Định hướng con vào nghiệp kinh doanh và leo dần lên các vị trí lãnh đạo nhưng để yên tâm khi giao khối tài sản hàng nghìn tỷ vào tay hậu duệ nhiều đại gia đã âm thầm lập lộ trình để người kế cận học tập, tích lũy kinh nghiệm từ những việc nhỏ nhất.

Thận trọng tiến từng bước

Đầu năm nay, con gái bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE là Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu REE, nâng sở hữu lên 3,16 triệu cổ phiếu, tương đương gần 1,3% vốn của doanh nghiệp này.

Với mức giá này, Nhất Hạnh nắm giữ khối tài sản gần 82 tỷ đồng. Nhưng tài sản chưa phải tất cả, tỷ phú sinh năm 1991 này đang sở hữu một thành tích học hành đáng nể ở các trường danh giá nước ngoài. Được đánh giá xuất sắc nhưng công việc của Nhất Hạnh không phải bắt đầu ở REE - nơi mà mẹ Nhất Hạnh là chủ tịch lâu năm mà tại ngân hàng HSBC.

Trước đó, anh trai Nhất Hạnh là Nguyễn Ngọc Thái Bình cũng đã từng tốt nghiệp đại học ở Mỹ, có một thời gian làm việc tại HSBC, trước khi về đảm nhiệm công việc ở REE và hiện đang là giám đốc tài chính.

{keywords}

Vị trí của Thái Bình rất quan trọng bởi ngoài ngành nghề chính, REE đang đầu tư sang các lĩnh vực khác như tài chính, BĐS…ngoài cơ điện lạnh truyền thống. Nhiều NĐT dự đoán, không lâu nữa Thái Bình và Nhất Hạnh có thể là những nhân vật chủ chốt tại REE sau khi mà bà Thành nghỉ hưu.

Có vẻ như, cho con cái học hành tốt rồi thử thách qua một hành trình trải nghiệm là cách mà rất nhiều đại gia khác đang áp dụng trước khi cho lên thay thế mình.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đồng Tâm (DTG) và gần đây (từ tháng 4/2013) là Chủ tịch KienLongBank, từ lúc 19 tuổi đã đứng ra gánh vác công ty do cha thành lập. Sau đó, ông đã đưa Đồng Tâm từ một cơ sở nhỏ thành một tập đoàn lớn.

Nhưng với con cái, ông Thắng lại đang dẫn dắt từng bước khá thận trọng khi tiếp cận với những doanh nghiệp hàng trăm, nghìn tỷ của mình. Ông Thắng cho rằng, ông không có quan niệm cho con tôi học cao mà quan trọng nhất là phải va chạm thực tế thì việc học mới tốt được. Nhiều khi việc dừng rồi học tiếp là cần thiết.

Con trai ông Thắng là Võ Quốc Lợi cũng đã tốt nghiệp loại ưu một trường đại học danh tiếng ở Mỹ nhưng khi về nước bắt đầu công việc với một chức vụ khá thấp là nhân viên pháp chế tại phòng Pháp chế của Ngân hàng Kiên Long.

Ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập ra Ngân hàng ACB đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho người con trai Trần Hùng Huy (35 tuổi). Nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ACB từ cuối năm ngoái, ông Hùng Huy đã có những thành tích học tập nổi bật với học tiến sĩ kinh tại Mỹ năm 2011 có kinh nghiệm làm việc 11 năm chính tại ACB với nhiều vị trí như: chuyên viên nghiên cứu thị trường, giám đốc marketing, phó tổng giám đốc, thành viên ủy ban quản lý rủi ro, thành viên thường trực HĐQ...

Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch Sacombank cũng là người cẩn trọng không kém. Cho dù gia đình ông đang là cổ đông lớn nhất tại 2 ngân hàng Sacombank và Southernbank nhưng lại không nắm vị trí cao nhất tại đây.

Ông Trầm Trọng Ngân, con cả ông Trầm Bê là người nắm giữ tới 48 triệu cổ phiếu tại Sacombank nhưng không nắm giữ chức vụ quan trọng nào tại Sacombank, mà ở một số nơi khác. Ông Trầm Khải Hòa là con thứ của ông Trầm Bê đang nắm giữ gần 24 triệu cổ phiếu STB và đang học làm sếp với vị trí thành viên HĐQT ở Sacombank, Chứng khoán Phương Nam…

Ý thích hay trách nhiệm?

Tại Việt Nam, nhiều doanh nhân đã nhanh chóng phát triển DN của mình thành các tập đoàn lớn. Đã có người trở thành tỷ phú USD, còn trăm triệu USD cũng khá nhiều. Việc quản lý những khối tài sản khổng lồ nói trên là rất khó khăn. Đây chính là nguyên nhân khiến cho quá trình lên sếp của các thiếu gia càng phải thử thách nhiều hơn.

Nhìn vào quá trình thăng tiến của ông Hùng Huy, Thái Bình hay con cái nhà ông Trầm Bê có thể thấy họ đều có những bước tiến khá thận trọng, từ việc học hành tốt, rồi sau đó tiếp cận những công việc nhỏ, va chạm thực tế, trước khi đảm nhiệm những vị trí quan trọng hơn.

Với ông Võ Quốc Thắng, việc dừng học thậm chí là cần thiết hơn là học cao bởi có va chạm thực tế thì việc học mới tốt được.

{keywords}

Trên thực tế, đa số cậu ấm cô chiêu đã tiếp quản khá tốt vai trò lãnh đạo thay cha mẹ. Trong trường hợp ông Hùng Huy, việc ông bất ngờ được bổ nhiệm vào ghế chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB tưởng chừng chỉ là quyết định tạm thời. Tuy nhiên, quyết định của ĐHCĐ 2013 vừa qua cho thấy, ông Hùng Huy được tín nhiệm đáng kể để tiếp tục làm chủ tịch bên cạnh sự hỗ trợ của cha mẹ (cũng là thành viên HĐQT).

Ông Nguyễn Ngọc Thái Bình cho dù chưa được lên chức vụ cao nhất tại REE nhưng với vị trí giám đốc tài chính ông Bình cũng đang chứng minh được năng lực của mình. Riêng trong quý II/2013, các công ty liên kết mà REE đầu tư vào đã mang về cho REE hơn 380 tỷ đồng, nâng tổng lãi lên gần 530 tỷ, tăng 256% so với cùng kỳ và gấp 5 lần quý trước.

Sự thành công của ông Lý Huy Sáng, con ông Lý Ngọc Minh, chủ Công ty gốm sứ Minh Long với vai trò quản lý hay sự thành công của bà Đặng Huỳnh Ức My ở mảng mía đường… cũng là những ví dụ cho thấy tài năng lãnh đạo của thế hệ trẻ.

Mặc dù vậy, mỗi thời kỳ mỗi khác. Trước đây, có những người không được học hành bài bản qua thực tế và sự năng động đã giúp họ trở thành những người giàu có. Thế hệ doanh nhân thứ 2, 3 ở Việt Nam có lợi thế hơn khi được học hành bài bản ở những trường danh giá nhất… và cũng được rèn luyện ở nhiều vị trí. Điều còn thiếu là kinh nghiệm và học đang thử thách để tích lũy.

Để vượt qua điều này, nhiều doanh nhân đang chọn theo mô hình con làm sếp, cha đứng đằng sau cố vấn. Đây là một cách thức đã được áp dụng từ xa xưa và tỏ ra rất hiệu quả. Nhiều doanh nhân khác lại đang để cho con tự do chọn cho mình con đường riêng, có thể làm ở doanh nghiệp khác, tự lập doanh nghiệp phát triển riêng, chuyển hẳn sang một ngạch mới theo ý thích… Điều quan trọng nhất có lẽ là ở khả năng và sự đam mê để được phát huy hết khả năng và tích lũy kinh nghiệm trước khi gánh trọng trách lớn tại DN của nhà mình.

Mạnh Hà