Lúc kinh tế khó khăn, những giải pháp, chương trình hỗ trợ được trông đợi là động lực thúc đẩy từng DN, ngành nghề và cả nền kinh tế vượt lên. Tuy nhiên, việc thực thi chậm trễ khiến những hy vọng đang dần chuyển thành thất vọng. Những gói hỗ trợ lớn được tuyên bố ồn ào nhưng triển khai không như mong đợi được ví là “có tiếng nhưng chưa thấy miếng”, chẳng khác nào những gói hỗ trợ treo.
Hơn 1 tuần qua, người dân, DN rất trông đợi gói 30 ngàn tỷ, lãi suất 6% dành cho nhà ở xã hội. Rất nhiều người thu nhập thấp hy vọng đây là cơ hội vay vốn mua được nhà nên ngay sau khi NH tuyên bố triển khai rầm rộ đã vội lao đến NH đề hỏi vay vốn.
Nhưng càng hy vọng nhiều thì càng thất vọng lớn khi các NH đều lắc đầu từ chối: Chưa thể cho vay. Điều này trái ngược hoàn toàn với những công bố rầm rộ và cam kết cho vay thuận lợi mà lãnh đạo các NH đưa ra trước đó.
Các chi nhánh NH giải thích, chưa có hướng dẫn nên chưa triển khai được và phải chờ 1 – 2 tháng nữa. Trong khi đó, lãnh đạo các NH lớn cho biết, tiền không thiếu, các nghiệp vụ cho vay thì có sẵn nhưng vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể hơn về từ NHNN và Bộ Xây dựng.
Chuyên gia từ NHNNN cho biết, điểm vướng nhất là công bố cho vay nhưng chưa biết cho vay vào đâu. Bởi cho đến nay vẫn chưa có danh sách các dự án, công trình nhà xã hội thuộc diện cho vay. Đây là gói hỗ trợ nên các NH phải thận trọng. Chưa có danh sách dự án được cho vay thì tiền vẫn nằm trong kho.
Mỗi nơi một lý do nhưng rốt cuộc là người dân và DN chưa thể vay tiền. Gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ vẫn mới là một lời rao, “món quà” ai cũng nghĩ có phần nhưng rất khó đến gần.
Tình trạng gói cho vay 30 ngàn tỷ dành cho BĐS hiện nay gần giống việc cho vay 9.000 tỷ dành cho cá tra năm ngoái. Đây là gói hỗ trợ lớn đầu tiên dành cho một ngành hàng trong thời điểm kinh tế khó khăn. Thông tin về gói hỗ trợ khiến cho các DN đang thiếu vốn, nợ nần; những hộ nông dân túng quẫn và treo ao hy vọng sẽ giúp họ vượt qua cơn bĩ cực.
Trông đợi và hy vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu. Cho đến 2 – 3 tháng sau, khi hỏi vay thì các NH đều lắc đầu vì chưa có hướng dẫn. Chờ đợi mãi, khi các NH đã bắt đầu cho vay thì người dân và DN đã không còn mấy mặn mà. Chính vì bị treo quá dài khiến không ít người dân, DN chán nản, ý nghĩa của việc hỗ trợ đã giảm đi nhiều
Cuối năm 2012, báo cáo của Bộ NN và PTNT cho biết, theo thông báo của NHNN, 9 tháng đầu năm 2012, đối với hoạt động nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản Khu vực ĐBSCL đạt trên 38.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cả người nuôi và DN nơi đây đang rơi vào thảm cảnh nông dân treo ao đầm, doanh nghiệp sống ngắc ngoải… vì thiếu vốn và nợ.
Không chỉ có chuyện vay vốn, ngay cả việc hoàn thuế để hỗ trợ kinh doanh cũng khiến nhiều DN gặp không ít rắc rối. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, một số DN hoặc ngành nghề được hỗ trợ bằng cách giảm VAT.
Nói là miễn giảm nhưng thuế vì vẫn phải nộp ngay sau khi phát sinh giao dịch còn việc hoàn thuế phải chờ đến kỳ, đến hạn với rất nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp nên để được hoàn thuế các DN phải rất vất vả, tốn kém thời gian và công sức. Thậm chí, có DN theo các điều kiện xác định mình được hoàn thuế nhưng cuối cùng lại bị từ chối vì đủ lý do…
Chính vì thế, tại điễn đàn Quốc hội mới đây rất nhiều Đại biểu là doanh nhân cho rằng, đây không còn là thời điểm kêu ca về những khó khăn vì chuyện đó nói mãi và ai cũng biết rồi. Điều họ mong đợi và cần đề cập chính là đưa các giải pháp và quan trọng nhất là thực thi các giải pháp. Bởi vì, DN và nền kinh tế đã rất khó khăn, không cho phép sự chậm trễ và chờ đợi.
Ngay tại Diễn đàn DN trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, rất nhiều tổ chức tư vấn quốc, đại diện DN cho rằng: Thay vì đưa ra các lời hứa về các giải pháp, nền kinh tế cần thấy những hành động triển khai trên thực tế.
Tình trạng suy giảm kinh tế, sự kém cạnh tranh của môi trường đầu tư… đã phần nào khiến lòng tin của cộng đồng DN và các nhà đầu tư vào Việt Nam giảm sút. Chính vì thế, DN cần thấy nhiều thay đổi, cải tổ hơn nữa. Thay vì nói, nghĩ về các giải pháp và đưa ra các lời hứa các DN muốn nhìn thấy những hành động thực tế để giải quyết những vấn đề gây khó khăn nhất cho DN và nền kinh tế hiện nay. .
Trong tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với khó khăn nhưng với những gì đã diễn ra trong giai đoạn vừa qua, các chuyên gia, các nhà tư vấn nhấn mạnh rằng, đây là thời điểm đưa các chương trình, lời hứa vào hành động thực tế một cách quyết liệt nhất để thúc đẩy kinh tế phát triển. Cộng đồng DN muốn nhìn thấy sự tiến triển liên tục, rõ ràng với những lời hứa đã đề ra. Điều đó sẽ mang lại sức sống cho nền kinh tế Việt Nam.
Lê Khắc