Sự lên xuống của nhiều cổ phiếu và thị trường có liên quan mật thiết tới dòng vốn ngoại vào ra. Có lúc kỳ vọng rất lớn khiến chứng khoán Việt Nam vào tốp nóng nhất thế giới, nhưng có thời điểm vốn ngoại bị rút ra khiến chỉ số VN-Index rớt mạnh.

Hồi hộp soi khối ngoại

Sau rất nhiều phiên bán ròng, ngày 2/7 khối ngoại gia tăng mua vào khiến nhiều mã blue-chips tăng mạnh.

TTCK tập trung bất ngờ hồi phục mạnh nhất trong một tháng qua lên mức 490 điểm sau khi giới đầu tư nhận thấy khối ngoại giải ngân rất mạnh vào nhiều cổ phiếu, đặc biệt sau khi thị trường đón nhận thông tin quỹ TPG Growth của Mỹ sẽ chi 50 triệu USD mua 49% cổ phần của Hoa Mười Giờ từ Masan Consumer.

Cổ phiếu PPC đang từ giảm 100 đồng đầu giờ, cuối phiên tăng 900 đồng lên 24.600 đồng/cp; MSN cũng nhanh chóng tăng 3.500 đồng (+4%) lên 95.000 đồng/cp. Các mã HPG, PVD, GAS, BVH đều tăng ấn tượng.

Chung cuộc, VN-Index tăng gần 10 điểm (+2,04%) lên sát 490 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số này trong hớn 1 tháng qua. HNX-Index cũng tăng hơn 1,1% lên 63,2 điểm với đa số cổ phiếu tăng giá.

{keywords} 

Chứng khoán quay đầu tăng khá mạnh còn được hỗ trợ bởi thông tin khá tích cực về số lượng nhà đầu tư ngoại gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm với con số cụ thể là 370 mã, tăng 70% so với cùng kỳ. Tính đến nay, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 16.371 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 2.102 nhà đầu tư tổ chức và 14.269 nhà đầu tư cá nhân.

Phiên tăng điểm 2/7 khá tích cực bởi giá trị giao dịch cho dù vẫn ở mức thấp nhưng đã cải thiện tương đối. Tuy nhiên, cũng như các biến động trước đó, sự tăng giảm của thị trường phụ thuộc khá lớn vào khối ngoại. Trong khi hiện tượng mua bán cổ phiếu của khối này không ổn định. Gần đây, khối ngoại tăng bán và giảm mua đã khiến TTCK liên tục tụt giảm.

Đợt bán mạnh trong cả tháng 6 vừa qua đã khiến những kỳ vọng rất lớn vào một con sóng chứng khoán tăng giá nhờ khối ngoại tan dần.

Gần nhất, trong phiên giao dịch ngày 1/7, khối ngoại vẫn còn đang bán ròng hơn 19 tỷ đồng với giao dịch mua vào giảm 35% trong khi giao dịch bán ra tăng 20%.

Trước đó, trong tháng 6, khối ngoại đã bán ròng 1.770 tỷ đồng - mức bán ròng lớn nhất trong 17 tháng trước đó, đánh dấu sự chấm dứt mua ròng liên tục trong nhiều tháng liên tục đầu năm, vốn góp phần rất lớn vào sự phục hồi từ 10-20% trên cả hai chứng khoán Hà Nội và TP.HCM.

Hiện tượng khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong tháng 6 được các CTCK giải thích với nhiều lý do nhưng chủ yếu là do các quỹ ETF liên tục bị rút vốn và lượng chứng chỉ quỹ sụt giảm. Ngoài ra, tháng 6 cũng là tháng định kỳ để các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục và trong lần điều chỉnh này, xu hướng bán có chiều hướng lấn lướt hơn so với chiều mua.

Không chỉ quỹ ETF, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang thoái vốn tại các doanh nghiệp trong nước. Gần đây, nghị quyết cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2013 của Công ty cổ phần Bourbon Bến Lức (BBL) cho thấy, trong năm 2013, Bourbon (Pháp) sẽ thực hiện thương vụ chuyển nhượng gần 10,4 triệu cổ phiếu BBL (tương đương 99,78%) cổ phần cho một doanh nghiệp Việt là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hiệp Quang.

Trước đó, Quỹ Cân bằng Prudential BF1 (PRUBF1) được cấp phép hoạt động trong 7 năm cho biết đã lên phương án giải thể quỹ, trả tiền nhà đầu tư vào tháng 10/2013 sau hủy niêm yết (dự kiến vào đầu tháng 9/2013). Công ty sẽ thanh lý toàn bộ tài sản của quỹ theo hình thức thỏa thuận và khớp lệnh trên TTCK.

Trên thị trường OTC, nhiều quỹ ngoại cũng đang chốt lời trong nhiều thương vụ như: Mekong Capital bán 6,7% tại Thế giới Di động, thu lời gấp 11 lần vốn ban đầu; hay cuối năm 2011 VinaCapital rao bán 50% cổ phần khách sạn Metropole Hà Nội với giá trị sổ sách là 58,7 triệu USD...

{keywords}

Dòng vốn ngoại tăng hay giảm?

Những con số về NĐT ngoại mà VSD vừa đưa ra là khá tích cực. Số lượng NĐT ngoại quan tâm tới Việt Nam đang gia tăng. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, với mức độ qua tâm của khối ngoại như thời gian qua, dòng tiền từ khối này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo đó, giá cổ phiếu ở TTCK Việt Nam được đánh giá ở mức hấp dẫn hơn so với khu vực. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đang tính tới phương án nới room cho các NĐT nước ngoài. Những chuyển biến về vĩ mô bao gồm: lạm phát ổn định, tỷ giá không tăng mạnh, FDI giải ngân vẫn khá lớn… là những yếu tố khiến dòng tiền ngoại còn vào chứng khoán.

Cú nới tỷ giá thêm 1% từ 28/6 vừa qua, cũng được cho là một thông tin tốt hỗ trợ cho vốn ngoại vào chứng khoán. Theo đó, với một đồng USD mạnh hơn, nhiều NĐT từ các nước khác sẽ cảm thấy hấp dẫn hơn khi đổi sang đồng Việt Nam để đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít chuyên gia lo ngại hiệu ứng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi có thể áp đảo sức hấp dẫn của các TTCK của các nước này.

Gần đây, theo thống kê của Bloomberg, chỉ trong vòng khoảng 3 tuần đầu tháng 6, khối ngoại đã rút ra khỏi Thái Lan 2,15 tỷ USD. Và hiện tượng này đang xảy ra ở rất nhiều TTCK. Tính chung, các nền kinh tế mới nổi đã mất gần 2.000 tỷ USD trên TTCK kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến kinh tế thế giới chao đảo hồi năm 2007.

Tại Việt Nam, hiện tượng các quỹ ETF liên tục rút vốn khỏi thị trường cổ phiếu gần đây đang khiến nhiều người lo ngại dòng vốn ngoại có thể bị rút ra khỏi Việt Nam.

Một điều đáng quan tâm là các quỹ ETF như Vietnam ETF chẳng hạn đều đang trong quá trình tăng quy mô. Với vốn hóa thị trường hiện gần 400 triệu USD, Vietnam ETF có thể còn phải đẩy mạnh quy mô hơn nữa để đạt mục tiêu 1 tỷ USD. Chính vì vậy, hiện tượng thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp của Vietnam ETF đang thu hút sự quan tâm rất lớn của thị trường.

Trên thực tế, các con số đăng ký như số lượng mã giao dịch chứng khoán của NĐT ngoại được cấp phép có thể không phản ánh được dòng tiền mà các NĐT sẽ đem vào hay rút ra khỏi Việt Nam.

Đa số các đánh giá đều cho rằng, với những chuyển động mới trên thế giới, các quỹ đầu tư sẽ rút dần bớt vốn khỏi các thị trường tài sản của các nền kinh tế mới nổi. Với từng TTCK, điều này có xảy ra hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có sự phục hồi của nền kinh tế các nước đó...

Giải thích nguyên nhân khiến các thị trường mới nổi mất gần 2.000 tỷ USD trong vài năm qua, các chuyên gia cho rằng, lý do nằm ở hiệu quả thấp của các DNNN (những DN có tỷ lệ sở hữu Nhà nước ít nhất 30%) - vốn chiếm một tỷ lệ rất lớn trên các TTCK mới nổi.

Theo đó, giá đa số các cổ phiếu “có yếu tố nhà nước” ở các thị trường mới nổi giảm hàng chục phần trăm trong các năm khủng hoảng vừa qua. Lợi nhuận của các DNNN cũng như năng suất của nền kinh tế ngày càng sụt giảm.

Nhìn chung, giới đầu tư ở đâu cũng vậy, điều quan trọng với họ thời điểm hiện tại không chỉ nằm sự ổn định của kinh tế vĩ mô, sự phục hồi của các nền kinh tế mà còn ở lợi nhuận thực thụ của các doanh nghiệp.

Hiện tượng bán ròng gần đây của khối ngoại thực sự đang khiến không chỉ giới đầu tư mà các cơ quan chức năng thấy rõ quan ngại của các NĐT với triển vọng kinh tế nội tại của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề liên quan tới nợ xấu và hệ thống ngân hàng.

Huấn Tú