Dính cáo buộc phá rừng từ Global Witness, bầu Đức không chỉ mất 300 tỷ đồng trong hai ngày mà thiệt hại còn có thể tiếp tục gia tăng.

Đầu tháng 5, tổ chức hoạt động vì môi trường Global Witness công bố báo cáo mang tên "Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào".

Theo đó, Global Witness cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền, trái với các quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng bị cáo buộc đưa hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng để chiếm đoạt đất của dân và khai thác gỗ bất hợp pháp.

Trong mấy ngày gần đây, sự kiện này gây thu hút được sự chú ý từ dư luận. Ngay sau khi bầu Đức lên tiếng phủ nhận cáo buộc, Global Witness cung cấp cho VnExpress 3 lý do khiến tổ chức này kết luận Hoàng Anh Gia Lai phạm luật tại Lào, Campuchia.

{keywords}

 Đại diện Global Witness cho biết thứ nhất, cáo buộc dựa trên bản điều tra ý kiến người dân địa phương sống gần khu đất trồng cao su, thuộc các chi nhánh của Hoàng Anh Gia Lai hoặc công ty liên quan tại Campuchia và Lào.

Thứ hai, Global Witness “kết tội” Hoàng Anh Gia Lai theo ảnh chụp vệ tinh. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy trước khi Hoàng Anh Gia Lai được phân đất, nơi này vẫn là khu rừng được pháp luật Campuchia và Lào bảo vệ. Phần rừng sau đó đã biến mất.

Thứ ba, theo Global Witness, bằng chứng quan trọng nhất chính là bản cáo bạch do chính Hoàng Anh Gia Lai công bố khi niêm yết ở sàn chứng khoán London. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận hoạt động kinh doanh tại Lào, Campuchia chưa hoàn toàn phù hợp với luật pháp các nước sở tại.

Đặc biệt, Hoàng Anh Gia Lai cũng nêu trong báo cáo về việc một số dự án đang triển khai chưa có giấy phép cần thiết cũng như sự chấp thuận của chính phủ các nước.

Mặc dù bầu Đức cho rằng Global Witness là một tổ chức “không tên tuổi” nhưng theo tìm hiểu của báo chí, đây là tổ chức có tầm vóc không hề nhỏ do tỷ phú George Soros đứng sau hậu thuẫn. Thông qua quỹ Open Society Foundations, năm 2012, tỷ phú George Soros đóng góp 40% ngân sách cho Global Witness.

Global Witness thành lập năm 1993 tại Washington. Đây là tổ chức phi chính phủ chuyên điều tra và ngăn chặn xung đột liên quan tới vấn đề tài nguyên thiên nhiên, tham nhũng và nhân quyền.

Global Witness không chỉ nhắm tới doanh nghiệp mà còn “động chạm” tới rất nhiều quốc gia như Angola, Sierra Leone, Liberia, thậm chí cả Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Canada và Nga.

Bầu Đức khăng khăng phủ nhận

Cả trước và sau khi Global Witness cung cấp 3 lý do khiến tổ chức này kết luận Hoàng Anh Gia Lai phạm luật tại Lào, Campuchia, bầu Đức luôn lên tiếng phủ nhận cáo buộc.

Đầu tiên, bầu Đức cho rằng bản báo cáo của Global Witness không có giá trị. Bầu Đức khẳng định Hoàng Anh Gia Lai hoạt động trồng cao su và mía đường tại Lào và Campuchia luôn tuân thủ pháp luật của các nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng. Hoàng Anh Gia Lai chưa bao giờ khai thác gỗ của Lào hay Campuchia kể cả khu vực nhượng quyền của Hoàng Anh Gia Lai.

Bên cạnh đó, bầu Đức còn lên tiếng chỉ trích Global Witness tào lao, bịa đặt, đang lợi dụng hình ảnh của Hoàng Anh Gia Lai để đánh bóng tên tuổi của mình.

Tới chiều 15/5, bầu Đức tiếp tục phủ nhận và cho rằng những cáo buộc đó "quá nặng nề, trong khi thực tế không phải như vậy nên chúng tôi cũng không thể nhận”.

Còn về bản cáo bạch. Bầu Đức cho biết vào thời điểm công bố cáo bạch, một số dự án Hoàng Anh Gia Lai đang phát triển mà chưa có đầy đủ các loại giấy phép cần thiết của Chính phủ. Nhưng tập đoàn khẳng định đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, giấy tờ cho các dự án của mình.

Ngoài ra, bầu Đức cũng cho rằng các lập luận Global Witness đưa ra thông qua ảnh vệ tinh không thể chính xác. Khu đất đã được Chính phủ Lào, Campuchia quy hoạch và cho phép tập đoàn khai hoang.
{keywords}

Như vậy, khi Hoàng Anh Gia Lai tiếp nhận cải tạo và phát triển kinh tế, diện tích cây cối trước đó buộc phải trở thành rừng cao su. Các loại gỗ quý trong rừng, HAGL cũng không được phép đụng tới theo quy định pháp luật tại Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, bầu Đức vẫn tỏ ra cầu thị khi cho biết rất muốn hợp tác và sẵn lòng gặp Global Witness để xử lý vấn đề.

Chưa sáng tỏ, bầu Đức đã chịu trận

Trong khi hai bên chưa chính thức gặp nhau, sự việc chưa được làm sáng tỏ, bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai ít nhiều đã phải chịu những thiệt hại đầu tiên. Đó là sự giảm giá chứng khoán.

Trong phiên giao dịch ngày 14/5, thời điểm cáo buộc “phá rừng” được lan truyền rộng rãi, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai, giảm giá rất mạnh. Đóng cửa ngày 14/5, HAG giảm 1.400 đồng/CP, tương ứng 6,1% và đóng cửa ở mức 21.400 đồng/CP.

Tới ngày 15/5, đà giảm của HAG chững lại. HAG chỉ giảm 200 đồng/CP, tương ứng 0,9%. Sau hai ngày, HAG mất 1.600 đồng/CP. Với việc sở hữu hơn 260 triệu cổ phiếu HAG, chỉ trong 2 phiên, bầu Đức đã mất hơn 300 tỷ đồng.

Bên cạnh mất mát về tiền, HAG còn chứng kiến sự quay lưng của khối ngoại. Trong ngày 14/5, khối ngoại đã bán ra 1,1 triệu đơn vị HAG.

Tuy nhiên, tới phiên hôm nay (16/5), HAG đã lấy lại được lòng tin của nhà đầu tư khi tăng nhẹ. Dường như những lời cáo buộc của Global Witness không còn ảnh hưởng nhiều tới HAG nữa.

Ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán BIDV nhận xét với thông tin kể trên, HAG vô tình trở thành tâm điểm thị trường vì thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp khác ít có thông tin đột biến, đáng chú ý như vậy. Có lẽ bị chú ý nhiều như vậy nên HAG mới giảm mạnh trong phiên 14/5.

Ông Tuấn cũng phân tích nếu các cáo buộc của Global Witness có cơ sở, chắc chắn Hoàng Anh Gia Lai sẽ bị ảnh hưởng tương đối lớn vì doanh nghiệp này đang giảm dần tỷ trọng đầu tư bất động sản sang cao su - lĩnh vực có mặt tại Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, hiện tại, vẫn chưa xác định được ai đúng, ai sai nên ông Tuấn tin rằng cổ phiếu HAG sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

(Theo VTC)