Vì ham nuôi mộng tín dụng đen, mang nhà ra thế chấp lấy tiền cho vay lãi, khiến rất nhiều hộ dân sống tại xã Đại Đồng - Thạch Thất - Hà Nội vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng.

Đua nhau thế chấp đất ông cha

Mờ mắt vì lợi nhuận thu được từ việc cho vay lãi suất cao, người dân xã Đại Đồng, Thạch Thất (Hà Nội) đã chạy đua với tín dụng đen. Nhiều người không ngần ngại thế chấp mảnh đất ông cha để lại cách đây hàng trăm năm cho các nhà băng để lấy tiền cho vay.

Chị H.T.H ngụ tại xóm Đông Ải ban đầu có một ít vốn nhỏ. Nhiều người đến hỏi vay với lãi suất rất cao, chị đồng ý với mức 3.000 đồng/triệu/ngày. Hàng tháng, chị đều đặn nhận được tiền lãi mà người vay trả. Một số người sau này tiếp tục tìm đến chị hỏi vay. Hết tiền, nhưng thấy lãi suất quá hấp dẫn, chị đã bàn với chồng thế chấp ngôi nhà mà bố mẹ chồng để lại để vay ngân hàng 600 triệu rồi đem cho vay lãi.

{keywords}

Được nhân viên tín dụng ngân hàng đến tận nhà mời chào, anh Mạnh Hải làm nghề thu gom sắt vụn xóm Minh Nghĩa thế chấp ngôi nhà đang ở vay ngân hàng được 1 tỷ đồng. Anh đã cho nhiều người vay với mức 3.000 đồng/triệu/ngày. Anh cũng biết những người này sẽ mang số tiền đó cho người khác vay với lãi suất cao hơn

Nhiều người giàu lên nhờ việc cho vay với lãi suất cao nên càng ngày, nhu cầu vay và cho vay trong xã càng tăng lên. Do vậy, nhiều hộ gia đình ở đây không ngại mang sổ đỏ nhà ra thế chấp ngân hàng.

Chị Minh ngụ tại xóm Ngọc Lâu kể rằng, ngày đó ngân hàng cho vay rất dễ, mà vay ngân hàng lãi suất thấp hơn nhiều với cho vay nặng lãi nên nhiều người đua nhau “cầm cố” nhà để có tiền cho vay lại. Những đối tượng vay tiền, người thì cho vay lại với lãi suất cao hơn, kẻ thì đầu tư BĐS hoặc đóng hụi... Ngay cả chị cũng tham gia đến 7 cái hụi, chị Minh tiết lộ.

Cả xã vỡ mang nợ

Khi kinh tế khó khăn, mọi giao dịch lắng xuống. Đầu tư trở nên thua lỗ, các đối tượng nợ ngày càng nhiều, tiền lãi trả chậm hơn, dần dần không còn khả năng chi trả. Như một hiệu ứng, một số con nợ đã bỏ trốn khỏi địa bàn, còn người dân tá hoả và sốc nặng khi tài sản của mình “bốc hơi”.

Anh Sơn Ngũ tại xóm Ngọc Lâu cho vay tổng cộng gần 1 tỷ đồng, nay đối tượng nợ bỏ trốn khỏi địa bàn rất nhiều, một số còn lại là người cùng làng nên việc siết nợ có phần nể nang. “Trước ruộng toàn cho mượn và cho thuê, ngại canh tác do lợi nhuận từ cho vay cao. Nhờ đó gia đình sung túc dẫn đến chi tiêu quá tay, bây giờ không đòi được nợ cũng không có để trả lãi ngân hàng nữa”, anh Sơn thẫn thờ.

{keywords}

Thê thảm hơn, anh Hùng ngụ tại xóm Minh Nghĩa là một chủ nợ nhưng cũng là người mang nợ. Ban đầu, anh thế chấp sổ đỏ nhà ở đi vay ngân hàng, thậm chí còn vay thêm bạn bè với lãi suất thấp để cho vay với lãi cao hơn. “Con nợ” của anh thường là những người thua bạc, thiếu tiền đóng hụi. Nay anh rơi vào tình cảnh mất nhà do nhiều lần chậm trả lãi ngân hàng, chưa kể bạc tóc vì lo khoản “nợ đen” phải trả.

Thấy người cháu họ làm ăn tốt, ông Nguyễn Văn Huynh, 56 tuổi, ngụ tại xóm Tây cũng cho mượn sổ đỏ nhà và viết giấy ủy quyền thế chấp ngôi nhà đang ở vay ngân hàng 500 triệu đồng cho cháu vay. Sau khi biết cô cháu họ tham gia chơi 12 hụi vỡ nợ, bỏ chạy, giờ ông phải gánh cả khoản nợ đó. “Người dân ở đây khi có tiền thì đem cho vay, còn lúc thiếu thì người nọ người kia vay mượn lẫn nhau, đến khi vỡ nợ thì nhà nào cũng dính ‘chưởng’, ông Huynh nói.

Theo nhiều người dân trong xã, nếu tính tổng số tiền vỡ nợ của cả xã có thể lên đến cả trăm tỷ đồng, số gia đình mất tài sản chiếm 70% số hộ trong xã. Anh Hồng - người trong xã nói đùa “ra đường gặp ai cũng vỡ nợ”.

Nguyên nhân khiến nhiều người dân xã Đại Đồng vỡ nợ lớn là do họ đã đổ xô vào đầu tư nhà đất khi giá lên cao, vì cần tiền nên phải tìm đến tín dụng đen. Nay bất động sản “đóng băng”, không thanh khoản kịp, nhiều đối tượng không có tiền để trả. Có người đầu tư quá lớn vào nhà đất giờ mắc nợ hàng chục tỷ đồng. Ngoài cho vay lãi cao, người dân còn tham gia nhiều vụ hụi, do chủ hụi cũng mắc nợ nên đã đem tiền của hụi bỏ trốn.

Nhiều hộ dân xã Đại Đồng hiện như ngồi trên đống lửa vì chỉ lo ngày một ngày hai, khi ngân hàng phát mãi tài sản mà họ đã thế chấp thì tương lai, rất có thể họ sẽ chỉ còn nước... ra đê mà ở.

Tuấn Linh