Lãi suất đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm lại đây. Mơ ước lãi suất cho vay 12 hay 10% đã hiện thực, thậm chí còn thấp hơn lãi suất huy động 7,5%. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản khiến NH khó cho vay và DN không dám vay.
Cuối tuần trước, lãnh đạo một NH cổ phần cho rằng, lãi suất 0% DN cũng không vay được. Theo đó, đối với DN làm ăn thua lỗ thì lãi suất có 0% vẫn cao, DN không thể vay nổi và vay rồi lấy gì mà trả. Và tất nhiên, NH cũng phải rất thận trọng vì DN thua lỗ, trên bờ phá sản, không có khả năng hồi phục thì cho vay chỉ khiến cả DN và NH chết thêm. .
Tại chuyến làm việc ở các tỉnh ĐBSCL mới đây của NHNN, dù chưa có đợt hạ lãi suất mới thì các DN cũng cho rằng lãi suất đã giảm nhiều và không còn là rào cản trong tiếp cận vốn. Tuy nhiên, các DN cho rằng, lãi suất hạ, hạ hơn nữa DN cũng không vay khi chưa nhìn thấy đầu ra. Vốn rẻ nhưng vay cũng chẳng để làm gì?.
Hai thông tin trên như sự đối đáp đầy “hờn dỗi” giữa NH và DN những lại cùng nói lên một thực tế khó khăn thị trường thu hẹp, đầu ra ách tắc, DN chưa thấy lối mở nào để vay vốn làm ăn. Vì thế, dù lãi suất đã hạ nhưng DN cũng không vay và NH vẫn khó tìm được khách. Vì vay vốn chẳng để làm gì mà có skhi lại ôm thêm nợ.
Trong khi đó, thời gian gần đây có NH sẵn sàng cho DN nhỏ vay vốn mà không cần tài sản thế chấp vay nếu nhìn thấy một kế hoạch kinh doanh tốt, tạo ra dòng tiền tốt trong tương lai. Thậm chí, có những DN có những khoản nợ thuộc nhóm xấu nhưng NH vẫn cho vay thêm khi DN đó có được một kế hoạch kinh doanh mới tạo ra khả năng phục hồi DN, trả nợ cho ngân hàng.
Dường như, các NH đã thay đổi cách đánh giá khi cho vay, thay vì quá chú trọng tới tài sản thế chấp hay một sự bảo lãnh nào đó thì điều được quan tâm nhất hiện nay là đồng vốn bỏ ra sẽ sinh lời thế nào và ngân hàng sẽ thu về bằng cách nào. Tuy nhiên, dù đã mở tối đa nhưng NH vẫn khó tìm được khách vì đầu ra vẫn còn tắc, thị trường còn đi xuống thì vốn nhiều, vốn rẻ DN cũng không vay và NH hạ lãi suất cũng khó tìm được khách.
Từ đầu tháng 5, các NH ồn ào với các tuyên bố giảm lãi suất, các chương trình mời gọi cho vay ưu đãi thì chính họ lại đang đối mặt với một nỗi lo mới đó là vốn giá rẻ sẽ ách tắc khi nợ xấu của cả DN và NH tăng lên.
Đây là một nguy cơ đang đến rất gần. Trong hai tuần tới, Thông tư 02 về phân loại nợ theo xu hướng thắt chặt và nâng cao các các tiêu chuẩn tiệm cận với các quy định của quốc tế. Đây là một yêu cầu, một lộ trình tất yếu mà các ngân hàng Việt Nam đã đề ra và chuẩn bị thực hiện từ lâu.
Tuy nhiên, thời điểm thực hiện các quy định này lại rơi đúng vào lúc các nền kinh tế khó khăn, các DN đối mặt với thua lỗ và nợ nần chồng chất, ngân hàng cũng đối mặt với khối nợ xấu… Nếu đánh giá và phân loại nợ theo tiêu chí mới thì số nợ xấu của mỗi DN và của các ngân hàng sẽ đột ngột tăng lên không chỉ 10% mà có thể lên đến 20 – 30%.
Điều này sẽ khiến cho tình hình tài chính của mỗi DN trở nên bi đát hơn. Họ sẽ không còn có đủ điều kiện để vay vốn dù vốn giá rẻ. Thay vào đó, DN sẽ bị ngân hàng thúc ép thu hồi nợ. Con đường phá sản và giải thể của các DN sẽ nhanh hơn. Chính vì thế, có không ít lãnh đạo NH đã cảnh báo, nếu cứng nhắc áp dụng các quy định mới không chỉ sẽ đẩy thêm hàng ngàn DN phá sản nhanh hơn mà rất nhiều nông dân sẽ phải ra đứng đường.
Nhìn từ phía NH, nợ xấu tăng lên cũng khiến cho họ đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, chi phí để dự phòng tăng lên, khả năng cho vay sẽ giảm xuống… dẫn đến lãi suất sẽ tăng. Chính vì thế, các ngân hàng đã cho rằng, trong khi đang tìm mọi cách để hạ lãi suất, đẩy vốn giá rẻ cho nền kinh tế thì nguy cơ nợ xấu tăng cao lại dựng lên những rào cản mới khiến cho nguồn vốn bị ách tắc.
Nếu không có cách giải quyết linh hoạt thì không nhữngNH khó giảm lãi suất mà lãi suất có giảm cũng không có nhiều ý nghĩa khi DN không thể đủ điều kiện nay vốn còn NH thì không dám cho vay dưới chuẩn. Kéo theo đó, những hy vọng về lãi suất hạ, tín hiệu phục hồi kinh tế cũng bị chặn đứng.
Hơn một năm qua, hệ thống NH đã liên tục giảm lãi suất về mức thấp nhất trong vòng mấy năm gần đây, tạo ra hy vọng về những động lực và cơ hội làm ăn mới. Tuy nhiên, dòng vốn rẻ dường như đang bị tắc hoàn toàn bởi những nguyên nhân ngoài lãi suất như trên. Và để giải quyết nó, có lẽ một mình Ngân hàng Nhà nước không thể xử lý được.
Lê Khắc