Theo Kiểm toán, thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty Vinafood 2 lên tới 79,749 triệu đồng/người/tháng; nhân viên khối văn phòng cũng tới 32,9 triệu đồng/người/tháng.
Lãnh đạo bên Tổng công ty Vinafood 1 cũng không kém cạnh là bao, khi thu nhập tới 56,5 triệu đồng/người/tháng; khối văn phòng cũng hưởng 28,4 triệu đồng/người/tháng.
"Đút túi" xấp xỉ 1 tỷ đồng/sếp/năm, con số quả là trong mơ đối với phần đa đồng bào còn lại, đặc biệt là đối với nông dân.
Người dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa, doanh nghiệp mang sản phẩm từ đồng ruộng quê hương bắn khắp toàn cầu, đó là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi. Nhưng thực tế ai cũng cũng thấy, đằng sau danh hiệu quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đời sống của những người trực tiếp trồng ra danh hiệu ấy còn quá bấp bênh.
Những người thạo tin trong ngành nói rằng, mức thu nhập 1 tỷ đồng/năm tưởng là "ghê", nhưng chỉ tương đương khoảng 50.000 USD, chẳng thấm gì so với tổng thu nhập thực tế. Sự thực có thể là như vậy, nhưng dẫu sao, chỉ riêng “phần nổi của tảng băng chìm” cũng đã khiến người nông dân choáng váng. Nếu tính giá mua lúa khô tại ruộng "xông xênh" khoảng 5.200 đồng/kg, mức lương mỗi sếp như vậy mua được gần 200 tấn lúa.
Thành tích “bét nhè”, thu nhập “khủng”
Việt Nam đứng thứ nhất-thứ nhì về xuất khẩu lúa gạo, nhưng lợi nhuận thì không bao nhiêu và Chính phủ đã cố gắng để bà con có lãi 30%, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, bà con nông dân than gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt giá lúa đang rớt thảm và không bán được mà giá cả vật tư nông nghiệp thì ngày một tăng cao. Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ thu mua và xuất khẩu lương thực rồi hưởng lợi từ người nông dân mà lĩnh đồng lương lớn như vậy thì phải xem lại lương tâm.
Báo cáo Kiểm toán nhà nước dẫn hàng loạt các số liệu xung quanh hoạt động của 2 tổng công ty lương thực. Lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) giảm 113 tỉ đồng. Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) cho một số công ty ứng trước 90% giá trị hợp đồng, nhưng khách hàng chưa hoặc không giao hàng. Vinafood 2 ứng trước 80%-90% giá trị hợp đồng, nhưng chưa ban hành quy chế về ứng vốn cho người bán hàng.
Vinafood 2 đầu tư lĩnh vực bất động sản, vận tải biển không hiệu quả. Vinafood 1 thì tỉ lệ cổ tức được chia trên vốn góp tại các Cty con chỉ đạt 5,31%. Công ty mẹ - Vinafood 1 đầu tư 118,53 tỉ đồng, phải trích lập dự phòng 42,23 tỉ đồng. Vinafood 2 đầu tư chứng khoán của Cty cổ phần vận tải biển Việt Nam 59,5 tỉ đồng, phải trích lập dự phòng 47,7 tỉ đồng và mua cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) 52,57 tỉ đồng, hiện chỉ còn lại 16,64 tỉ đồng theo giá niêm yết.
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra năm 2011, Vinafood 2 bán USD cho các ngân hàng với tỉ giá cao hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc mua bán ngoại tệ thứ ba, cụ thể là bán 259,8 triệu USD cho các ngân hàng thương mại lấy 186,4 triệu EUR, đồng thời bán số EUR này cho VCB lấy VND ngay tại thời điểm nhận để thu được khoản chênh lệch tương đương 189 tỉ đồng.
Nợ phải trả trên tổng nguồn vốn Vinafood 1 là 68%; Vinafood 2 là 65%...
Với “thành tích” này, thu nhập bình quân của lãnh đạo Vinafood 1 là 56,5 triệu đồng/người/tháng. Ngay cả những người ngồi đút chân gầm bàn khối văn phòng cũng hưởng 28,4 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty Vinafood 2 đạt kỷ lục 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng 32,9 triệu đồng/người/tháng.
Mức lương phản cảm với đời sống nông dânPhó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, mức lương mà lãnh đạo tổng công ty nhà nước bị phản ứng là “khủng” và phản cảm với đời sống nông dân. Ông cho rằng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan chủ quản của DN này khi duyệt mức lương từ đầu năm. “Vai trò chủ sở hữu đối với DN nhà nước chính là các bộ ngành chủ quản và liên quan. DN được Nhà nước giao vốn kinh doanh rồi tự đưa ra mức chi lương và bộ ngành gật đầu thì vai trò chủ sở hữu là ở đâu, không thể vô cảm với bà con như vậy”.
ĐBQH Nguyễn Văn Phụng đặt câu hỏi: Không có nông dân thì Vinafood 1 và Vinafood 2 lấy đâu ra nguồn hàng hóa để xuất khẩu, kiếm lời. Theo ông: “Đáng lý ra DN phải chia sẻ với bà con. Người nông dân làm lúa chẳng thể làm nghề khác, dù lỗ cũng phải trồng vì không biết làm việc gì khác”- ông Phụng nói.
(Theo Pháp luật, Lao động)