Chuyện người dân Hà Nội mỗi dịp về quê đều “tay xách nách mang” nào là rau, cỏ, thịt, cá xuống để “dự trữ” ăn dần không phải là chuyện lạ. Nhưng chuyện nhiều người mang thực phẩm từ Hà Nội về quê quả là hiếm khi xảy ra.
Chuyển thịt ở Hà Nội về làm quà
Trước đợt nghỉ lễ 30/4, Nguyễn Thị Thục (Thanh Hóa) phải ra cửa hàng quen đặt sẵn 5 kg thịt lợn để mang về quê. Xe chật, người đông không chen nổi nhưng Thục vẫn cố mang về làm quà cho mọi người.
Thục chia sẻ: Nói là mang thịt về quê có khi nhiều người lại cười, cho rằng “chở củi về rừng”, nhưng trong hơn 10 ngày nay, tại khu vực nhà tôi có dịch tai xanh. Lệnh cấm giết mổ gia súc đã thực thi hơn 1 tuần nên thịt trở thành món đặc biệt.
Trước ở đâu cũng có, giờ muốn ăn phải đi mấy chục km, có khi mua được lại không dám ăn vì sợ”. Chị Thục cho biết thêm: “Mua ở Hà Nội có đắt hơn ở quê, nhưng là chỗ mua quen nên thịt lợn không bị hôi, uy tín. Bước tạm thời là cứ chuyển từ trên Hà Nội về nhà cho đến hết mùa dịch đã, hết dịch thì tính sau”.
“Ít ra thì ở đây cũng không phải vùng dịch, không phải nơi vận chuyển, gà lậu ồ ạt như quê mình. Hơn nữa, mình mua ở cửa hàng uy tín, có dấu của kiểm dịch. Đặc biệt, chất lượng gà cũng không thua kém nhiều so với gà quê”. Đó là một loạt các lí do được Nguyễn Thị Thủy (Lạng Sơn) đưa ra khi mua gà từ Hà Nội mang về quê.
Thủy bật mí thêm “nếu đắt hơn một chút nhưng tâm lí thoải mái, không lo lắng về dịch bệnh thì tôi cũng sẵn sàng. Không chỉ riêng tôi, cơ quan tôi có mấy chị ở Móng Cái, Quảng Ninh cũng mua gà ở Hà Nội mang về nhà. Đang mùa cúm gia cầm, ti vi lại ra rả cả ngày về gia cầm thải loại, gà lậu, chúng tôi không dám mua. Sợ gà quê trộn lẫn loại gà này”.
Chị Nguyễn Hải Ân, bán thịt tại tổ 14, Định Công Hạ, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Hơn 1 tháng nay, có một chuyện ngược xảy ra là người ở Hà Nội lại mua thịt để mang về quê. Trước, mỗi ngày bán lẻ tại khu dân cư tôi chỉ bán 1 con khoảng 1 tạ thì nay đều đều 2 con. Riêng dịp này thì con số này tăng lên đột biến, tôi bán được 4 tạ/ngày.
Rau xanh từ phố về làng
Không chỉ có thực phẩm như thịt đang trong thời điểm có dịch được chuyển ngược lại các vùng quê. Mặt hàng rau sạch của Hà Nội dù ít, chưa có nhiều tên tuổi nhưng cũng đang có được lòng tin của người tiêu dùng và một số lượng không nhỏ được chuyển về quê.
Ông Nguyễn Văn Thái (ngõ 283 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Ngày đi làm, vợ chồng, con cái gia đình chúng tôi ở Hà Nội. Nhưng cuối tuần nào cũng về quê ở Phố Nối, Hưng Yên chừng 1, 2 ngày. Rau sạch tại các chuỗi cửa hàng ở Hà Nội là nhu yếu phẩm không thể thiếu của gia đình.
Sản phẩm ở quê bây giờ cũng hư hư, thực thực lắm, không biết đâu mà lần. Tốt nhất là sử dụng sản phẩm của cửa hàng uy tín, có cam kết. Có thể giá cả chênh lệch nhưng muốn an toàn thì đành phải chấp nhận.
Tại cửa hàng thực phẩm trên đường Trần Nhân Tông (Hà Nội) ông Nguyễn Thế Thạch (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã lựa chọn cho mình cà 1 giỏ rau đầy. 3, 4 bó rau thơm đủ loại, rau ngót 6, 7 túi. Thậm chí, rau mùng tơi, rau muống tới cả chục bó.
Khi được hỏi, ông cho biết: Tôi có một nhóm bạn từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Những loại rau đặc trưng của miền Bắc tôi đều mua để các bạn mang về làm quà. Rau susu, bông bí ngoài chợ, ở quê thì nhiều, ngon, rẻ nhưng tôi lại sợ. Dù dì có địa chỉ, có cơ sở, có bảo hành vẫn hơn là có tiếng quê mà không biết có quê và có sạch hay không?
Một chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Thời gian gần đây, thông tin về rau củ quả không đảm bảo an toàn – dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cao, bị “tẩm” thuốc bảo quản… khiến nhiều bà nội trợ hoang mang, không biết mua rau sạch ở đâu để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
Chuyện mua thực phẩm ở Hà Nội chuyển về các vùng quê tưởng là lạ nhưng dễ hiểu khi người dân mong muốn hướng tới an toàn thực phẩm.
Hiện nay, nhiều tỉnh công bố dịch tai xanh, dịch cúm gia cầm, người dân ưu tiên các cửa hàng uy tín, được kiểm định chất lượng cũng là điều đương nhiên. Xu hướng này không hoàn toàn chỉ là thay đổi về vùng miền, thành thị hay vùng quê, nó cũng đánh dấu ý thức của người dân khi lựa chọn những của hàng, địa điểm bán thực phẩm an toàn.
Hải Dương