Nhiều chị em vì ham rẻ mà sử dụng những loại thuốc giảm cân có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng được bán tràn lan trên mạng, để rồi "rước" họa vào thân.

Thuốc giảm cân trên mạng: chỉ là trò lừa bịp

Hiện nay, thuốc giảm cân đang tràn ngập cả thị trường trên mạng online cũng như tại các hiệu thuốc và spa làm đẹp. Trong số đó, thuốc được bán trên mạng online là nhiều hàng "lởm" nhất. Vì, thị trường này thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng, các loại thuốc đa phần là thiếu nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác cũng như cách hướng dẫn sử dụng, nên rất dễ mua phải thuốc giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chỉ cần đánh từ khóa “thuốc giảm cân” trên công cụ tìm kiếm google ngay lập tức sẽ xuất hiện khoảng 12.800.000 kết quả, trong vòng 0,36 giây. Đi sâu vào “thủ phủ” thuốc giảm cân trên mạng, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh bắt mắt về những lời quảng cáo giảm giá cũng như công dụng của các loại thuốc giảm cân này. Tuy nhiên, click vào từng loại thuốc nhiều người không khỏi bất ngờ với cách "treo đầu dê bán thịt chó".

Nhiều loại thuốc giảm cân ngoài thì nói xuất xứ là USA (Mỹ) nhưng trên vỉ thuốc, lọ thuốc lại có chữ Trung Quốc. Các loại thuốc này chỉ ghi giá bán chứ không hề có hướng dẫn sử dụng cũng như hạn sử dụng.

Còn tại các hiệu thuốc và các spa các loại thuốc giảm cân cũng được bày bán rất công khai. Tuy nhiên, tại thị trường này việc bày bán quy củ và không tràn lan như thị trường trên mạng online. Nhưng bằng nhiều chiêu thức khác nhau các trung tâm spa này vẫn dễ dàng móc túi người tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên Kiến Thức, chị Diệu Lan (39 tuổi) ở Nghĩa Đô, Hà Nội cho biết: “Trước đây, do công việc và con nhỏ nên để giữ vóc dáng tôi đã mua một loại thuốc giảm cân của Úc ở một trung tâm spa. Tuy được trung tâm hướng dẫn rất kỹ cách sử dụng cũng như liều lượng, nhưng kèm theo đó là lời khuyến cáo, tôi vẫn phải vận động thường xuyên để phát huy kết quả tốt nhất. Quả thực nếu mất gần 2 triệu để mua thuốc mà vẫn phải tập thể dục đều đặn thì tôi cứ đi tập thể dục còn hơn, uống thuốc làm gì?”.

Chị Lan cho biết thêm, chính vì nhu cầu cũng như tâm lý muốn giảm cân nhanh của nhiều chị em đã tạo điều kiện cho các spa “móc túi” mình mà không hề hay biết. Chị Lan cho rằng, để đảm bảo sức khỏe và giảm cân hiệu quả nhất thì chính tự bản thân phải chịu khó vận động cũng như có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

“Bóc trần” bản chất của thuốc giảm cân

Thực tế những loại thuốc giảm cân được cho là cấp tốc, giảm đến gần chục kg/tháng chỉ là hoang đường. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thuốc được bào chế có tác dụng giảm cân là có, tuy nhiên những loại thuốc này chỉ có tác dụng từ từ và có tác dụng khi sử dụng kết hợp với chế độ sinh hoạt và tập luyện hợp lý.

{keywords}
Dùng thuốc giảm cân không phải là biện pháp an toàn cho sức khỏe.

Theo TS. Lê Thị Bạch Mai - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để có đánh giá đúng và có cơ sở khoa học về các loại thuốc có khả năng làm giảm cân thì cần phải kiểm định rõ ràng các thành phần ghi trên vỏ hộp. Việc nhà sản xuất công bố các thành phần trên vỏ hộp cũng chưa hẳn đã thực sự chứng minh được công dụng thật của sản phẩm. Bởi có rất nhiều sản phẩm hàng hóa nhãn ghi một đằng, chất lượng lại một nẻo, các thành phần ghi trên nhãn chưa chắc đã tồn tại trong sản phẩm hoặc có thì hàm lượng cũng không đủ như công bố.

Đặc biệt nhà sản xuất sẽ giấu các thành phần khác gây bất lợi tới sức khỏe người tiêu dùng không in trên nhãn hộp. Và như vậy người dùng cần hết sức thận trọng khi dùng những sản phẩm mà có tốc độ tăng, giảm cân bất thường như quảng cáo trên mạng.

Trả lời phỏng vấn trên PLVN, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Khoa Dược lâm sàng trường Đại học Y dược TP.HCM khẳng định, các loại thuốc, thực phẩm giúp giảm cân thường gây mất nước, chán ăn, nhuận trường, dùng thường xuyên có thể dẫn đến suy kiệt sức khoẻ. Thậm chí, khi sử dụng thuốc không đúng cách, không theo chỉ định của bác sỹ, cơ chế tác dụng cũng như tác dụng phụ của thuốc lên sức khỏe nên nếu dùng lâu dài có thể sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như biếng ăn thần kinh, trầm cảm, thiếu vitamin, muối khoáng, suy dinh dưỡng... dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng, trên thị trường hiên nay thuốc giảm cân được chia ra làm ba loại chính.

Thứ nhất là loại thuốc làm no đầy ống tiêu hóa với chất độn như: Coréine, Décorpa, Pseudophage…Loại thuốc này có chứa các chất như: Sterculia, Methycellulose... Khi uống vào không hấp thu, chỉ hút nước trương nở làm đầy bụng, do đó làm giảm cảm giác đói và không muốn ăn. Tuy nhiên nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: chướng bụng, đầy hơi.

Thứ hai là loại thuốc làm gia tăng biến dưỡng. Tiêu biểu cho nhóm này là thuốc lipolysin F chứa nội tiết tố tuyến giáp thyroxin nhằm gia tăng biến dưỡng ở tế bào. Thuốc chỉ công hiệu trong trường hợp béo phì do thiếu thyroxin và sử dụng thật cẩn thận do có nguy cơ gây ức chế chức năng tuyến giáp, hại tim (do tăng nhịp tim). Hiện nay, thuốc chứa L-carnitin (một dẫn chất được tạo thành từ một acid amin có tên lysin) được cho là làm giảm cân nhưng thực chất đây chỉ là chất phụ trợ chuyển hóa chất béo giúp oxy hóa acid béo trong tế bào để tạo năng lượng.

Thứ ba là loại thuốc gây chán ăn, đây là loại thuốc được sử dụng để giảm cân nhiều nhất, đồng thời cũng là thuốc gây ra nhiều tác dụng không tốt cho người sử dụng. Các loại thuốc này có chứa amphetamin hoặc các dẫn chất tương tự amphetamin như: Benzedrine, Phenamin, Mirapront N, Isoméride, Didrex, Anorex, Tepanil, Adifax, Pondéral... Thuốc tác dụng trên hệ thần kinh trung ương (vùng dưới đồi: hypothalamus) gây kích thích (làm cho khó ngủ) và làm giảm cảm giác đói.

Người dùng thuốc khi ăn sẽ không cảm thấy ngon và không muốn ăn, đồng thời với đó là tác động vào thần kinh làm khó ngủ, từ đó sẽ giúp cơ thể gầy ốm và giảm được cân. Loại thuốc này có thể sẽ gây nguy hiểm vì nó dễ gây nghiện, gây tâm trạng chán nản khi ngưng dùng thuốc (có xu hướng dẫn đến tự tử).

Một loại thuốc nữa cũng có tác dụng kích thích gây chán ăn là thuốc thuộc nhóm cường giao cảm, gồm có: phenylpro panolamin (viết tắt PPA), ephedrin, pseudoephedrin. Hiện nay nhiều nước đã cấm dùng PPA làm thuốc giảm cân do thuốc này có liên quan đến việc gây tai biến mạch máu não (chảy máu não và màng não).

Ở Việt Nam, Cục Quản lý Dược trước đây đã từng rút số đăng ký biệt dược gây chán ăn là Adifax (Fenfluramine) và Pondéral (Dexfenfluramine) do nhà sản xuất báo cáo thuốc gây một số biến chứng về tim mạch.

(Theo Kienthuc)