Từ ngày 1/8, nhiều hãng sữa ngoại đã đồng loạt tăng giá bán từ 5%- 10%. Đây là lần thứ 4 từ đầu năm giá mặt hàng này được điều chỉnh tăng. Đặc biệt, lần tăng giá này diễn ra khi sự cố nhiễm độc sữa đang xảy ra với nhiều hãng sữa lớn.
Chỉ có tăng, không có giảm
Cụ thể dòng sữa bột Insulac nhập khẩu tăng giá bán thêm 7%, còn với hãng Dutch Lady cũng tăng 6.000 đồng một thùng sữa 6 hộp loại 900 gram/hộp. Trước đó, vào giữa tháng 7, Công ty FriselandCampina Việt Nam đã tăng giá sữa nước hộp loại 180ml lên 2% và loại 220ml lên 8%, Nutifood điều chỉnh giá từ 87.000 đồng/hộp 400gram (dòng 1, 2, 3) lên 90.000 đồng/hộp loại 400gram.
Ngoài ra còn nhiều hãng sữa ngoại đang chuẩn bị cho việc tăng giá vào thời gian tới, chẳng hạn như sữa Abbott dự kiến tăng giá trong tháng 8 hoặc tháng 9 với mức tăng không nhỏ.
Trong cuộc tọa đàm mới đây, lãnh đạo một DN sản xuất sữa hàng đầu ở Việt Nam đã phải thừa nhận, giá sữa bột đã tăng 30 lần trong 6 năm qua; các sản phẩm sữa nước cũng có mức tăng mạnh tới 185%.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trung bình mỗi năm có 2-3 đợt tăng giá sữa. Riêng giai đoạn 2007-2010, giá sữa có tới 16 lần tăng giá. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 cũng có tới 3 lần tăng giá sữa, giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng là 5-10%, thậm chí có loại tăng 13-14%.
Lý do được các hãng sữa đưa ra vẫn rất quen thuộc như giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng, giá xăng dầu tăng, lương tăng, chi phí quản lý tăng... kéo theo giá sữa tăng lên.
Hiện Việt Nam có hơn 200 DN nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Các chuyên gia cho rằng, có một nghịch lý là trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, đáng ra các hãng sữa phải hạ giá thành để thu hút người tiêu dùng, song ngược lại từ năm 2007, giá sữa liên tục tăng mà không hề có giảm.
Lợi nhuận khủng
Một lý do để các hãng tăng giá sữa là giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới tăng, nên sữa trong nước phải tăng, nhưng nhiều thời điểm giá trên thị trường thế giới giảm hoặc đứng yên nhưng giá sữa trong nước vẫn tăng.
Cụ thể, vào những tháng đầu năm 2012 sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm rất mạnh, từ 750-1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011 nhưng gần như không có DN sữa nào trong nước điều chỉnh giảm giá, thậm chí vẫn có tới 3 DN tăng giá bán sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức tăng từ 9%-15%.
Cục quản lý giá cho biết từ đầu năm 2013 tới nay giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng, vẫn giữ ở mức 90.000 đồng/kg sữa nguyên liệu nguyên kem nhập khẩu và trên 80.000 đồng/kg sữa tách béo, thậm chí giá nguyên liệu sữa tháng 6 trên thị trường thế giới giảm so với tháng 5 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2013, giá sữa tăng so với cuối năm 2012 từ 8%- 15%.
Một điều tra mới công bố trên báo chí ngay trước thời điểm xảy ra sự cố sữa nhiễm độc cho thấy, nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá bán cao gấp nhiều lần giá nhập. Có loại giá nhập khẩu chỉ hơn 100.000 đồng/hộp nhưng ra thị trường bị đẩy lên cao gấp sáu lần.
Chẳng hạn như sữa bột có xuất xứ Pháp tên Gallia, có giá bán lẻ ở mức rất cao từ 600.000-605.000 đồng/hộp 900g. Tuy nhiên, giá nhập khẩu (đã có thuế) sữa Gallia số 1, hộp 900g chỉ 117.500 đồng/hộp.
Một loại sữa khác cũng có mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ có thể gây choáng váng cho nhiều người, đó là sữa Nestlé Nido Kinder loại 1,6kg/hộp. Trên thị trường, một số cửa hàng sữa bán lẻ sản phẩm này ở mức 600.000 đồng/hộp. Thế nhưng, giá nhập đã có thuế của Nestlé Nido Kinder chỉ khoảng 115.300 đồng/hộp.
Tương tự, một số sản phẩm của Abbott cũng có chênh lệch giá rất lớn. Similac Advance, Similac Go&Grow có giá bán lẻ phổ biến 540.000-560.000 đồng/hộp, cao hơn giá nhập 420.300-440.300 đồng/hộp.
Sữa Enfamil Infant loại 663g/hộp của Hãng Mead Johnson có giá nhập khẩu chỉ khoảng 4 USD/hộp. Nếu tính cả thuế nhập khẩu, giá nhập vẫn thấp hơn giá bán lẻ tới 467.800 đồng/hộp.
Một sản phẩm khác cũng của Mead Johnson là sữa bột Enfagrow Older Todder hộp 680g có giá nhập khẩu thấp hơn giá bán lẻ khoảng 444.800 đồng/hộp. Như vậy, giá bán lẻ những mặt hàng này cao hơn từ 350-500% so với giá nhập khẩu.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) yêu cầu kê khai giá sữa chỉ là giám sát theo kiểu hành chính vì không thể nào kiểm soát được giá bán, tạo điều kiện cho DN lợi dụng tăng giá, trốn kê khai giá và cũng chưa hề thấy cơ quan quản lý phạt những DN tăng giá bất hợp lý.
Để lách quy định của Luật Giá, mới đây nhiều DN đã đổi tên sản phẩm từ sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi thành “sản phẩm dinh dưỡng”, “sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt", "thức ăn công thức dinh dưỡng", "thực phẩm bổ sung"... Như vậy DN sẽ không phải đưa ra bản giải trình và chờ sự chấp thuận từ Bộ Tài chính mà có thể tăng giá sữa như đối với các mặt hàng thông thường.
Tại Trung Quốc, mới đây,khi các cơ quan chức năng có chương trình điều tra giá sữa. Ngay lập tức, Abbott Laboratories, thông báo sẽ giảm 12% giá sữa công thức cho trẻ em. Một số hãng sữa ngoại khác tại Trung Quốc như Abbott Park, công ty liên doanh Nestle SA (NESN), hãng sản xuất Royal FrieslandCampina NV đang điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm. Đặc biệt, hãng Biostime “có thể bị cáo buộc” vi phạm luật chống độc quyền - đang giảm 11% giá cho các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em thông qua hình thức thưởng điểm. Hãng Danone và Nestle giảm giá 20%.
Tổ điều hành thị trường trong nước đã có đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ đối với việc tăng giá sữa và chủ trì, tổ chức đoàn thanh kiểm tra xử lý nghiêm hiện tượng gian lận thương mại, kê khai gian dối về hàng hóa đối với nhóm sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em trong thời gian tới.
Trần Thủy