Hiện đang phổ biến tình trạng doanh nghiệp còn duy trì hoạt động chỉ để đi đòi nợ, kiện khách hàng ra toà; có trường hợp chấp nhận chịu mất tiền hoặc lập ra hẳn một phòng ban đeo đuổi công nợ, thậm chí là sống chung với con nợ…

Theo tổng cục Thống kê, sản xuất kinh doanh trong nước vẫn trong tình trạng khó khăn. Nợ xấu đang là gánh nặng cho nền kinh tế. Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản tiếp tục xảy ra trong những tháng đầu năm 2013. Theo cục Quản lý đăng ký kinh doanh, năm tháng đầu năm 2013, lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động tại TP.HCM là 6.374, Hà Nội 5.218, Đà Nẵng 593…

Gian nan đòi nợ

7 giờ 30 sáng, chị Minh, nhân viên phòng tài chính một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng có mặt tại toà án quận Gò Vấp để chuẩn bị tham gia vụ kiện đòi hơn nửa tỉ đồng từ một nhà phân phối. Làm trong phòng tài chính, nắm rõ hồ sơ công nợ của từng khách hàng, chị Minh được công ty uỷ quyền đi giải quyết các vụ đòi nợ. Rút trong cặp ra một xấp hồ sơ kiện, chị nói: “Hôm nay phải dự hai phiên đòi nợ. Buổi sáng làm ở quận Gò Vấp, đầu giờ chiều lại chạy xuống quận 8. Thứ hai đầu tuần phải chạy xuống tận Cần Thơ, ngày mốt thì ra Vũng Tàu…”

Công ty chị Minh bán hàng cho nhiều hệ thống phân phối ở TP.HCM và các tỉnh. Chị nói công nợ gối đầu cho một đại lý thường khá lớn, mỗi khi công ty phát hiện ra một trường hợp nào đó khó đòi thì thường là họ không còn khả năng trả nợ nên việc đòi tiền rất khó khăn.

{keywords}

Chị Minh kể về một khách hàng ở quận Bình Thạnh nợ gần 2 tỉ đồng. Hồ sơ khởi kiện có hợp đồng mua bán, có hoá đơn, phiếu xuất kho…nhưng khi ra toà thì bị đơn lại không thừa nhận vì cho rằng, hoá đơn mà của công ty gửi qua đường bưu điện không có chữ ký của họ. Họ cũng không thừa nhận phiếu xuất kho vì lý giải không trực tiếp ký. Sau khi kiểm tra lại, công ty mới phát hiện khách hàng này thuê xe của một đơn vị vận tải khác để chở vật liệu. Các phiếu xuất kho do tài xế trực tiếp ký nhận, tuy nhiên người này đã nghỉ việc nên không thể tìm ra làm chứng. “Tôi nghĩ mọi cách mà không thể nào chứng minh được họ có lấy hàng. Sau này, phải chạy lên phòng thuế quận nhờ truy xuất ra các chứng từ nộp thuế thì khách hàng này mới chịu thừa nhận”, chị Minh nói.

Không may mắn như chị Minh, ông Thanh, giám đốc một công ty kiến trúc và xây dựng ở quận Bình Thạnh cho biết có nhận hợp đồng thiết kế dự án nhà cao tầng giá trị khoảng 300 triệu đồng. Hồ sơ thiết kế giao cho đối tác, dự án đang xây dựng thì chủ đầu tư thiếu vốn, nhiều lần gặp gỡ, đòi nợ nhưng mãi không thấy chủ đầu tư thanh toán. Ông Thanh trực tiếp chạy xe đến nhà chủ đầu tư thì thấy cửa đóng then cài. Hỏi hàng xóm bên cạnh mới tá hoả khi biết chủ nhà đã mang cả gia đình đi nước ngoài sinh sống. Còn dự án thì đã được bàn giao lại cho người khác. Coi như số tiền 300 triệu của ông Thanh không cánh mà bay.

Sống chung với con nợ

Chị Minh cho biết có tới một nửa vụ kiện không lấy được tiền do khách hàng phá sản, mất khả năng thanh toán. Nhiều trường hợp phải xiết nợ bằng tài sản với giá trị thấp hơn số tiền nợ, có khi phải sống chung với con nợ bằng cách chấp nhận cho họ trả chậm hàng tháng. “Một nhà phân phối ở Đồng Nai nợ công ty khoảng 600 triệu đồng. Ra toà, họ trình bày do công việc kinh doanh gặp khó khăn, một lúc không thể trả hết số tiền nợ nên đề nghị cho trả chậm mỗi tháng vài chục triệu”, chị Minh nói.

Có công ty phải chấp nhận tiếp tục “bơm” hàng để nuôi sống con nợ, để hy vọng thu hồi các khoản nợ trước đây. Những trường hợp này thì định mức công nợ gối đầu dần dần giảm đi. “Mình có để họ sống thì họ mới làm ra tiền để trả nợ chứ nếu không tiếp tục hợp tác sẽ dễ bị mất trắng”, ông Thanh nói.

Để giảm dần công nợ, trưởng phòng tài chính một doanh nghiệp chuyên kinh doanh thức ăn chăn nuôi còn cho biết, việc giảm định mức đơn hàng gối đầu được công ty áp dụng với cả các khách hàng chưa có “tì vết”. Trước đây một đại lý có thể được lấy tối đa đơn hàng trị giá 5 tỉ đồng, thì nay, chỉ còn 4 tỉ đồng. Thậm chí, với một số đối tượng, công ty áp dụng chính sách tiền trao cháo múc. Theo vị này, cách làm này làm doanh số ra hàng tháng ít hơn, nhưng bù lại rủi ro công nợ sẽ giảm.

Ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, các nhà phân phối thường được thanh toán công nợ gối đầu trong vòng một tháng. Nhưng nay, nhiều công ty phải đưa ra thêm quy định công nợ phải trả cuốn chiếu, bán được hàng thì phải trả ngay, chứ không chờ hết tháng và các đơn hàng phải có hợp đồng, có hoá đơn, phiếu xuất kho có người ký nhận rõ ràng.

Theo Sài gòn Tiếp thị