Sự cố mất điện toàn miền Nam mới đây và tình trạng thiếu điện trong mùa hè này đã khiến các DN, nhà đầu tư lo ngại. Nỗi ám ảnh thiếu điện của những năm trước đang quay trở lại.

Phát biểu tại Diễn đàn DN giữa kỳ năm 2013 mới đây, ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư đang rất lo ngại về nguồn cung năng lượng của Việt Nam. Theo ông Motonobu Sato, năm 2010 việc cắt điện luân phiên đã khiến nhiều DN Nhật Bản bị gián đoạn sản xuất. Một số DN còn bị áp dụng lịch cắt điện 48 giờ mỗi tuần.

Vỡ quy hoạch điện?

Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết, hiện có nhiều dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, không chỉ ở miền Nam. Đáng lẽ một số dự án phải đưa vào vận hành từ năm 2011, song đến nay vẫn đang trong tình trạng xử lý sự cố như: Nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2, Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng tổ máy 2. Bên cạnh đó, cũng theo kế hoạch, dự án nhiệt điện Vũng Áng I, An Khánh I phải hoàn thành trong năm 2012. Tuy nhiên, nếu thuận lợi cũng phải năm 2013 các nhà máy trên mới có thể vận hành được. Nhiều dự án trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng vẫn chưa xác định được chủ đầu tư.

Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, (gọi tắt là Tổng sơ đồ điện 7), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, theo đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt tổng công suất nguồn phát khoảng 75.000 MW và đến năm 2030 khoảng 146.800 MW.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, mục tiêu 75.000 MW điện vào 2020 như Tổng sơ đồ điện 7 đặt ra là hết sức khó khăn. Với tổng công suất nguồn đạt 75.000 MW vào 2020, cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu về điện cho tăng trưởng kinh tế ở mức 6%/ năm. Nếu kinh tế tăng trưởng ở mức cao hơn, từ 7- 8%/năm trở lên và đời sống nhân dân tăng thì đáp ứng không đủ.

{keywords}

Dự tính, đến hết năm 2013, tổng công suất điện của cả nước sẽ đạt khoảng 30.000 MW, như vậy từ 2014 - 2020 bình quân mỗi năm phải đưa vào trên 6.000 MW là điều rất khó thực hiện.

Theo Tổng sơ đồ điện 7, đến 2020, nhiệt điện than sẽ chiếm tới 48% trong tổng công suất, như vậy sẽ cần lượng than là 67,3 triệu tấn/năm và đến 2030, nhiệt điện than khoảng 76.000 MW, chiếm 51,6% sẽ cần 171 triệu tấn than/năm.

Nguồn than cung cấp cho nhiệt điện than là một vấn đề hết sức nan giải. Từ 2015 Việt Nam phải nhập khẩu than, nhưng đến nay nguồn cung chưa được đảm bảo. Trên thế giới các nước có trữ lượng than lớn là CHLB Nga, Ấn Độ, Indonesia, Úc, trong số các nước đó chỉ có Úc và Indonesia có khả năng xuất khẩu, nhưng đến nay họ vẫn chưa trả lời sẽ đảm bảo cho Việt Nam được bao nhiêu và trong thời gian bao lâu.

Trong nước với bể than thuộc Đồng bằng sông Hồng có trữ lượng 200 tỷ tấn, có thể khai thác lò tại 1 số tỉnh như Hà Nam, Thái Bình. Tại Quảng Ninh cũng có thể khai thác thêm 1 tỷ tấn ở mức dưới 100m, nhưng vấn đề quan trọng là nguồn vốn.

Dù nhập khẩu hay mở mỏ tại Việt Nam thì cũng cần vốn lớn. Chẳng hạn, muốn mở mỏ tại Quảng Ninh, thì cần tới 20 mỏ và chi phí mỗi mỏ cũng vào khoảng 300 triệu USD, tốn 6 tỷ USD. Đây là những nguồn vốn lớn khó có thể nào cáng đáng nổi.

Trông chờ năng lượng sạch?

Có nhiều ý kiến cho rằng không nên phát triển thủy điện vì gây ra phá rừng, tác động tới môi trường; nhưng nhiệt điện than cũng gây ra tác hại lớn. Khai thác than cũng gây ra nhiều tai biến môi trường khu vực mỏ và xung quanh, cộng với đó là phát thải 1 lượng khí CO2 lớn vào không khí. Cụ thể, phát 1 tỷ Kwh điện bằng than sẽ cần tới 540.000 tấn than đá và một lượng phát thải khí CO2 hàng năm là 514.000 tấn.

Phát triển điện gió hay mặt trời cũng gặp phải những vấn đề chi phí rất cao. Theo tính toán, điện gió có giá thành 4.000 đồng/Kwh. Tại đảo Phú Quý ( Ninh Thuận) nơi đang sử dụng điện gió thì giá bán cho người dân và DN lên tới 7.000 đồng/Kwh, một số DN tại đây đã phải ngừng hoạt động do chi phí điện quá cao, khiến cho kinh doanh thua lỗ.

Còn điện mặt trời, theo tính toán, chi phí cho nguồn nguyên tố silicium để chế tạo một pin mặt trời mất khoảng 60 USD/kg vào năm 2007 và sẽ tăng lên 67 USD/kg vào năm 2015. Để xây dựng một nhà máy cũng tốn hàng tỷ USD, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, rõ ràng Việt Nam khó có thể tự lực.

Hơn nữa, cũng đừng nghĩ điện gió, mặt trời không gây tác hại tới môi trường. Các phân tích cho thấy, những tấm pin năng lượng mặt trời gốc silic cần nhiều các hóa chất như cadmium, arsenic và silicon tetrachloride. Đây đều là những chất rất độc hại đối với công nhân chế tạo cũng như thẩm thấu vào nguồn nước, khuếch tán vào không khí. Những bộ phận khác được chế tạo bằng

{keywords}
Sự cố từ một cành cây, cả miền Nam mất điện.

Những cánh quạt khổng lồ của điện gió đã trực tiếp giết chết nhiều loài động vật, chủ yếu là chim chóc. Tiếng ồn của các tua bin gió cùng rung động của chúng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân xung quanh. Chưa hết, những cột tháp tua bin gió cũng chiếm rất nhiều diện tích. Do yêu cầu kỹ thuật và an toàn, khoảng cách giữa các tháp tua bin gió phải gấp 5 lần đường kính cánh quạt. Do đó, tính trung bình, để tạo ra một MW phong điện, phải mất tới từ 5 đến 15 hecta đất.

Với thủy điện cũng gây ra những tác động tới môi trường, nhưng có giá thành rẻ nhất chỉ khoảng 5 cent/Kwh, mức giá này sẽ giúp trung hòa với các nguồn phát giá cao, góp phần giảm giá bán điện.

Thủy điện có 2 dạng là thủy điện đường dẫn và thủy điện có tổ máy sau đập. Trong 2 loại này, thủy điện có tổ máy sau đập thân thiện với môi trường hơn bởi chỉ có tác dụng hướng dòng nước vào nhà máy. Lưu lượng nước từ thượng nguồn về bao nhiêu thì được xả về hạ lưu bấy nhiêu.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, phát triển kinh tế chắc chắn sẽ tác động tới môi trường. Nếu vì lợi ích kinh tế mà phá hoại môi trường là không được, ngược lại, vì môi trường mà làm kinh tế kém phát triển cũng không nên và cũng không có chuyện cả 2 cùng tốt được, vì vậy cần có sự thận trọng và cân bằng lợi ích.

Trần Thủy