- Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, để kích cầu, một số doanh nghiệp đã sử dụng “chiêu” tặng voucher (phiếu chứng nhận giảm giá thanh toán trước) cho những khách hàng “vip”. Tuy vậy, trong quá trình sử dụng những voucher này, không ít người đã lâm vào cảnh bực mình.

Chuốc bực vào người

Là khách hàng thường xuyên của một spa lớn nên cuối tháng 3 vừa qua, chị Thu Vân, ở khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội được siêu thị này tặng một voucher trị giá 3 triệu đồng để mua hàng của một hãng mỹ phẩm. Cầm tấm voucher trên tay, chị Vân hào hứng đến siêu thị mua mỹ phẩm, song niềm vui của chị nhanh chóng tan biến khi nhận được câu trả lời từ nhân viên bán hàng: Cửa hàng chỉ chấp nhận voucher thanh toán cho gói sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên.

Đồng thời, khách hàng cũng chỉ được mua một số mặt hàng nhất định chứ không được chọn lựa mọi sản phẩm trong cửa hàng. Chị Vân bức xúc: “Da tôi khô nhưng họ chỉ cho tôi được phép lấy sản phẩm dưỡng da dành cho da nhờn, không những thế, nhân viên của hãng mỹ phẩm này còn nói rằng, tôi chỉ được chọn lựa đối với một vài loại son môi, kem lót, phấn nền. Tôi thắc mắc thì họ nói điều này đã được ghi rõ trong voucher rồi. Nếu tôi không thanh toán bằng voucher, tôi sẽ được chọn lựa sản phẩm tùy theo ý thích”.

{keywords}

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, sau khi mua một số đồ trang trí nội thất tại một siêu thị cho ngôi nhà mới, anh Lê Tuấn Phong, ở đường Láng Hạ, quận Ba Đình được tặng voucher trị giá 5 triệu đồng áp dụng cho bộ sản phẩm bàn ghế bọc da phòng khách.

Tuy vậy, khi anh Phong cầm voucher này đến siêu thị nội thất để chọn mua một bộ bàn ghế thì được nhân viên ở đây cho biết, voucher chỉ áp dụng đối với những bộ sản phẩm có giá từ 100 triệu đồng trở lên. “Do khả năng tài chính có hạn nên vợ chồng tôi dự định chỉ mua bộ bàn ghế có giá khoảng 30 triệu đồng. Tôi cứ nghĩ có voucher này thì sẽ được chọn bất cứ bộ bàn ghế nào tùy theo ý thích và túi tiền của mình, đằng này…”- anh Phong than phiền.

Không chỉ lĩnh vực đồ nội thất, mỹ phẩm mà ngay cả trong ẩm thực, “chiêu” tặng voucher cho khách cũng được sử dụng khá phổ biến. Tháng trước, khi chiêu đãi khách tại một nhà hàng hải sản, anh Lê Đình Long, ở đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ được nhà hàng tặng 2 voucher trị giá 800.000 đồng để ăn buffet tại một điểm thuộc chuỗi nhà hàng này. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày cưới, anh Long đã đưa vợ đến địa điểm ghi trong voucher ăn buffet. Nhưng khi vợ chồng anh Long chuẩn bị chọn đồ ăn, nhân viên nhà hàng đã nhắc anh phải di chuyển ra khu vực khác có ít món ăn hơn với lý do vợ chồng anh sử dụng voucher để thanh toán. Dù rất bực, nhưng do không muốn vợ mất vui nên anh Long đành chấp nhận chuyển chỗ. Anh Long cho rằng, sự phân biệt đối xử, coi khách hàng được tặng quà chẳng khác nào đi ăn xin của những đơn vị phát hành ra voucher là không thể chấp nhận được.

Cần thận trọng khi nhận quà

Theo luật sư Phạm Công – Đoàn Luật sư Hà Nội, Bộ luật Dân sự đã quy định, đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải có trách nhiệm bồi thường nếu việc bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy vậy, do thiệt hại thường không lớn, lại khó chứng minh nên trong hầu hết các trường hợp được tặng voucher, người tiêu dùng đều bỏ qua.

Điều đáng nói là hiện nay, việc các doanh nghiệp liên kết với nhau để tặng voucher cho khách hàng diễn ra khá phổ biến. Để đánh lừa khách hàng, trên voucher thường ghi khá chung chung về các sản phẩm được áp dụng nhằm trà trộn những mặt hàng lỗi mốt, hàng kém chất lượng để bán cho khách.

Thông thường, với những voucher giảm giá từ 50 - 70% cho giá trị sử dụng, khi người mua đến các cửa hàng này thì số lượng các mặt hàng được giảm giá hầu như không còn hoặc nếu còn cũng… không thể sử dụng được. Bên cạnh đó, hạn sử dụng của các voucher thường khá ngắn, trên voucher thường được in kèm những dòng chữ như “cơ hội mua sắm hiếm có”, “số lượng hàng có hạn”... để thu hút khách.

Có thể nói, hiệu quả kinh tế mà các voucher quà tặng mang lại cho các doanh nghiệp là không nhỏ. Đối với những đơn vị làm ăn chân chính, việc tặng voucher cho khách không chỉ nhằm tri ân khách hàng “ruột” mà còn góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa, làm tăng giá trị thương hiệu trên thị trường.

Tuy vậy, vẫn có không ít doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật, sẵn sàng tung ra những voucher kém giá trị, biến những món quà tặng chẳng khác nào những “cục nợ” đối với khách hàng. Do vậy, để hạn chế rủi ro, trước khi quyết định nhận quà tặng bằng voucher hay mua voucher, khách hàng phải đọc kỹ các điều khoản, điều kiện in trên voucher đồng thời nên tham khảo giá của sản phẩm trước khi mua vì trong thực tế có một số cửa hàng trước khi tung ra voucher đã tự ý nâng giá sản phẩm…

Huệ Linh