Đã bước sang quý 3 của năm 2013 nhưng nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề của một thời kỳ khó khăn kéo dài. Trao đổi với VietNamNet, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nếu không có đột phá thì tình trạng cứ loanh quanh ở "đáy" là điều khó tránh khỏi.

Kinh tế Việt Nam đã trải qua 2 quý đầu năm và có rất nhiều những thông tin trái chiều. Xin cho biết ý kiến riêng của ông?

- Kinh tế đã có khởi sắc nhưng không nhiều. Tiến bộ lớn nhất là chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, xu hướng tăng giá cao không còn, kinh tế vĩ mô ổn định hơn.

Bên cạnh đó nhiều khó khăn vướng mắc đã được xử lý giúp cho kinh tế ổn định và đi lên. Chẳng hạn như đầu tư nước ngoài được khôi phục, đặc biệt là đầu tư gián tiếp qua kênh chứng khoán; xuất khẩu tăng trưởng... một số chỉ tiêu kinh tế ổn định và có chiều hướng tăng.

Ngoài ra việc giải quyết các khó khăn về tài chính ngân hàng, giá cả đầu tư đã giải quyết giúp nền kinh tế minh bạch và tiệm cận với các tiêu chuẩn thế giới hơn... tạo điều kiện cho kinh tế phát triển đúng hướng và bền vững.

{keywords}
Ông Cao Sỹ Kiêm.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Cụ thể, sản xuất vẫn đang bị thu hẹp, phá sản, đình trệ vẫn cao, khó khăn của nhiều DN về vốn, về đầu ra, tồn kho vẫn chồng chất và có xu hướng tăng lên. Khi DN thu hẹp sản xuất, giảm việc làm, tất yếu sẽ ảnh hưởng không tốt tới sản xuất kinh doanh.

Vốn đầu tư tăng thấp so với những năm trước. Nền kinh tế Việt Nam phát triển được, phụ thuộc rất lớn vào đầu tư và xuất khẩu nhưng đầu tư thấp, nhập siêu đang quay lại sẽ làm cho ngân sách giảm nhanh, năm nay khả năng hụt thu khoảng 60.000 tỷ đồng

Hai trụ cột lớn là công nghiệp và nông nghiệp tăng trưởng chậm, có xu hướng giảm so với cùng kỳ...

Lạm phát đã kìm chế được nhưng tăng trưởng thì vẫn khó khăn. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là lạm phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn, có thể chỉ đạt được lạm phát thấp hơn còn tăng trưởng thì nhìn thấy không có cơ sở do vốn đầu tư thấp và sức khỏe DN quá yếu không thể hồi phục được.

Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp để cải thiện tình hình. Theo ông, hiệu quả của các giải pháp đó đến đâu?

- Các giải pháp đến nay đã có đủ và đưa ra từ lâu, nhưng thực hiện rất chậm và thiếu đồng bộ. Các vấn đề ngắn hạn như tồn kho của các DN, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu vẫn chưa giải quyết được, dài hạn thì cơ cấu nền kinh tế, đến nay chưa thực hiện được gì.

Cụ thể, thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, mãi vừa rồi gói 30.000 tỷ mới bắt đầu khởi động nhưng giải ngân chưa đáng là bao. Nợ xấu đến nay mới thành lập được công ty quản lý nợ xấu. Tồn kho theo tiêu chuẩn thế giới là 9% thì sau thời gian dài giải quyết nay vẫn cao hơn và với nhiều ngành đang có xu hướng tăng lên. Đây là những "cục máu đông" làm nghẽn nền kinh tế nhưng giải quyết quá chậm.

Về dài hạn, việc tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ dừng lại ở đề án tổng thể. Chưa có đề án cụ thể và chưa đi vào thực hiện.

Nền kinh tế đã rơi xuống đáy và đang ở đáy chữ U. Việc thoát khỏi đáy rất khó khăn do thiếu điểm tựa và sức mạnh. Nếu không có đột phá thì tình trạng đáy chữ U cứ kéo dài ra mãi là khó tránh khỏi.

Nếu thực hiện nhanh các giải pháp ngắn hạn, bên cạnh đó là thực hiện các giải pháp dài hạn thì kinh tế 2013 sẽ ổn định và sang 2014 khi các giải pháp dài hạn bắt đầu phát huy tác dụng thì chắc chắn kinh tế sẽ đi lên. Tuy nhiên, ngắn hạn thực hiện chậm còn dài hạn thì chưa làm gì nên chưa thể tạo ra nền tảng, tiền đề để kinh tế 2014 và 2015 đi lên.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến các chính sách được đề ra nhưng khi thực hiện cụ thể lại chậm trễ thưa ông?

- Vì cơ chế không thống nhất, thiếu đồng bộ, điều hành thiếu dứt khoát và kiên quyết nên chính sách thực thi chậm và nhiều khi phản tác dụng. Đây là vấn đề cố hữu khiến cho chính sách ban hành đúng nhưng đi vào thực tế không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Có thể nói môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả đang là nhân tố cản trở sự hồi phục của nền kinh tế, thật đáng tiếc.

- Từ 1/7 vừa qua một loạt các chính sách mới đã có hiệu lực như tăng lương, giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT cho người mua nhà...liệu điều này có tạo ra sự thay đổi trong thời gian tới?

- Theo tôi, các chính sách trên thực hiện quá chậm nên tác dụng của nó không còn nhiều.

Chẳng hạn, tăng lương, theo dự kiến bao đầu mức tăng là 1,3 triệu đồng kể từ 1/5. Tuy nhiên do ngân sách không thể bố trí đủ 60.000 - 65.000 tỷ đồng phục vụ lộ trình này nên kế hoạch tăng lương, theo đề xuất của Chính phủ đã được hoãn tới 1/7 và mức tăng cũng được điều chỉnh xuống. Hay như thuế thu nhập nhiều ý kiến đề xuất thực hiện từ 1/1/2013 nhưng quyết định chính thức lại từ 1/7.

Số thu nhập tăng thêm từ lương và khoản giảm nộp thuế thu nhập cá nhân của hàng triệu người cũng chỉ đủ giúp cho họ dễ thở hơn chứ không kỳ vọng lớn về kích cầu tiêu dùng.

Với việc giảm thuế thu nhập DN nhỏ và vừa xuống 20% cũng thực hiện quá chậm. Đến nay theo thống kê đã có một nửa số DN ra đi, không đủ sức để chờ đợi được hưởng chính sách này. Bên cạnh nhiều DN đang hoạt động cầm chừng và thua lỗ cũng không được hưởng chính sách này. Vì vậy tác động đến sản xuất, tạo việc làm cũng ở mức không đáng kể.

Việc giảm thuế VAT cho nhà ở xã hội và nhà thương mại, thì đến nay nhiều người dân đã không còn thu nhập để có thể mua, nhiều người vẫn hy vọng nhà còn giảm giá vì vậy vẫn sẽ chờ đợi chưa mua ngay... bằng chứng là nhà đã giảm giá khá mạnh mà tồn kho vẫn lớn.

{keywords}

Từ phía hiệp hội, ông cảm nhận các DN phản ứng như thế nào trước tình hình này?

Như đã nói, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là không có đầu ra, sức mua thấp, hàng tồn kho cao, dẫn đến thu hồi vốn chậm hoặc không thu hồi được vốn, không trả nợ được ngân hàng.

Phải giải quyết được tồn kho cho DN mới mong tháo gỡ được khó khăn, giúp phục hồi sản xuất. Để giải quyết vấn đề này thì phải tăng sức mua, tăng lương, hỗ trợ giảm giá hàng, giảm thuế... tiếp đến là giải quyết nợ xấu. Khối lượng nợ xấu lớn không được xử lý đang làm cho nền kinh tế khựng lại, ngân hàng không dám cho vay, DN không vay được vốn...

Thời gian qua DN nhỏ và vừa lại càng khó khăn hơn do kinh tế suy giảm, lãi suất cao, lạm phát cao, không tiếp cận được thị trường, nên tồn kho tăng cao, sản xuất giảm, khả năng trả nợ kém, vì vậy mà số DN ngừng hoạt động, phá sản ngày càng tăng lên. Nhiều DN đã phải xé nhỏ ra để tồn tại, để tránh nợ xấu, nên số DN siêu nhỏ ngày càng tăng có nguyên nhân là như vậy.

Thời gian qua, các DN, hiệp hội đã phản ánh, kêu ca nhiều nhưng thực tế không có thay đổi thì không nhiều. Hiện nay, nhiều DN đã chán nản, buông xuôi… Với tình hình như thế này thì số DN tạm ngừng sản xuất, giải thể phá sản chắc chắn còn tăng lên nữa.

Trần Thủy