Ngồi cà phê "chém gió" với một trung tá công an chuyên mảng điều tra tội phạm kinh tế, chức vụ, tôi mới ngộ ra, đại gia lắm tiền, nhiều của tỷ lệ thuận với chiêu trò "độc" hạ gục đối thủ làm ăn.
Không thể "độc" hơn
Đã rất lâu, tôi mới có dịp được trò chuyện với đại tá Đỗ Hữu Ka - Giám đốc Công an TP. Hải Phòng. Trong buổi trò chuyện này, điều làm tôi không thể bỏ qua là đại tá Ka tâm sự về những đại gia lừa của đất Cảng. Giọng trầm, đục pha chút hài hước đại tá Ka nói: "Kinh tế khó khăn đã làm cho tình hình tội phạm kinh tế, chức vụ thêm phần phức tạp.
Các "đại gia" trước đây "hô mưa, gọi gió" bây giờ cũng phải thắt lưng, buộc bụng. Một số "đại gia", cứ hở ra là lợi dụng kẽ hở đó, lách luật với những chiêu lừa "độc" đến mức không thể "độc" hơn". Đại tá Ka kể về "đại gia" Ngô Bá Phiếu (hơn 70 tuổi, bị toà án TP. Hải Phòng xử tù chung thân - PV) áp dụng những chiêu lừa "độc" đến mức, khi y bị bắt, nhiều bị hại (là đại gia, doanh nghiệp - PV) ngượng không dám trình báo với cơ quan công an.
Phiếu khai, bằng "tài ngoại giao" có một không hai của mình, y đã cùng đồng bọn tiếp nhận hồ sơ của gần 500 dự án của các doanh nghiệp (trên cả nước) xin vay vốn, xin được nhận thầu công trình. Bằng "tài độc" của mình, Phiếu và đồng bọn đã cầm tiền lót tay, rồi thì vay ngoài hệ thống ngân hàng nhiều chục tỷ đồng để... "bùng".
Được biết, trinh sát, điều tra viên trong vụ án này phải tìm đến từng địa chỉ doanh nghiệp, người bị hại hỏi về việc đã đưa tiền cho Phiếu chạy dự án, vay vốn như thế nào. Nhiều doanh nghiệp đã chi lót tay cho Phiếu và đồng bọn cả chục tỷ đồng nhưng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", khai báo với cơ quan công an là không mất gì hoặc có thì chỉ là tiền chi phí giao dịch, không đáng kể.
Vì sao họ bị lừa mà không dám khai báo để cơ quan công an làm rõ tội trạng của kẻ lừa đảo khoác áo "đại gia"? Đại tá Ka cho rằng, bị hại không dám thừa nhận vì lý do tế nhị. Hơn nữa, nếu thừa nhận bị lừa, tin này đến tai các đối tác làm ăn, sẽ bất lợi.
Tiếp theo là, nếu nhận mình bị hại, đưa cho Phiếu nhiều tỷ đồng, cơ quan công an sẽ truy, tiền ở đâu ra để lót tay, kiểm tra tài chính... Người đứng đầu doanh nghiệp rất sợ điều này, thế nên, họ không nhận. Nếu nhận, họ lại phải đau đầu tìm xem, số tiền đưa lót tay đó, để ở khoản nào của công ty thì hợp lý, không bị ... "soi".
|
Công ty Thái Sơn đã lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng với chiêu làm “xiếc” để vay tiền. |
Đại gia tên T. (Bắc Ninh) cay đắng, tâm sự: "Cùng là đại gia với nhau, là đối tác làm ăn, thế mà tôi bị thằng bạn đại gia lừa vố đau. May mà tôi có nhiều anh em tốt nên vẫn trụ được đến ngày nay”. Đại gia T. cho biết: "Tôi bị lừa ở thế không thể cưỡng lại được. Họ rủ tôi đầu tư vào dự án khu đô thị. Giấy tờ, mọi thủ tục đều đầy đủ.
Lúc đó, bất động sản sôi động, bán có lãi vô cùng. Tiền lãi chúng tôi chia nhau, tiền vốn góp vẫn để đó, đầu tư mở rộng dự án. Thằng bạn đại gia tự tạo scandal - mà sau này tôi mới biết, thằng em và ông anh ở nước ngoài bị bắt cóc, phải đem tiền sang chuộc. Tôi tin và để bạn rút tiền góp vốn ra, để lại vài trăm triệu đồng ở dự án.
Tại công ty cho thuê tài chính II (ALC 2) thuộc Agribank, chỉ trong gần bốn năm, số lỗ của doanh nghiệp này đã lên tới 3.005 tỷ đồng, gấp gần 10 lần vốn điều lệ. Qua kiểm tra cho thấy, dư nợ của doanh nghiệp này lên tới 6.916 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 4.181 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực hàng hải, ALC 2 đã đầu tư 4.500 tỷ đồng để mua 76 tàu biển cũ, mới để cho thuê.
Khi vụ việc vỡ lở, thì cơ quan CSĐT cũng chỉ làm rõ được trong thời gian từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, những cán bộ của ALC 2 đã ký 10 hợp đồng cho thuê tài chính khống, để rút ra hơn 785 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 523 tỉ đồng. Vậy thì phải chăng những hợp đồng còn lại đều "sạch sẽ" cả?
Thời gian ngắn sau, bất động sản trầm lắng, không giao dịch được, vốn của tôi "chết" ở dự án vài chục tỷ đồng. Tôi loay hoay gỡ, thằng bạn đại gia thì thờ ơ. Nó để tôi mặc kệ với đống nợ nần của mình. Nó làm thủ tục, tuyên bố, gán hết đất dự án cho số vốn của tôi, nó không tham gia nữa, khi nào bán được, trả nó vài trăm triệu đồng góp vốn, tính lãi nữa thì càng tốt. Tôi tức lộn cả ruột gan nhưng biết làm sao được”.
Chiêu "thổi" giá để "hạ" ngân hàng
Tại nhà máy cơ khí của công ty Lilama 69-3 (ở Kinh Môn, Hải Dương), có một tàu biển trọng tải 2000 tấn, trên giấy tờ của dự án, nó mang tên Đông Phong 09 - đã đóng mới gần hoàn thành. Ông Tr. là người phụ trách công trường của Lilama 69-3, bảo: "Tàu này đóng hết khoảng 12 tỷ đồng rồi, giờ cần thêm khoảng 4 - 5 tỷ đồng nữa mới chạy được". Trên thực tế, tài liệu từ cơ quan điều tra thì chi nhánh VietinBank Hải Dương và chi nhánh NaviBank Hải Phòng đã giải ngân cho con tàu này gần... 26 tỷ đồng.
Cụ thể, phòng giao dịch số 4 thuộc chi nhánh Navibank Hải Phòng khi ấy do ông Nguyễn Đức Mạnh làm Trưởng phòng - đã ký hợp đồng và giải ngân cho Đông Phong (Kinh Môn, Hải Dương) 14,7 tỷ đồng để thực hiện dự án đóng tàu Đông Phong 09. Chi nhánh VietinBank Hải Dương cũng đã giải ngân hơn 11,2 tỷ đồng cho Đông Phong đóng tàu này.
Cho đến thời điểm tháng 8/2012, gần bốn năm sau thời điểm giải ngân, công ty CP Đông Phong vẫn nợ hai chi nhánh ngân hàng trên gần 26 tỷ đồng tiền vay đóng tàu Đông Phong 09, tức là nhiều hơn tới 14 tỷ đồng so với tiền thực thi đóng tàu. Nói cách khác, dự án đóng tàu Đông Phong 09 đã bị ngân hàng đồng ý cho "thổi" giá cao hơn tới 14 tỷ đồng so với giá đóng tàu thực.
Chưa hết, đến 30/7/2012, hai chi nhánh ngân hàng bán đấu giá con tàu chỉ được... 6,325 tỷ đồng. Thiệt hại của hai ngân hàng trong thương vụ cho vay đóng tàu 2.000 tấn này là gần 20 tỷ đồng. Đó là còn chưa tính tới thiệt hại về lãi của các khoản vay. Kết quả "đạt được", là do tất cả các bước quy trình thẩm định dự án, giám sát giải ngân dự án, cho vay, thu hồi nợ dự án... đã bị vô hiệu hóa.
Trung tá Nguyễn Văn Tính - chuyên mảng tội phạm kinh tế, chức vụ, bộ Công an cho biết: "Về nguyên tắc, nếu tuân thủ triệt để các quy định từ đánh giá, đề nghị cho vay, định giá tài sản thế chấp, tới giám sát khoản vay, thu hồi nợ... thì rất khó xảy ra các vụ "thổi" giá dự án và gây thiệt hại đối với người cho vay.
Điều đó cho thấy, với các tổ chức tài chính, hay còn gọi là các "đại gia" cũng rất nhiều "ngón" hạ bệ nhau từ cách "thổi" giá dự án. Đây là rủi ro đạo đức, hay nói cách khác là sự lợi dụng lòng tin của nhau để "giúp" và hạ nhau hơn là lợi dụng kẽ hở của quy trình nghiệp vụ. Cả người vay và cho vay đều có những chiêu kinh điển để lừa lọc nhau về tài chính".
Một cán bộ ngân hàng (xin ẩn tên), phân tích: Việc điều tra làm rõ hành vi "thổi" giá để trục lợi chỉ có thể thực hiện được tại các tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước. Nhưng tại các tổ chức tài chính không sử dụng vốn Nhà nước, thì yêu cầu này là cực khó thực hiện. Lý do, vì nếu các tổ chức này im lặng, không có đơn tố cáo hành vi trục lợi, lừa đảo, thì các cơ quan chức năng cũng khó có thể "can thiệp" được, dù biết mười mươi sai phạm và có đủ hồ sơ chứng minh.
Điều đó giải thích vì sao vụ lừa đảo 1000 tỷ đồng xảy ra tại công ty CP Công nghiệp, Thương mại Thái Sơn (Hải Phòng) chỉ bị phát hiện khi có đơn tố cáo của duy nhất ngân hàng Đông Á. Ngược lại, 12 tổ chức tài chính đã cho công ty này vay tiền - với tổng số hơn 758 tỷ đồng - lựa chọn thái độ im lặng, dù biết rõ công ty Thái Sơn đã "xiếc" thế nào để vay được tiền. Công ty Thái Sơn này đã bị cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp tố tụng từ giữa năm 2012.
(Theo NĐT)