Huy động vốn trong thời kỳ khủng hoảng rất khó nhưng với việc phát hành cổ phiếu ESOP nhiều DN đã cùng lúc đạt nhiều mục tiêu khác nhau.
Dễ dàng huy động cả trăm tỷ
Ma San (MSN) vừa cho biết đã phân phối 17,86 triệu cổ phiếu trong số 20 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành trước đó cho 28 người lao động. Sau đợt phát hành tổng số cổ phiếu của tập đoàn tăng từ 687,2 triệu cổ phần lên 705,1 triệu cổ phần.
Mặc dù tỷ trọng là không lớn (chưa tới 3%), nhưng sau đợt phát hành MSN đã thu về thêm gần 180 tỷ đồng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đây là một con số mơ ước đối với rất nhiều DN trong bối cảnh tín dụng NH tăng trưởng rất thấp, chưa tới 2,3% trong 5 tháng đầu năm.
Gần đây, Thuỷ sản Minh Phú (MPC) phải đưa ra quyết định rời sàn để có thể huy động được một lượng tiền lớn từ NĐT ngoại; Fecon (FCN) ế gần toàn bộ số cổ phần phát hành thêm và lỗ chi phí phát hành; Thủy điện ĐăkR’tih và Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi đấu giá cổ phần bất thành; AVF và THV phải hoãn tăng vốn; và trước đó là PVA ế cổ phiếu…
Trên thực tế, nếu so sánh với quy mô, con số vốn tăng thêm thông qua ESOP của MSN là nhỏ nhưng không hề ít trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đói vốn như hiện nay. Nhiều DN có tên tuổi, có lịch sử hoạt động hàng chục năm trời cũng có thể bị thâu tóm với một lượng tiền như vậy.
Gần đây, không ít đại gia cũng đã chứng minh khả năng huy động vốn rất tốt của mình thông qua một hình thức hấp dẫn là phát hành cổ phiếu ESOP. Có thể kể ra như SSI thu về gần 12 tỷ đồng, ABT 5 tỷ, FPT 13,5 tỷ…
Nhiều DN cũng đã lên kể hoạch thu tiền từ ESOP với khả năng thành công gần như chắc chắn nếu được thông qua như: HVG (12 tỷ), STB (320 tỷ), QNS (46 tỷ), ITA (20 tỷ), SBT (65,7 tỷ), SEC (hơn 7 tỷ đồng)…
Mũi tên trúng nhiều đích?
Trên thế giới, ESOP đã được sử dụng từ rất lâu, cách đây vài thập kỷ. Nó được sử như một công cụ trao quyền sở hữu công ty cho đội ngũ làm việc. Ở TTCK Việt Nam, ESOP cũng đã được một số DN áp dụng từ vài năm nay như FPT, SSI… Tuy nhiên, hình thức phân phối ESOP có nhiều điểm khác với thế giới. DN phát hành đôi khi hướng tới vài ba mục đích.
Theo lý thuyết, ESOP giống tương tự như một kế hoạch chia sẻ lợi nhuận cho người lao động. DN lập một quỹ tín thác và đóng góp vào quỹ này cổ phiếu mới hoặc tiền mặt để mua lại cổ phiếu đã phát hành của chính DN; hoặc DN để mua cổ phần đã hoặc sắp phát hành của công ty, sau đó, công ty sẽ đóng góp tiền mặt từ lợi nhuận để bù đắp các khoản này.
Mục tiêu của ESOP là thưởng và động viên đội ngũ nhân viên trong công ty. Trong nhiều trường hợp, ESOP là phần thưởng được trao cho các nhân viên xứng đáng và người nhân viên được sở hữu ESOP mà không phải trả bất kỳ khoản tiền nào cho công ty.
Tuy nhiên, gần đây ESOP trên TTCK có hơi hướng giống việc phát hành cổ phiếu ưu đãi (thường bằng mệnh giá và thấp hơn thị giá khá nhiều) cho một nhóm đối tượng. Nó có nét giống với một hình thức huy động vốn.
Như vậy, thông qua ESOP, nhiều DN ở Việt Nam đang đạt được mục đích tăng vốn, thu tiền về để mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Mục đích tiếp theo, như đã nói ở trên và được công bố trong hầu hết các thông báo của các DN, ESOP là để thu hút và giữ chân người lao động. Điều này là khá rõ ràng bởi cổ phiếu ESOP được bán ra với giá ưu đãi, chỉ bằng 10 cho tới vài chục phần trăm so với giá giao dịch trên thị trường.
Có thể thấy, với hai mục đích nói trên, việc phát hành cổ phiếu ESOP xem ra rất có lợi cho DN, cho cổ đông. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là tại sao có nhiều cổ đông lại đang dị ứng với công cụ nói trên? Nhiều cổ đông không nhìn nhận khía cạnh tốt của ESOP mà đón nhận thông tin một cách bất bình, thậm chí nhanh chóng bán cổ phiếu đang nắm giữ.
Có trường hợp gần đây, không biết có phải ngẫu nhiên hay không, cổ phiếu giảm giá cả vài chục phần trăm sau khi DN công bố thông tin phát hành ESOP.
Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ, bản chất của các chương trình này là gì? Ai hưởng lợi từ các chương trình ESOP? Lợi ích của các nhóm cổ đông có khác nhau hay không? Cán cân quyền lợi cổ đông và người làm công như thế nào? Vụ phân phối cổ phiếu ESOP của MSN gần đây có lẽ khiến cho vấn đề này trở nên tranh cãi hơn.
Mạnh Hà