- Trước các thông tin về nạn “chặt chém” khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), lập tức lãnh đạo thị xã Sầm Sơn đã lên tiếng phản hồi.

Trước 10 nay chỉ còn 1-2

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TX Sầm Sơn, nói: “Tôi xin được thay từ “chặt chém” bằng từ “hành vi tiêu cực”. Không chỉ khu du lịch Sầm Sơn, mà bất kể khu hoạt động về lĩnh vực du lịch nào cũng đều có hành vi tiêu cực, chỉ là chỗ nào ít hay nhiều mà thôi.

Ở một khu du lịch lớn như Sầm Sơn, ngày cao điểm có tới 10 vạn khách/ngày nên không thể tránh khỏi hành vi tiêu cực”.

Theo ông Triều, mùa du lịch năm nay, TX Sầm Sơn đã làm hết sức mình để dẹp nạn “chặt chém”. Tuy nhiên, vẫn còn một số những đối tượng thanh niên như nghiện ngập, không có việc... lợi dụng du khách để kiếm tiền bất chính. Đó chỉ là một phần nhỏ, hay có thể nói là con sâu làm rầu nồi canh.

“Trước đây, hành vi thiếu tiêu cực có thể là con số 10 thì nay con số đó chỉ ở 1 đến 2. Trước thông tin nạn “chặt chém” ở Sầm Sơn, chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Nếu nắm được thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ xin lỗi khách và xử lý nghiêm đối với người vi phạm”, ông Triều nhấn mạnh.

{keywords}

Để xử lý nạn chặt chém, các hành vi tiêu cực, ngay trong thời điểm khai mạc mùa du lịch Sầm Sơn 2013, Thị xã đã các định rõ, cần phải đổi mới để nâng cao chất lượng du lịch.

Cụ thể, theo ông Triều, trước mùa du lịch chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo hè. Ban chỉ đạo này có trách nhiệm bám sát tình hình hoạt động kinh doanh trên bãi biển để kịp thời điều chỉnh. Đồng thời, Ban chỉ đạo hè còn có nhiệm vụ hướng dẫn để đảm bảo cho du khách có một chuyến du lịch vui vẻ.

Bên cạnh đó, thị xã đã ban hành văn bản quản lý dịch vụ, du lịch để không cho các cơ sở kinh doanh chèn ép khách. Đặc biệt đối với các mặt hàng đều bắt buộc phải niêm yết giá, tránh tình trạng nâng giá vô tội vạ; quy hoạch các tuyến phố kinh doanh cho phù hợp.

“Bị chặt chém cứ gọi cho tôi”

Thượng tá Lê Ngọc Chiến, Trưởng Công an thị xã Sầm Sơn cho biết:

Năm 2012 công an thị xã đã bắt 5 vụ liên quan đến ép giá, ép khách tại các điểm massage, karaoke, ép ki ốt… do thu mức giá cao hơn so với quy định của nhà nước. Trong đó có 3 trường hợp thu mức giá quá cao trên mức 2 triệu đồng đã bị xử lý hình sự vì tội cưởng đoạt tài sản.

Sau 3 vụ xử lý hình sự năm 2012 cho đến nay tình trạng ép khách, ép giá đã không còn diễn ra. Tuy nhiên, do Sầm Sơn chuẩn bị vào mùa du lịch nên ngoài phương án phòng chống tội phạm, thị xã Sấm Sơn còn thành lập riêng kế hoạch phòng chống ép khách ép giá do giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.

Theo đó, 6 tổ liên ngành với lực lượng công an làm nòng cốt sẽ được bố trí khắp địa bàn thị xã và sẵn sàng có mặt khi nhận được tin du khách báo bị ép giá. Hiện số điện thoại của lực lượng liên ngành đã được ghi khắp bảng tin tại các khu bãi tắm, trong đó có cả số điện thoại của ông được mở 24/24 nên khi du khách đến Sầm Sơn thấy có hiện tượng bị chắt chắt cứ gọi theo số đường dây nóng này lực lượng liên ngành sẽ có mặt xử lý kịp thời.

Số điện thoại của tôi được ghi trên bảng tin và mở 24/24h, nên nếu khách du lịch đến Sầm Sơn bị ép khách, ép giá cứ gọi cho tôi, tôi sẽ cho xử lý kịp thời.

Dựa trên cơ sở này, thị xã còn tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho bà con có một nếp sống văn hoá, văn minh trong kinh doanh thương mại du lịch, văn hoá ứng xử.

Bên cạnh đó, thông qua các đoàn thể như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Cựu chiến binh… tuyên truyền, nắm bắt các đối tượng có dấu hiệu chèn ép khách.

Điểm nhấn của du lịch Sầm Sơn năm nay là Thị xã đã thành lập đường dây nóng. Du khách chỉ cần thấy mình bị “chặt chém” có thể gọi tới đường dây nóng lập tức chúng tôi sẽ có người xuống xử lý. Thông tin đường dây nóng đã phát huy hiệu quả. Đã có không ít trường hợp bị gây khó khăn trên địa bàn đã được chính quyền giải quyết. Và đường dây nóng sẽ còn phát huy tác dụng trong thời gian tới.

“Đối với những du khách đến với biển Sầm Sơn khi gặp bất kể trường hợp nào bị gây phiền toái thì hãy gọi ngay tới đường dây nóng để được can thiệp, xử lý. Với cách làm này, chúng tôi hy vọng những tiêu cực trong du lịch Sầm Sơn sẽ giảm mạnh”, ông Triều bày tỏ.

Chuyện của trước đây

Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Truyền, Phó chủ tịch Thị xã Sầm Sơn: “Hiện tượng khách du lịch đến Sầm Sơn bị chèn ép giá chỉ xảy ra từ những năm 2010 trở về trước, còn những năm trở lại đây, sau nhiều năm chính quyền vào cuộc xử lý quyết liệt tình trạng chèn ép khách hầu như đã được quán triệt”.

Theo ông Truyền, có tình trạng chèn ép khách những năm về trước là do đặc tính làm du lịch theo mùa vụ của một số ít người dân địa phương nên đã làm xấu đi hình ảnh Sầm Sơn trong mắt du khách.

“Nhiều người dân địa phương không được đào tạo bài bản nên chỉ làm dịch vụ du lịch 3 tháng hè rồi đi làm việc khác nên phục vụ khách du lịch còn thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây qua các lớp huấn luyện nghiệp vụ du lịch ngắn hạn cũng như xử lý quyết liệt của chính quyền thị xã nên tình trạng ép giá, ép khách đã được cải thiện đáng kể”, ông Truyền nói.

Trước một số nghi vấn có hay không tình trạng cán bộ chính quyền địa phương ở Sầm Sơn bảo kê cho hiện tượng này. Ông Truyền cho biết: Qua những vụ việc phát hiện du khách bị ép giá được lực lượng chức năng xử lý cho thấy, không đủ cơ sở để xác định có hiện tượng bảo kê để nhà hàng ép giá du khách.

{keywords}

Theo ông Truyền, trong những năm gần đây khách du lịch đến Sầm Sơn ngày càng đông, bình quân mỗi năm Sầm Sơn đón hơn 2 triệu lượt khách, nhiều du khách đến đã đồng tình và ấn tượng với dịch vụ ở Sầm Sơn đã được thay đổi nhiều so với những năm về trước.

Mặc dù vậy, ông Truyền cũng thừa nhận, do lượng khách đến Sầm Sơn ngày càng đông, nên cũng không tránh khỏi một vài hiện tượng ép khách, ép giá. Những hiện tượng này sau khi được du khách gọi điện báo qua số điện thoại đường dây nóng, lực lượng liên ngành thị xã Sầm Sơn đã có mặt lập biên bản xử lý nghiêm.

Để tránh tình trạng du khách đến Sầm Sơn bị ép giá, ông Truyền cho hay, hiện nay tại các bảng tin trước các khu bãi tắm đều đã được thi xã cho niêm ít mức giá trần đối với một số loại hàng hóa dịch vụ du lịch như: giá loại phòng khách sạn, giá thuê xe đạp xe máy, giá cước taxi, xe tải… và có kèm theo số điện thoại đường giây nóng bên cạnh để hành khách phản ánh nếu bị thu mức giá cao hơn giá trần.

“Chúng tôi đã quy định giá tối đa, nếu hai bên không ký kết hợp đồng dịch vụ mà hành khách bị thu giá quá mức giá trần thì du khách cứ điện thoại theo số đường dây nóng lực lượng liên ngành chúng tôi sẽ có mặt và xử lý nghiêm dựa trên mức giá trần”, ông Truyền nói.

Nhiều điểm du lịch khác ở Việt Nam cũng nổi tiếng về bệnh “chặt chém”. "Chặt chém" đã thành một đặc trưng đáng xấu hổ, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều du khách chỉ đến Việt Nam một lần rồi không bao giờ có ý định quay lại.

Bạn đã bao giờ lâm vào tình cảnh đó chưa? Cần làm gì để chấm dứt tình trạng “chặt chém”, móc túi khách một cách vô lý như vậy?.

VietNamNet khởi động diễn đàn về "Chặt chém du khách: Nỗi xấu hổ của du lịch Việt".

Bạn hãy chia sẻ câu chuyện, những ý của bạn bằng cách gửi email về địa chỉ vef@vietnamnet.vn hoặc phần thảo luận phía dưới.

Trân trọng cảm ơn.

Vũ Điệp - Lê Anh