Rau ngót và mướp đắng là những loại rau có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao.
Tại buổi giao ban Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm sáng ngày 8/6, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tháng 6 vừa qua, Cục đã tiến hành lấy các mẫu rau ngót, mướp đắng tại 7 chợ đầu mối trên địa bà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra bởi đây là những loại rau có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao.
Kết quả kiểm tra phát hiện, 25 mẫu rau ngót thì có tới 7 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép, 18 mẫu an toàn (có 15 mẫu phát hiện thuốc bảo vệ thực vật dưới mức cho phép và 3 mẫu không phát hiện dư lượng thuốc). Còn trong 25 mẫu mướp đắng, có 2 mẫu bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép, 23 mẫu an toàn.
Trước kết quả kiểm tra trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo, “Rau ngót được coi là loại rau lành, nhiều nơi còn ăn sống, thậm chí phụ nữ sinh con còn giã ra lấy nước uống… nên cần phải làm rõ vấn đề này vì có hợp chất sẽ bị tiêu hủy khi nấu chín nhưng có hợp chất vẫn còn tồn dư. Dù chưa nguy hiểm nhưng vẫn phải cảnh báo”.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng cho hay, kết quả phân tích theo Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả từ 2008 đến nay cho thấy, nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả. Cụ thể, những loại rau có nguy cơ cao gồm: Rau muống, rau ngót, cải xanh, đậu đỗ; đánh giá nguy cơ theo vùng địa lý thì miền Bắc có nguy cơ cao hơn miền Trung và miền Nam.
Còn theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, báo cáo từ 30/63 tỉnh thành cho thấy, đã kiểm tra phân loại 7.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp. Trong đó, số cơ sở vi phạm là hơn 1.100 cơ sở.
Đặc biệt, triển khai Thông tư 14 của Bộ NNPTNT về việc phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp theo tiêu chí A, B, C thì số cơ sở xếp loại C vẫn rất cao, chiếm đến 25% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - thủy sản xếp loại C. Nhất là trong lĩnh vực giết mổ, vẫn còn 64,9% số cơ sở xếp loại C.
Tràn lan thuốc thúc chín trái cây Cũng tại cuộc họp, cơ quan chức năng cho biết hiện xuất hiện tình trạng nông dân sử dụng một loại thuốc để thúc chín ép các loại trái cây như sầu riêng, mít, hồng xiêm... Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thương lái thu mua cả vườn, gồm cả quả chín và non rồi dùng hóa chất bảo quản để thúc chín đồng loạt, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP vì không biết họ sử dụng hóa chất gì, liều lượng ra sao. Về điều này, ông Nguyễn Xuân Hồng cho hay, tất cả các nước xuất khẩu hay nhập khẩu đều không xuất nhập hoa quả chín cây mà được thu mua dưới dạng còn xanh, sau đó dùng hóa chất để xử lý chín. Tại Việt Nam, trong danh mục các thuốc BVTV được phép sinh trưởng cũng có nhóm thuốc điều hòa sinh trưởng (kích thích, thúc chín tố) nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào đăng ký nhập khẩu. Vì vậy, tất cả các hóa chất điều hòa sinh trưởng hiện nay mà người dân đang sử dụng đều là thuốc ngoài luồng, phần lớn được nhập từ Trung Quốc. |
Bảo Hân