Có loại giá nhập khẩu chỉ hơn 100.000 đồng/hộp nhưng ra thị trường bị đẩy lên cao gấp sáu lần. Dẫn đầu về chênh lệch giá nhập khẩu so với giá bán lẻ là các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em của những tập đoàn sản xuất sữa hàng đầu thế giới như Abbott, Mead Johnson, Nestlé.
Nhập 1 bán 6
Nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ bằng sữa bột hiện rất tin tưởng một nhãn hàng có xuất xứ Pháp tên Gallia. Được nhiều người bán giới thiệu là hàng xách tay, nên giá Gallia số 1 đang rao bán lẻ ở mức rất cao từ 600.000-605.000 đồng/hộp 900g. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sữa Gallia lại đang nhập khẩu chính ngạch về VN. Và điều khá bất ngờ là giá nhập khẩu so với giá bán lẻ trên thị trường chênh lệch một trời một vực. Cụ thể, giá nhập khẩu (đã có thuế nhập khẩu) sữa Gallia số 1, hộp 900g chỉ 117.500 đồng/hộp. So với mức giá bán lẻ 605.000 đồng/hộp, giá nhập khẩu đã có thuế thấp hơn tới 487.500 đồng/hộp.
Một loại sữa khác cũng có mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ có thể gây choáng váng cho nhiều người, đó là sữa Nestlé Nido Kinder loại 1,6kg/hộp. Trên thị trường, một số cửa hàng sữa bán lẻ sản phẩm này ở mức 600.000 đồng/hộp. Thế nhưng, giá nhập đã có thuế của Nestlé Nido Kinder chỉ khoảng 115.300 đồng/hộp. Như vậy, mức chênh lệch giá từ khi hàng ra khỏi cảng nhập khẩu đến tay người tiêu dùng lại tới 484.700 đồng/hộp!
Tương tự, một số sản phẩm của Abbott cũng có chênh lệch giá rất lớn. Similac Advance, Similac Go&Grow có giá bán lẻ phổ biến 540.000-560.000 đồng/hộp, cao hơn giá nhập 420.300-440.300 đồng/hộp. Sữa Enfamil Infant loại 663g/hộp của Hãng Mead Johnson có giá nhập khẩu chỉ khoảng 4 USD/hộp. Nếu tính cả thuế nhập khẩu, giá nhập vẫn thấp hơn giá bán lẻ tới 467.800 đồng/hộp. Một sản phẩm khác cũng của Mead Johnson là sữa bột Enfagrow Older Todder hộp 680g có giá nhập khẩu thấp hơn giá bán lẻ khoảng 444.800 đồng/hộp. Như vậy, giá bán lẻ những mặt hàng này cao hơn từ 350-500% so với giá nhập khẩu. Theo tìm hiểu, nhiều mặt hàng khác như sữa Ensure dạng bột, sữa non Pro Care, sữa Guigoz, sữa Nutrilatt, sữa XO... cũng có giá bán lẻ cao gấp 2-3 lần so với giá nhập khẩu về cảng VN. Đa số mặt hàng này có xuất xứ Mỹ, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc...
Thích là tăng giá
Số liệu từ Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 5 doanh nghiệp sữa gửi thông báo tăng giá từ 2% đến 16% cho cơ quan này. Cụ thể, trong tháng 1, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng từ 15% đến 16%, Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến (phân phối sản phẩm của Mead Johnson Nutrition Việt Nam) tăng giá 3 mặt hàng 9%-10%.
Trong tháng 2, thêm 2 doanh nghiệp tăng giá sữa là Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam - tăng 31 mặt hàng từ 2% đến 9,5% và Công ty TNHH Friesland Campina - tăng thêm 9% một số mặt hàng. Tháng 5, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng với mức 8% từ ngày 10-5...
Ngoài sữa nhập khẩu chính ngạch, các sản phẩm "xách tay" trên thị trường cũng có hiện tượng tăng giá với nhiều lý do như giá đầu vào tăng hoặc đại lý làm giá… Tuy nhiên, theo chị Phan Thị Ngọc, người chuyên mua bán sữa "xách tay" nhãn hiệu Nan (Nestlé) ở Hà Nội, giá sữa nhập về từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Nếu như sát Tết Quý Tỵ, giá nhập sỉ mỗi hộp sữa Nan 800 g là 580.000 đồng thì đến khoảng tháng 3, tháng 4 vừa rồi đã giảm còn 550.000 đồng và hiện chỉ ở mức 540.000 đồng.
Chị Ngọc cho biết giá bán sữa "xách tay" ngoài thị trường rất khó kiểm soát bởi hầu hết đại lý, cửa hàng bán hàng qua mạng nên họ có thể tăng giá vô tội vạ. "Do người Việt chuộng hàng ngoại nên các cửa hàng lợi dụng để đẩy giá bán lẻ lên với giải thích là giá cao do hàng ngoại tốt" - chị Ngọc phân tích.
Hiện nay, giá bán sữa Pediasure BA của hãng Abbott cũng trong tình trạng "mỗi nơi một phách". Với hộp 900 g, hệ thống cửa hàng Bibomart (Hà Nội) bán lẻ với 555.000 đồng nhưng ở nhiều đại lý và các cửa hàng trên mạng khác thì có thể cao hơn từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/hộp.
Chị Nguyễn Ngọc Ánh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết giá mỗi hộp sữa Icreo của Nhật Bản trước đây chị thường mua là 670.000 đồng nhưng vừa qua đã tăng lên 680.000 đồng. Trong khi giá sữa nhập từ Pháp không tăng nhưng từ Mỹ lại tăng nhẹ.
PV (Tổng hợp)