấm lem hết cả. Mệt bã người.

Ngán ngẩm than phiền về công việc, làm vất vả mà chẳng được trả lương, anh này liên tục nghêu ngao một câu hát chế: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ cứ đè đầu tôi”… Để sống được qua ngày, anh này thậm chí còn phải tất bật đi dạy thêm vào buổi tối.

Phía trong cánh cửa sắt kín bưng chỉ có một hai bảo vệ của công ty túc trực. Thỉnh thoảng một vài người lại thò tờ giấy cho bảo vệ xem, rồi bước vào trong ngó nghiêng đống hàng, rồi lại đi ra. Anh bảo vệ lại chốt cửa.

Đã cuối ngày thứ 7 (4/5) nhưng lượng người và xe vẫn còn đông lắm. Tình cảnh này không biết sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ. Sang ngày chủ nhật, vẫn còn nhiều người túc trực trước cửa công ty, nhưng cũng đã vãn dần. Xem ra nhiều người trong số họ đang phải làm cái việc mà chẳng ai muốn làm.

(Theo Infonet)