- Mùa đại hội cổ đông năm nay gặp rất nhiều trục trặc. Nhiều đại hội bị hoãn đi hoãn lại, lùi rồi lại lùi tiếp, thậm chí vẫn chưa thể diễn ra. Lỗi được đổ cho khách quan, do khúc mắc giữa các cổ đông lớn nhưng trên hết có lẽ là tâm lý mặc kệ của đa số cổ đông nhỏ lẻ.

Chậm, hoãn, bất thành

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT) vừa thông báo dời ngày tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2013 sang ngày 9/8, thay vì ngày 26/6 như kế hoạch trước đó. Lý do được đưa ra là cần có thời gian để công tác chuẩn bị được chu đáo hơn, đảm bảo các quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

Nếu như thông tin trì hoãn dài ngày như trên được đưa ra trong vài năm trước khi TTCK sôi động thì đây sẽ là một vấn đề lớn, được bàn luận xôn xao. Nhưng với FBT lần này, thông tin không mấy thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi chuyện chậm, hoãn, hủy đại hội cổ đông giờ đây khá bình thường. Hơn thế, FBT đã bị hủy niêm yết từ ngày 14/6 vừa qua nên giờ đây họp hay không họp có lẽ không còn được quan tâm và là “chuyện của doanh nghiệp”.

Với FBT, đại hội bị hoãn có thể là do nguyên nhân khách quan cần có thời gian chuẩn bị nhưng với rất nhiều đại hội thất bại là do không đủ người tham dự, thiếu một vài cổ đông lớn hoặc thiếu trầm trọng các cổ đông nhỏ lẻ - chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong doanh nghiệp nhưng không tham gia đại hội.

{keywords}

Ở một số trường hợp, sự thất bại trong việc tổ chức ĐHCĐ lại do một số cổ đông lớn vắng mặt (ảnh minh họa - capnuocgiadinh)

Trường hợp Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) là một ví dụ. Phải đến lần thứ 3, đại hội cổ đông của doanh nghiệp này mới có đủ tỷ lệ 51% số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Trước đó, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA), CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí - IDICO (PXL)... cũng phải tổ chức ĐHCĐ lần thứ ba mới thành công.

Trong hai lần trước đó, PLX đã không thể tổ chức đại hội do số lượng cổ đông tham dự khá ít, chỉ quanh quẩn con số 26%.

Với ICG, hiện tượng ĐHCĐ bất thành trong những lần đầu đã thành thông lệ. Giải thích cho hiện tượng này, ICG cho rằng, tỷ lệ cổ đông tham dự quá thấp có thể do nhiều NĐT khi đầu tư vào cổ phiếu chỉ với mục đích lướt sóng, mà không quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp. Điều này có thể đúng bởi chất lượng NĐT trên TTCK chưa cao và đây cũng là một trong những nội dung trong đề án tái cơ cấu TTCK của các cơ quan quản lý.

Ở một số trường hợp, sự thất bại lại là do một số cổ đông lớn vắng mặt.

Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) hôm 9/5 cho biết, ĐHCĐ lần 1 thất bại do số lượng cổ đông tham dự chỉ đạt trên 52%, trong khi theo quy định phải đạt tối thiểu 65% do vắng nhiều cổ đông lớn.

Trước đó, ĐHCĐ thường niên của một doanh nghiệp khá nổi tiếng trên TTCK là Công ty Cổ Phần Bibica (BBC) cũng đã thất bại do “thiếu một vài cổ đông lớn”, trong đó có CTCK SSI. Đại hội đã buộc phải lùi tới cuối tháng 6 và xin lỗi gần 100 cổ đông đã bỏ thời gian tham dự.

Đại hội cổ đông: Sân chơi cho các ông lớn?

Trong trường hợp của Ngân hàng Đại Á và Bibica, đại hội thất bại là do một số cổ đông lớn sở hữu một tỷ lệ lớn cổ phần không tham gia đại hội.

Lý do sau đó đã được các đưa ra, như trong trường hợp SSI, ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch SSI) nắm giữ hơn 26% BBC cho rằng, SSI không tham dự đại hội là do BBC “chưa chuẩn bị đủ tài liệu đại hội cổ đông”.

{keywords}
(ảnh minh họa - vietstock)

Trên thực tế, giữa BBC và cổ đông ngoại lớn Lotte đang có mâu thuẫn lớn khi các thành viên HĐQT và ban lãnh đạo còn không tin tưởng lẫn nhau và muốn một bên thứ ba độc lập kiểm phiếu. SSI cũng là một cổ đông lớn nhưng nếu có tham dự thì đại hội có thể cũng không đi đến đâu, có lẽ chỉ để “xem cãi nhau”.

Trong khi đó, với Đại Á, đại diện của ngân hàng này cho biết, một số cổ đông lớn không tham dự đại hội với lý do chương trình nghị sự không bầu bổ sung HĐQT và BKS. Vấn đề bổ sung nhân sự phải chờ sự chấp thuận của NHNN.

Tranh cãi về các khúc mắc giữa các cổ đông lớn là bình thường. Đại hội là nơi để các cổ đông bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến và bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, đó là những gì xảy ra ở những doanh nghiệp mà tương quan giữa các bên còn tương đối cân bằng.

Trong khi đó, ở nhiều doanh nghiệp, cổ đông lớn nghiêng về một bên trong khi các cổ đông nhỏ (cũng chiếm một tỷ lệ lớn) nhưng quan hệ với nhau lỏng lẻo cùng với tâm lý bất cần khiến cho lợi ích của chính họ không được đảm bảo.Nhiều vấn đề nóng bỏng, có ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp và gây tranh cãi dữ dội. Tuy nhiên, rốt cuộc đâu vẫn vào đó. Cổ đông nhỏ lẻ gần như không có vai trò gì bởi tính liên kết kém. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức ĐHCĐ âm thầm lặng lẽ bằng các chiêu trò như chậm, hoãn, tổ chức ở xa... nhằm tránh sự căng thẳng trong các vấn đề nhạy cảm mà một nhóm lợi ích trong ban lãnh đạo đã lựa chọn.

Gần đây, có doanh nghiệp không mời các cổ đông vốn từ 1.000 cổ phiếu trở xuống cho dù khối lượng các cổ đông này rất lớn. Chung cuộc với tỷ lệ nắm giữ khoảng 28% nhưng một nhóm lợi ích này đã léo lái đại hội thông qua tất cả các tờ trình cho dù còn rất nhiều vấn đề được một số cổ đông chất vấn gay gắt.

Trên thực tế, mùa ĐHCĐ năm nay ở nhiều doanh nghiệp chứng kiến cảnh rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ không đi họp và dẫn tới tình trạng, chậm, hoãn, hủy, thất bại. Nhiều lãnh đạo cho rằng, đây là lỗi của các cổ đông nhỏ lẻ. Các cổ đông này không “hợp tác” gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm doanh nghiệp phải chi phí nhiều...

Kết luận nói trên có thể là đúng. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn có thể thấy, nhiều cổ đông nhỏ lẻ cho biết, vai trò của họ trong doanh nghiệp rất mờ nhạt, đặc biệt trong các doanh nghiệp có nhóm lợi ích chi phối. Việc họ có tham gia hay không gần như không ảnh hưởng gì tới doanh nghiệp. Trong đại hội, cổ đông nhỏ tham gia góp ý cũng như “đá ném ao bèo”. Do vậy, với nhiều người, có lẽ lựa chọn tốt nhất là mua cổ phiếu nếu cảm thấy “được” và bán ngay (thậm chí cắt lỗ) nếu nhóm cổ đông lớn lèo lái doanh nghiệp theo lợi ích riêng của họ. Tất nhiên, làm như vậy, phần thiệt chắc chắn nghiêng về cổ đông nhỏ nhưng rõ ràng họ không có lựa chọn nào khác.

Huấn Tú