Đến nay, sau thời gian củng cố chứng cứ cũng như lời khai, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Kiên Giang sắp hoàn tất hồ sơ chuyển viện kiểm sát tỉnh khởi tố vụ án đối với Cao Hướng Thiên (sinh năm 1962, ngụ phường An Bình, thành phố Rạch Giá), giám đốc công ty TNHH Mai Sao có trụ sở tại khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành về hành vi lừa đảo.

Trong khi đó, vị đại gia thủy sản này từng nổi đình dám lại phải mưu sinh bằng nghề bán cà phê, làm thợ hồ … Câu hỏi đặt ra là vì đâu từng là một đại gia trong ngành thủy sản Kiên Giang được nhiều người biết đến, nay ông Thiên phá sản bi đát đến nhường ấy?

Từ trình độ quản lý kém

Hành trình tạo dựng nên công ty của người đàn ông tuổi Nhâm Dần (SN 1962) tên Cao Hướng Thiên đầy gian nan. Sau khi đi bộ đội ở hải quân vùng 3 (Đà Nẵng) trở về quê năm 1983, ông Thiên làm cán bộ căn hóa xã Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An).

Năm 1991, ông Thiên rời quê hương vào làm công nhân viên quốc phòng thuộc bộ đội biên phòng Kiên Giang. Năm 1994, ông nghỉ việc, cùng vợ mua bán hải sản cung cấp cho các nhà máy chế biên. Thấy làm thủy sản ăn nên làm ra, năm 2005, ông đứng ra thành lập công ty Mai Sao.

Hơn hai trăm công nhân công ty Mai Sao lúc ấy sống khá đàng hoàng, thu nhập cao. Ông xây nhà trọ cho công nhân ở, hỗ trợ 50% tiền phòng (200.000 đồng mỗi tháng). Đang làm ăn phất lên, thế nhưng do trình độ quản lý hạn chế, ông dần đi vào ngõ cụt và lao vào cảnh tù tội vì nợ chồng nợ mà không còn khả năng để trả.

{keywords}

Công ty Mai Sao lâm cảnh phá sản nhưng giám đốc Thiên vẫn lập hồ sơ khống vay hơn 41 tỷ đồng.

 

Những ngày này, muốn tìm nhân thân gia đình ông cũng khó. Bởi họ giờ không còn nhà cửa để ở, đi tứ tán hết. Nhưng chuyện về gia đình ông thì nhiều người biết đến, người ta muốn giấu tên, không muốn gặp người lạ kể về ông. Thế nhưng, mọi người khi nhắc đến ông thì thấy đáng thương hơn đáng trách. Vì trước khi lâm vào cảnh nợ nần, tù tội, ông sống rất hiền lành, khiêm tốn, chỉ vì do quản lý kém nên thiếu tiền rồi túng thiếu làm liều.

Vợ ông bị bệnh căng cơ mi mắt, ông là người trực tiếp dẫn đi chữa trị tận Hà Nội, giáo sư Nguyễn Tài Thu giúp châm cứu. Hà Nội đắt đỏ, tốn kém, không có người thân quen, vì thế ông đưa vợ về quê (Diễn Châu, Nghệ An) nhờ "đệ tử" của giáo sư Thu tiếp tục chữa trị.

Ông có ba đứa con, cô con gái đầu đi lấy chồng, người con trai thứ hai và cô con gái út sau khi công ty bị niêm phong đã lên thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm nuôi sống bản thân. Tất cả nhà cửa, đất đai, nhà trọ cho công nhân ở, xe hơi, nhà máy và toàn bộ tài sản đã bị 5 ngân hàng định giá để bán thu hồi nợ.

Theo nhiều người cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phá sản doanh nghiệp của ông Thiên như: khủng hoảng kinh tế thế giới, tất cả chi phí đầu vào đều tăng nhưng đầu ra lại giảm, mà nguyên nhân lớn nhất là do trình độ quản lí của bản thân ông kém, không dự báo và nắm bắt kịp tình hình.

… đến chết vì cá nóc

Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp đáng phải kể đến là do ngân hàng thắt chặt tín dụng và nâng cao lãi suất. Lấy ví dụ, một doanh nghiệp có tổng dư nợ là 50 tỷ với mức lãi suất như thời gian qua thì mỗi năm mất đứt gần 12 tỷ tiền lãi cho ngân hàng. Lãi suất ngân hàng lên đến gần 20% mỗi năm, trong khi lợi nhuận của cá doanh nghiệp thủy sản chỉ ở mức 2 – 3% trên tổng doanh thu.

Lãi suất cao ngất trời nhưng việc tiếp cận nguồn vốn là rất khó khăn. Để đáo hạn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngoài với lãi suất cao làm nợ chồng nợ.

Trong thời gian ông Thiên đưa vợ đi chữa bệnh ngoài Hà Nội, ngân hàng đã tới niêm phong công ty vào ngày 30.12.2011, lúc cận tết. Mọi cố gắng tìm lối ra cho doanh nghiệp bị đóng sập lại từ đó. Hơn 200 công nhân bị buộc phải rời khỏi nhà máy. Ông Thiên nợ ngân hàng tổng số tiền 70 tỷ đồng, nợ nguyên liệu thủy sản với chủ ghe tàu 20 tỷ và vay nóng 30 tỷ.

Cái chết của công ty ông Thiên là do nợ chồng nợ, lãi suất chồng lãi xuất. Để đáo hạn ngân hàng, ông Thiên phải đi vay tổng cộng 30 tỷ đồng tín dụng đen với lãi xuất cực cao. Cứ 1 tỷ đồng mỗi ngày phải trả lãi 5 triệu, mỗi tháng mất đứt 150 triệu, mỗi năm bay 1,8 tỷ. Với 30 tỷ đồng, tiền lãi mỗi năm sẽ là 54 tỷ.

Không chỉ chết vì lãi suất, công ty Mai Sao còn chết vì … cá nóc. Mai Sao là doanh nghiệp duy nhất tại Kiên Giang thực hiện thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc qua Hàn Quốc theo chương trình thí điểm của Bộ NN&PTNT từ đầu năm 2010.

Tuy nhiên, đơn vị nhập khẩu là công ty Korea Poseidon Seafood (Hàn Quốc) chỉ mua duy nhất một lô hàng 22,7 tấn rồi sau đó dừng hợp đồng mà không rõ lý do. UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản khẩn gửi bộ NN&PTNT đề nghị phía công ty của Hàn Quốc thực hiện đúng cam kết nhưng đã không có sự hồi âm nào và cũng chẳng ai chịu trách nhiệm. Hậu quả, công ty Mai Sao thiệt hại gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn vay và lãi suất để thực hiện dự án.

… và phá sản

Năm 2005, công ty Mai Sao được thành lập với ngành nghề kinh doanh, chế biến bảo quản, buôn bán, xuất nhập khẩu thủy sản, đến năm 2011 thì tuyên bố phá sản.

Qua kiểm tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang xác định: năm 2009, công ty báo cáo với cơ quan thuế lãi hơn 500 triệu đồng nhưng báo với các ngân hàng lãi hơn 2 tỷ; năm 2010, báo với ngành thuế lỗ hơn 1 tỷ nhưng với các ngân hàng lại nổ là “lãi hơn 8 tỷ đồng”. Đến quý 3 năm 2011, công ty ngưng hoạt động nhưng ông Thiên vẫn báo với ngân hàng lãi hơn 8 tỷ...

Với thủ đoạn trên cùng sự thiếu kiểm tra của cán bộ ngân hàng, Thiên tiếp tục được vay hàng chục tỷ đồng. Từ tháng 8.2011, với tư cách giám đốc công ty, Thiên ký nhiều hợp đồng vay vốn theo hạn mức với Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) ngoại thương chi nhánh Kiên Giang, mỗi hợp đồng từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng.

Trong bốn tháng (từ tháng 8 đến tháng 12.2011), tổng số tiền Thiên được giải ngân lên đến hơn 34 tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng 7,7 tỷ mua nguyên liệu. Trong khoảng thời gian trên, Thiên ký 12 hợp đồng vay vốn từ 1 đến 3 tỷ đồng với Ngân hàng đầu tư và phát triển Kiên Giang, nhận vay hơn 15 tỷ đồng để sản xuất nhưng số tiền sử dụng đúng mục đích chỉ có 2 tỷ.

Vay nhiều nhưng không sản xuất, Công ty Mai Sao lâm cảnh nợ nần chồng chất. Thiên tìm đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Kiên Giang tiếp tục ký hợp đồng thế chấp tài sản là hàng hóa tồn kho, luân chuyển thủy hải sản các loại. Ban đầu, giá trị số hàng tồn được xác định là 2,8 tỷ đồng, nhưng sau nhiều lần ký phụ lục hợp đồng tách kho, đã nâng lên gần 13 tỷ, Thiên được vay gần 3 tỷ.

Khi không đủ năng lực tài chính để kinh doanh sản xuất, Thiên đề nghị được giải cứu. Kiểm tra tổng giá trị hàng tồn kho của Thiên chỉ khoảng 20 tỷ đồng nhưng được thế chấp vay các ngân hàng hơn 41 tỷ, cơ quan chức năng bán số hàng trên thì giá trị thực tại thời điểm đó chỉ hơn 1 tỷ.

Dù nắm trong tay số tiền bạc tỷ, thế nhưng sau khi sa cơ, ông Thiên cũng làm đủ nghề kiếm sống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian bị cơ quan chức năng niêm phong nhà xưởng, công ty, ông Thiên đến trú ngụ tại nhà một người bạn thân. Tại đây, ông làm đủ nghề để sinh sống, kể cả bán cà phê vỉa hè, làm thợ hồ.

Tại cơ quan điều tra, Thiên thừa nhận số tiền vay ngân hàng dùng vào việc trả lương công nhân, điện, nước và tiền vay nóng bên ngoài. Cụ thể, công ty vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Kiên Giang hơn 34 tỷ đồng nhưng trả vay nóng bên ngoài đến 21 tỷ vay Ngân hàng đầu tư và phát triển Kiên Giang hơn 15 tỷ đồng, trả nợ vay nóng 7 tỷ. Bên cạnh đó, Thiên còn tận dụng mối quan hệ trong kinh doanh, nhận của Công ty Tài Phát 920 triệu đồng nhưng không thanh toán...

Ngoài ra, theo lời khai của bà Nguyễn Thị Vân, từ tháng 10 đến tháng 12.2011 bà đã nhiều lần cho Thiên vay tiền, tổng số lên đến 11,5 tỷ đồng, lãi suất 5%/tháng. Từ thời điểm vay đến ngày Thiên bị bắt, vị giám đốc này không thanh toán số tiền trên. Với bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Thiên thừa nhận đã trả lãi và vốn nhưng vẫn còn nợ hơn 20 tỷ. Hiện đối tượng còn nợ thuế 133 triệu đồng, nợ lương công nhân viên và tiền bảo hiểm gần 100 triệu...

Rồi đây, đại gia thủy sản Kiên Giang Cao Hướng Thiên phải ra trước tòa để nhận mức án tương xứng mà ông đã gây ra. Thế nhưng cũng thừa nhận một điều, làm kinh doanh thời điểm này không phải dễ nhất là khi trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp khi muốn bơi ra biển lớn cần phải hội đủ nhiều yếu tố, trong đó vấn đề trình độ quản lý phải được đặt lên hàng đầu.

(Theo Hôn nhân & Pháp luật)