- Sau nhiều lần tung tin chưa có ý định tăng giá, cuối cùng thì giá điện cũng chính thức tăng từ ngày 1/8 với mức tăng 5% và ngay lập tức, điều này đã trở thành nỗi bất hạnh với nhiều doanh nghiệp.
Lún sâu vào khốn đốn
Ghi nhận từ các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho thấy có 2 cách đối phó với giá điện tăng: mặc kệ cho đầu vào tăng vẫn giữ nguyên giá bán sản phẩm hoặc đẩy giá bán lên mặt bằng mới sau khi cộng thêm chi phí tiền điện. Tuy nhiên, với cách nào thì cuối cùng DN cũng "chết". Trong bối cảnh hiện nay, nếu không tăng giá bán khi chi phí đầu vào cao thì DN bị thua lỗ, còn tăng mà không bán được hàng thì phải ngừng sản xuất.
Sau xăng dầu tăng giá thì đây là “cú bồi" khiến nhiều DN gục hẳn. Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, điện tăng thêm 5% thì xi măng thêm chi phí khoảng 13.000-15.000 đồng/tấn. Vì vậy, việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực lên các DN ởi nhu cầu xi măng đang rất thấp, chi phí sản xuất tăng nhưng DN không thể tăng giá bán được.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá điện hiện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 1%. Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600 kWh điện, do đó, giá điện tăng bao nhiêu, giá thành thép sẽ tăng bấy nhiêu. Chỉ cần giá điện tăng thêm 1% cũng thêm khó khăn cho các DN trong tình cảnh hiện nay chứ chưa nói tăng đến 5%.
Công ty Gang thép Thái Nguyên tính toán, giá điện tăng 5% sẽ làm tăng chi phí sản xuất của DN mỗi tháng khoảng 1,7 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm mất trên 8 tỷ đồng, trong khi DN đang hoạt động cầm chừng, cố gắng đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, lại bị đẩy lún sâu thêm vào cảnh khốn đốn.
Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng không khỏi lo lắng bởi các DN trong ngành chăn nuôi hiện đang "sống dở chết dở". Cả nước có 234 DN thức ăn chăn nuôi, thì chỉ còn 194 cơ sở hoạt động. Nhiều DN bị phá sản mà nguyên nhân cơ bản là do giá đầu vào cao, chi phí cao. Nay giá điện tăng lên từ 1/8 chắc chắn sẽ có thêm nhiều DN ra đi.
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) - chuyên chế biến thức ăn chăn nuôi - than thở: “Suốt một thời gian dài chúng tôi đã chịu hàng loạt chi phí đầu vào cao "ngất ngưởng" như lãi suất vay vốn ngân hàng, chi phí nguyên liệu, phí vận chuyển... khiến DN gần như bế tắc trong sản xuất. Giá điện chưa tăng thì chúng tôi đã phải chật vật cạnh tranh với DN ngoại trong lĩnh vực này, nếu giá điện lại tăng cao chúng tôi sẽ cầm chắc rơi vào tình trạng khốn đốn”.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho biết, ngành thủy sản từ đầu năm đến nay liên tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đối với ngành thủy sản, phải dùng điện rất lớn cho các khâu làm lạnh, cấp đông. DN nhỏ cũng phải chi hàng trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Do vậy, giá điện tăng sẽ khiến nhiều DN không xoay xở nổi, có thể phải phá sản bởi càng sản xuất thì càng thua lỗ, nợ nần...
Lo không cầm cự nổi
Công ty Công ty TNHH Một Thành Viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho hay mỗi tháng chi phí tiền điện của DN khoảng 1,5 tỉ đồng, giá điện tăng 5% thì chi phí tăng thêm sẽ khoảng 90 triệu đồng/tháng. Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt nguyên phụ liệu tăng theo. Hàng hóa chất đầy kho mà lại tăng giá bán sao DN tồn tại được?
Một DN sản xuất giấy tại TP.HCM cũng than thở, mỗi tháng chi phí tiền điện của họ khoảng 5 tỷ đồng. Năm 2012 điện tăng giá 10% thì sang năm 2013, mỗi tháng chi phí tiền điện của họ tăng thêm 500 triệu đồng. Rồi giá điện lại tăng tiếp 5% thì lại phải trả thêm 250 triệu mỗi tháng. Trong khi đó, thị trường khó khăn, hàng tồn kho lớn đầu ra không có. Giá điện tăng kéo hàng loạt chi phí khác lên theo, không biết làm thế nào để cầm cự qua ngày.
Theo các chuyên gia, kinh doanh trong môi trường khó khăn suốt thời gian qua, nhiều DN đã phải cắt giảm tối đa chi phí nên khó có thể tiết kiệm hơn nữa. Với đợt tăng giá điện 5% lần này, DN sẽ "chết" nhiều hơn khi chi phí đầu vào tiếp tục leo thang, hàng tồn kho chưa giải quyết hết mà tiếp cận vốn lại khó khăn.
Thời điểm hiện nay, sức mua đang xuống rất thấp, DN đang phải vật lộn với việc đẩy sức mua để giúp phục hồi sản xuất, thoát khỏi khó khăn thì đáng lẽ cần giảm chi phí đầu vào như lãi suất, chi phí sản xuất kinh doanh thì lại tăng giá điện.
“Tăng giá điện 5% là quá lớn, DN có thể bị phá sản do chi phí đầu vào tăng trong khi không thể tăng giá bán. Nếu điều này xảy ra thì tác động tăng giá điện sẽ lớn”, kinh tế gia Lê Dăng Doanh nhận xét.
Một số DN cho biết họ rất bi quan về tương lai khi chính sách, đặc biệt liên quan đến giá cả và chi phí đầu vào, liên tục thay đổi làm doanh nghiệp trở tay không kịp. Tình trạng thoái nợ ngày càng phổ biến. Các ông chủ không dám vay nhiều và rất hạn chế bỏ vốn tự có ra kinh doanh, dừng các dự án mới vì bí đầu ra. Nay câu chuyện tăng giá điện càng làm chùn bước ý định đầu tư sản xuất.
“Tăng giá điện có thể là điều khó tránh khỏi nhưng cần minh bạch và có lộ trình. Trước đó vài ngày còn nói chưa tăng, đùng một cái tuyên bố tăng giá khiến DN trở tay không kịp là điều hết sức đáng lo ngại”, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - bức xúc.
Không chỉ thế, các DN vẫn hết sức thấp thỏm, không biết giá điện có còn tăng nữa không và bao giờ tăng? Bởi theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 2013, điện sẽ tăng giá từ 10-13%. Nay giá mới tăng 5%, vậy tới đây có tăng nữa hay không? Các DN muốn biết rõ điều này, nhưng câu trả vẫn còn trong vòng... bí mật.
Trần Thủy