Để các loại rau trái mùa như xà lách, rau cải, rau dền… vẫn xanh tốt, người nông dân buộc phải sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, tăng trưởng, trừ sâu vô tội vạ. Đặc biệt sau khi bơm thuốc chỉ vài ba ngày họ tiến hành thu hoạch, phục vụ người tiêu dùng.
Tiếp tục theo chân người trồng rau tại nhiều nơi ở Hà Nội chúng tôi nhận thấy rất nhiều loại rau vốn dĩ chỉ thích hợp với mùa đông nhưng ngay tại ngày hè nắng chói chang rau vẫn tươi tốt. Để làm được điều đó người trồng rau đã phải “tắm” cho rau hàng chục loại thuốc như: thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, tăng trưởng mà hoàn toàn không tuân thủ những quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Những ruộng rau xanh mướt nhưng phía sau là quá trình trồng đáng quan ngại. |
Khảo sát tại nhiều vựa rau ở các huyện như: Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm… nổi cộm hơn cả là cánh đồng vốn nổi tiếng với hoa là Tây Tựu và Cổ Nhuế. Có mặt tại đây, chúng tôi được chứng kiến những luống rau cải ngọt, cải đắng, xà lách… xanh mơn mởn, thẳng tắp và đều răm rắp. Đó là những loại rau trước kia chỉ phù hợp và thích nghi với thời tiết mùa đông. Vậy, vì sao người trồng rau lại có thể “phù phép” cho rau thích nghi với cái nắng chói chang của những ngày hè này?.
Xà lách và rau cải trồng trái mùa vẫn tươi tốt do được chăm sóc bởi các loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, kích thích. |
Trò chuyện với chúng tôi, một người phụ nữ tên Tường nói: “Rau trái mùa bao giờ cũng được giá hơn, vả lại do nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng thôi chứ hiện nay rau gì chả trồng được, thậm chí mùa hè còn trồng được cả xu hào và cải bắp nữa là”.
Khi được hỏi bí quyết trồng các loại rau trái mùa thì chị vui vẻ: “Để các loại rau trái mùa tươi tốt thì cũng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt như việc bón phân, tưới nước và tất nhiên cả phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu nữa”.
Cạnh các ruộng rau, vỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có mặt khắp nơi. |
Tại một ruộng rau xà lách khác đang thu hoạch, chúng tôi quan sát có khá nhiều vỏ thuốc trừ sâu vứt vương vãi khắp nơi thuộc các nhãn hiệu như: Sha chong Shuang; Marshal; Emaben… tất cả các nhãn mác đều cảnh báo với dòng chữ: cực độc, độ độc cao, độ độc mạnh…
“Do trồng trái mùa nên rau thường bị sâu nhiều hơn nên tăng cường chăm sóc cũng như phun các loại thuốc trừ sâu”, anh Tường chủ một ruộng rau tại Tây Tựu nói.
Dù mới bơm thuốc sâu đã 4 ngày nhưng trên lá rau thuốc vẫn bám trắng xóa, phía đầu ruộng người ta đang tiến hành thu hoạch.
Theo lời một người nông dân thì nhiều gia đình trước khi thu hoạch rau khoảng 3-4 ngày sẽ tiến hành phun thuốc trừ sâu. Thật vây, khi quan sát kỹ những chiếc lá cải thì cặn thuốc trừ sâu trắng xóa vẫn còn bám trên những lá rau.
Thế nhưng, theo quy định của các đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật thì thời gian cách ly phải từ 7-15 ngày tùy từng loại thuốc. Ai dám chắc rằng chỉ cần vài ba lần rửa bằng nước, thậm chí bằng máy sục ozon sẽ đẩy hết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khỏi rau?
Càng non, xanh mơn mởn càng độc
Không chỉ các loại rau trái mùa mà các loại rau khác như: Rau muống, mồng tơi, rau ngót, rau dền hay một số loại rau thơm đúng mùa cũng được người dân “tắm” bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ quy trình.
“Thường thì một lần phun phải kết hợp nhiều loại thuốc như: Thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… để rau vừa không bị sâu vừa tạo độ xanh non cho rau. Sau khi bơm thuốc chỉ cần 3-4 ngày rau sẽ xanh tươi và nom bắt mắt”, một người dân tại xã Tây Tựu cho biết.
“Phun thuốc nhiều nhất phải kể đến là cà pháo, dưa leo, các loại đậu… vì đây là loại cây bị sâu và các loài bọ xít ưa thích. Nếu không thường xuyên phun thuốc để diệt trừ thì chỉ có ăn cám”, chị Hải tâm sự.
Khi chúng tôi hỏi về những luống rau xanh mướt ấy liệu khi đến tay người tiêu dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không thì mọi người đều khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: phun thuốc vài ngày mưa gió sẽ cuốn hết thuốc đi rồi, hơn nữa khi về người ta cũng rửa mấy lần nên chắc chắn sẽ chẳng ảnh hưởng gì cả?!
Chúng ta vẫn thường an ủi nhau rằng “thời này ăn cái gì cũng độc” và câu nói này khá đúng, nhưng vẫn phải “nhắm mắt cho qua” vì không có nhiều sản phẩm để thay thế. Và như thế những người sản xuất thực phẩm nói chung và cụ thể ở đây là người trồng rau vẫn vô tư và tiếp tục đầu độc hàng triệu người dân Thủ đô.
Mỗi ngày, người Hà Nội tiêu thụ hàng tấn rau xanh nhưng chắc chắn trong số đó lượng rau sạch chỉ nằm ở một con số khiêm tốn. Bằng chứng cho điều này là những con số về lượng rau tồn dư kim loại nặng, chứa vi sinh vật có hại, tồn dư chất bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định mà các cơ quan chức năng đã cảnh báo lâu nay.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT công bố ngày 8/7 vừa qua trong số 25 mẫu rau ngót lấy kiểm tra tại các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội và TP.HCM thì phát hiện 7 mẫu có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Ngoài rau ngót, trong lần kiểm tra lần này cũng phát hiện mướp đắng được bày bán tại hai thành phố lớn có nhiễm thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
(Theo Afamily)