- Giảm trần lãi suất tiền gửi có thể tạo ra một cú hích cho tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ là một cú hích nhỏ tới nền kinh tế. Việc quan trọng là cần giải quyết nợ xấu ngân hàng.

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ 28/6/2013, trần lãi suất huy động áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1- 6 tháng giảm từ 7,5% xuống 7%. Quyết định này nhận được rất nhiều đánh giá tích cực của giới chuyên môn.

Nhận xét về động thái mới nhất này của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này phản ánh nỗ lực nới lỏng các điều kiện tín dụng, thúc đẩy cho vay, hỗ trợ cho tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng việc giảm trần lãi suất tiền gửi sẽ giúp đẩy lãi suất cho vay hạ, cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế.

Tuy nhiên các ý kiến cũng lo ngại, việc giảm trần lãi suất tiền gửi có thể tạo ra một cú hích cho tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ là một cú hích nhỏ tới nền kinh tế. Việc làm ý nghĩa hơn là những cải cách nhằm giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nâng cao mức độ hiệu quả của các doanh nghiệp.

Hai vấn đề lớn vướng nhất hiện nay trong việc khơi thông tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng là nợ xấu và hàng tồn kho vẫn chưa xử lý được. 

{keywords} 

Theo các chuyên gia, nợ xấu của hệ thống ngân hàng, theo báo cáo đến cuối tháng 5/2013 còn 4,65%, tương đương với khoảng 140.000 tỷ đồng, bên cạnh đó còn khoảng 270.000 tỷ đồng đã được cơ cấu nợ (theo Quyết định 780), tương ứng 10% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu không có chính sách này, khoảng 10% nợ đã thành nợ xấu. Thời gian qua, các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 70.000 tỷ đồng để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nợ xấu chưa được xử lý triệt để, nó vẫn không thu hồi được, mà thực chất chỉ chuyển trên sổ sách. Như vậy, hiện có gần 500.000 tỷ đồng nợ xấu vẫn tồn tại trong nền kinh tế.

Khi không giải quyết được số nợ này thì việc khơi thông vốn cho nền kinh tế khó thành hiện thực, bởi DN vướng phải nợ xấu sẽ khó có thể được ngân hàng tiếp tục cho vay vốn. Bên cạnh đó tài sản đảm bảo các khoản vay cũng nằm hết tại ngân hàng, vì vậy nhiều DN không còn tìm đâu ra tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp tục vay vốn.

Lý do quan trọng nữa hiện nay đầu ra của các DN không có. Tổng cầu yếu khiến cho sản xuất đình đốn, không có đầu ra và nhu cầu về vốn thấp. Theo tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm, sức cầu vẫn yếu ớt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá cả chỉ tăng 4,8%, một mức tăng rất thấp, chưa bằng một nửa so với bình quân nhiều năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2013 tăng thấp đạt 0,05% sau mức giảm nhẹ trong tháng trước. Như vậy, CPI 6 tháng 2013 chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2012 là mức tăng thấp, biểu hiện thắt chặt chi tiêu của người dân.

Trên thực tế, thời gian qua lãi suất cho vay đã hạ đáng kể, giúp cho các DN có điều kiện tiệp cận vốn dễ dàng hơn, tuy nhiên vấn đề không còn phụ thuộc vào lãi suất nữa. Với các DN điều họ cần nhất bây giờ chính là đầu ra, nhưng sức mua của thị trường yếu khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cải thiện, kéo theo nhu cầu vay vốn giảm.

Theo ông Đặng Quang Huy, một chủ DN sản xuất đồ nhựa gia dụng tại quận Bình Tân ( Tp Hồ Chí Minh) thì thời gian này hầu như tuần nào cũng nhận được lời chào mời vay vốn của nhân viên các ngân hàng. Nhưng hàng hóa bán chậm, đâu dám mở rộng sản xuất nên chẳng biết vay tiền để làm gì.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết hầu hết các DN không mở rộng được thị trường trong thời điểm hiện nay. Nhiều DN đủ điều kiện cũng chẳng dám vay vốn vì hàng tồn kho nhiều, không tiêu thụ được, do vậy, họ phải co cụm lại và chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có là chính.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội (TP.HCM) cho rằng, hiện có nhiều DN hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 8-9%/năm nhưng lại không có nhu cầu vay, điều này cho thấy, DN đã bị yếu đi rất nhiều, không có khả năng hấp thụ vốn nữa.

Không những thế, về phía ngân hàng đã khẳng định rõ ràng, không hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay. Các khoản vay phải có dự án hiệu quả, có tài sản đảm bảo, có khả năng thu hồi... Với các tiêu chuẩn này, đến nay rất ít các DN có đủ điều kiện vay vốn. Các ngân hàng cho biết dù muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không thể "nhắm mắt cho vay" trong bối cảnh hiện nay.

"Chúng tôi chỉ ưu tiên mức giảm cho những DN có xếp hạng tín dụng tốt, song do sức khoẻ DN đang xuống cấp trầm trọng, số DN xếp hạng tốt đã giảm mạnh", giám đốc một ngân hàng nói. Một số ngân hàng cho biết, thời gian qua tập trung rót vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, song nợ xấu trong các lĩnh vực này đang bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh. Tồn kho thủy sản, tồn kho lương thực... đang tăng cao, không những thế giá tồn kho cao hơn giá thị trường.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,5% đến 7,8% trong 6 tháng đầu năm như vậy tiền gửi chủ yếu vẫn nằm trong ngân hàng, chưa đến được sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay mới đạt 3%, nếu tính cả yếu tố lạm phát thì vẫn đang ở mức âm.

Giải quyết tốt nợ xấu, tăng tiêu dùng tăng, sản xuất mới có thể tăng lên. Nếu không lãi suất cho vay có hạ xuống 0% thì cũng khó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trần Thủy