Theo khảo sát trực tuyến của hãng nghiên cứu Niesel, người Trung Quốc thích mua hàng hiệu nhất thế giới, theo sau là Ấn Độ và Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát trực tuyến 29.000 người tiêu dùng tại 58 quốc gia trên thế giới, hãng Nielsen cho biết 3 trong 5 người châu Á (tương đương 61%) được hỏi sẵn sàng chi tiền mua các sản phẩm hàng hiệu hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới.
Trong số các nước châu Á, người tiêu dùng Trung Quốc là những người sẵn sàng chi tiền nhất. Có tới 74% người Trung Quốc được hỏi cho biết họ sẵn sàng chi cả núi tiền cho các sản phẩm hàng hiệu - cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Xếp ở vị trí thứ 2 và 3 là Ấn Độ và Việt Nam, với tỷ lệ lần lượt là 59% và 56%.
Giám đốc điều hành về mảng quảng cáo tại Nielsen, ông David Webb, cho biết: "Sự bùng nổ kinh tế ở nhiều quốc gia châu Á cùng sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu giúp khu vực này ngày càng có nhiều người có thu nhập khả dụng cao".
"Với rất nhiều tiền mặt và tâm lý sẵn sàng chi tiêu, những người tiêu dùng châu Á đang tìm đến những thương hiệu lớn và nổi tiếng như là một cách để khẳng định địa vị xã hội của mình. Bên cạnh đó, sự mở rộng nhanh chóng của Internet và các kênh truyền thông khác giúp họ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, mở rộng nhận thức và ham mê hơn đối với các thương hiệu và sản phẩm đắt tiên", ông cho biết thêm.
Khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng châu Á Thái Bình Dương bị ảnh hưởng khá nhiều bởi thói quen lựa chọn sản phẩm qua quảng cáo. Hơn 65% số người được hỏi cho biết quảng cáo ảnh hưởng tới độ yêu thích sản phẩm của mình, trong khi đó tỷ lệ này trên toàn cầu là 55%.
Người mua sắm ở Hàn Quốc và Philippines bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quảng cáo. Theo khảo sát, 79% người Hàn Quốc và 78% người Philippines cho biết cảm tình của họ với các thương hiệu xuất phát từ quảng cáo.
Mặc dù chỉ ra xu hướng dài hạn trong tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đầy tham vọng ở châu Á, song khảo sát của Nielsen lại không cho biết bao nhiêu phần trăm người tiêu dùng châu Á thực sự tiêu tiền vào các sản phẩm hàng hiệu.
PV (Theo CNBC)