- Bất ngờ với những lời chào mua giá trị, thuyết phục của sự hợp tác đầy triển vọng, nhiều đại gia đã quyết định bán đi những thương hiệu nổi tiếng do mình xây dựng lên. Dù đã nhận được số tiền lớn nhưng không ít người phải hối tiếc về sau.
Cuộc chiến thương hiệu
Ngày 27/8, Bibica (BBC) cho biết, CTCP Đầu tư Đường Mặt Trời tiếp tục mua thêm 154.520 cổ phiếu BBC nâng tổng số lượng nắm giữ lên gần 1,75 triệu đơn vị, tương đương 11,35% cổ phần Bibica. Trước đó, 22/8,ĐMT mua 348.590 cổ phiếu BBC và động thái mua vào tăng tỷ lệ sở hữu của ĐMT tại Bibica đã diễn ra liên tục trong 4-5 tháng vừa qua.
Với hơn 11% cổ phần ở Bibica, vai trò của Đường Mặt Trời dường như không lớn bởi cổ đông ngoại Lotte hiện đang nắm giữ tới 38,6% - một tỷ lệ có thể phủ quyết mọi vấn đề của DN. Gần đây Bibica buộc phải huỷ quyết định tạm ứng cổ tức bằng tiền 12% theo đề nghị của "ông lớn" Lotte).
Tuy nhiên, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) mới công bố báo cáo cho biết, SSI có mối liên quan tới Đường Mặt Trời. Trên thực tế, ĐMT nhận vốn từ SSI và Chủ tịch HĐQT là em của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI. Điều này có nghĩa, SSI dùng ĐMT để nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại Bibica lên.
Với thương vụ mua mới nhất của ĐMT, tổng sở hữu của của nhóm cổ đông liên quan tới SSI, bao gồm SSIAM (quỹ đầu tư của SSI), Bất động sản SSI và ĐMT đã lên tới 38,5%, xấp xỉ bằng mức 38,6% của đại gia Lotte.
Điều này khiến cho, cuộc tranh giánh ở Bibica trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, bởi với tỷ lệ đều trên 35% của 2 đại gia Lotte và SSI, ai cũng có quyền phủ quyết mọi vấn đề của Bibica.
Tình thế này càng khiến cho các nhà đầu tư nhớ lại thương vụ bán cổ phần cho Lotte đầy hy vọng đã trở thành nguy cơ của Bibica. Năm 2007, Bibica đã bán một lượng lớn cổ phần cho đối tác ngoại Lotte với hy vọng có thêm nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, Điều này đã đặt thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng này trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn và chính lãnh đạo DN này đã phải thốt lên nhiều lời hối tiếc về thương vụ hợp tác này. Nhưng xem ra mọi việc đã quá muộn.
Trước đó, lịch sử phát triển các thương hiệu Việt nổi tiếng đã chứng kiến sự biến mất thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan vốn một thời chiếm tới 70% thị phần nội địa. Quyết định bán thương hiệu cho Colgate đã khai tử Dạ Lan.
Sau này, ông chủ Trịnh Thành Nhơn đã bỏ ra rất nhiều tiền để khôi phục lại thương hiệu này nhưng không thành, bàn cờ đã rơi hoàn toàn vào tay những ông lớn ngành hóa mỹ phẩm thế giới là Unilever và Colgate Palmolive. P/S của vậy, đã rơi vào tay đối tác ngoại.
Gần đây, cú bắt tay của Tribeco với Uni-President Việt Nam (công ty mẹ ở Đài Loan) và rồi Tribeco Sài Gòn rơi vào bẫy tiêu tiền như nước, xây dựng nhà máy bằng tiền vay, chi phí vung vãi, quản lý yếu kém… đã đánh dấu chấm hết cho các ông chủ Việt tại Tribeco. Doanh nghiệp này đã giải thể hồi quý III/2012 và Uni-President đã nắm 43,6% cổ phần, trở thành chủ nhân mới của Tribeco Bình Dương.
Bán rồi khó lập lại
Trong trường hợp Bibica nói trên, quyết định hợp tác cùng Lotte của Hàn Quốc hồi cuối năm 2007 có lẽ là một sai lầm. Kỳ vọng của quyết định này là nâng tầm doanh nghiệp, mở rộng công nghệ, phát triển thị trường, tăng doanh thu… Tuy nhiên, sự hợp tác này đã trở thành phản tác dụng khi Lotte lộ ý đồ thâu tóm. Lợi nhuận và doanh thu của BBC giảm mạnh trong năm vừa qua.
Công cuộc thâu tóm Tribeco (TRI) của Uni-President cũng chứng kiến sự “góp sức” của một đại gia trong nước khác là Kinh Đô. Trước khi Uni-President nhảy vào Tribeco, Kinh Đô đã liên tục mua cổ phần TRI và tỏ rõ ý đồ thâu tóm.
Tuy nhiên, sau đó chính Kinh Đô đã thoái lui, thoái vốn hoàn toàn tại Tribeco, tạo cơ hội để Uni-President thâu tóm toàn bộ thương hiệu giải khát có lịch sử phát triển hàng chục năm.
Hay trong vụ Dạ Lan được bán cho Colgate, ông chủ cũ Trịnh Thành Nhơn đã bỏ ra rất nhiều tiền để khôi phục lại thương hiệu Dạ Lan nhưng cơ hội để làm lại được những điều ấn tượng như chiếm 70% thị phần hồi đầu những năm 90 thế kỷ trước quả là bất khả thi. Sự phát triển như vũ bão của Colgate và Unilever cũng như lợi nhuận mà các tập đoàn này thu được từ thị trường Việt Nam đông dân số là một sự tiếc nuối vô cùng đối với các doanh nhân.
Gần đây, khá nhiều doanh nhân trong nước đã thoái vốn một phần hay toàn bộ ở các doanh nghiệp do mình xây dựng lên cho các NĐT nước ngoài. Hầu hết các thương hiệu được bán đi đều nổi tiếng như Prime, X-Men, Y Khoa Hoàn Mỹ, Ngân Lượng, CareerBuilder, Vietnamworks… Nhiều doanh nghiệp đang chấp nhận đối tác ngoại vào chia sẽ kinh nghiệm, vốn để phát triển như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, MSN
Thực tế, nhiều doanh nhân gặp khó khi doanh nghiệp phát triển đến một tầm cao mới. Để có thể phát triển hơn nữa, doanh nghiệp đòi hỏi phải có thêm nguồn vốn và có những người lãnh đạo có kinh nghiệm quản lý ở quy mô lớn hơn. Do vậy nhiều người chấp nhận hợp tác với một đối tác chiến lược mạnh (thường là các NĐT ngoại) hoặc bán đứt trong trường hợp lo sợ không quản lý nổi.
Không ít các trường hợp, các ông chủ đã phải tiếc nuối khi bán thương hiệu ở mức lời gấp hàng trăm lần so với đầu tư ban đầu nhưng thực tế đó mới là giai đoạn đầu của sự phát triển. Các DN và thương hiệu đó vào tay nước ngoài không chỉ phát triển thêm mà còn thành thế lực ngăn cản sự phát triển của DN trong nước. Đau đớn là những DN bị bán đi lại là cơ sở để đại gia ngoại đặt chân, chiến lĩnh thị trường nội.
Mạnh Hà