Nhiều DN đã tìm mọi cách để thoát lỗ, kiếm lãi. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, đầu ra khó khăn, đầu vào tăng giá khiến cho nhiều DN đã chọn giải pháp cắt giảm nhân sự, bán tài sản, cắt lỗ các khoản đầu tư để đảm bảo có lãi.
Bán vốn, bán dự án
CTCP Sông Đà 5 (SD5) vừa công bố thoái 31% vốn tại CTCP Sông Đà 5.05 (S55). Theo đó, toàn bộ 763.460 cổ phần vốn của SD6 tại S55 đã được bán hết trong khoảng thời gian từ 26-30/8/2013. Quyết định thoái vốn của SD5 diễn ra khi chỉ hơn một tuần nữa, S55 sắp chốt quyền cổ đông nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% (tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu).
Mặc dù DN này vẫn có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận nhưng động thái của SD5 vẫn được xem là bước đi thái tái cấu cơ cấu trong hoàn cảnh khó khăn chung của thị trường.
CTCP Thủy Hải Sản Việt Nhật (VNH) cũng thông báo 10/9 là ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến thông qua việc thoái vốn 44 tỷ đồng khỏi Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật.
CTCP Vải sợi may mặc Miền Bắc (TET) đang lấy ý kiến cổ đông về việc bán Công ty TNHH Một thành viên Vải sợi May mặc miền Bắc II - công ty con duy nhẩt của TET với tỷ lệ sở hữu 100%.
Hôm 5/9, Tổng Công ty Vinaconex đã chuyển nhượng xong toàn bộ 10,2 triệu cổ phần Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMC) đang sở hữu, tương đương 51% vốn điều lệ của XMC cho một DN khác. Đây được xem như một bước đi nữa theo chủ trương thoái vốn tại một số công ty thành viên của Vinaconex trong bối cảnh lĩnh vực BĐS, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Cổ phiếu XMC đang thuộc diện cảnh báo do thua lỗ trong năm 2012 và vẫn chưa thoát ra khỏi thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2013.
Trong vài năm gần đây VCG liên tục xốc lại hoạt động với việc rút và lên kế hoạch khỏi hàng loạt các dự án từ lớn tới nhỏ như: Splendora, Park City, Xi măng Cẩm Phả, VCS, VC6…
Trong tháng 8, Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) cũng đã thông báo về việc thoái vốn. Theo đó, PET đã hoàn tất việc chuyện nhượng 100% vốn đã đầu tư (30% cổ phần sở hữu) tại CTCP Nhà và Thương mại dầu khí để thu tiền về. Trong khi đó, Nhà Khang Điền cũng đã chuyển nhượng 69,7 tỷ đồng vốn góp (24,9%) vào Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Khu Đông để giảm tỷ lệ sở hữu, qua đó, giảm từ 54,9% xuống còn 30%.
Hồi đầu tháng 6, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã lên kế hoạch chuyển nhượng một phần diện tích đất thuộc dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước cho công ty con là DIC số 1 làm nhà đầu tư cấp II. Trước đó vài tuần, DIG cũng thống nhất thoái toàn bộ 10% vốn tại DIC Đồng Tiến với giá không thấp hơn 5.700 đồng/cp và chuyển nhượng 10% vốn góp tại DID.
CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (UDC) cũng đã có chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án trọng điểm Chung cư Bàu Sen, tại thành phố Vũng Tàu cho NĐT khác.
Trước đó, hàng loạt các DN đã thoái vốn hoặc lên chủ trường thoái bớt vốn tại một loạt các dự án hoặc công ty liên kết như TIG thoái vốn tại Đô thị Sinh thái Vân Trì và Hồ Đồng Xương Hà Nội; SD5 chấp nhận lỗ, thoái hoàn toàn vốn góp vào SJS; HAG bán thủy điện, rút khỏi BĐS, co hẹp gỗ đá khoáng sản; HBC bán bán dự án Hòa Bình Tower; HSG rút khỏi BĐS; ACB đã thoái vốn tại Eximbank, DaiABank và KienLongBank; KBC thoái vốn khỏi Western Bank…
Giảm người, giảm lương
Không chỉ thoái vốn, bán tài sản để rút vốn về, nhiều doanh nghiệp gần đẩy đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí trong đó có cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí.
Công ty cổ phần Bất động sản E Xim (Eximland) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2013. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Eximland đã giảm lượng nhân viên từ 34 người đầu năm còn 23 người cuối quý 2 tương đương mức giảm 32%.
CTCP Vải sợi may mặc Miền Bắc (TET) không những đã cắt giảm nhân viên từ 332 người đầu năm còn 300 người cuối quý 2 mà còn giảm mạnh thu nhập lãnh đạo còn chưa đầy một nửa cùng kỳ.
PET cũng giảm 152 nhân sự trong 6 tháng đầu năm còn 2.530 người, trong khi DCT giảm 10% số nhân viên từ mức 526 người đầu năm còn 473 nhằm ngăn tình trạng lỗ đang khá thê thảm trong thời gian gần đây.
Những dự án từng là niềm tự hòa của DN nay cũng được đem bán. |
Thủy sản Minh Phú trong quý II/2013 cũng đã giảm mạnh số nhân viên từ 5.979 xuống 5.732 người do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lãi suy giảm.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động khá tốt cũng tính tới phương án giảm nhân sự hoặc/và giảm lương lãnh đạo để đảm bảo lợi nhuận cho cổ đông và phòng ngừa khó khăn có thể đến bất cứ lúc nào như trường hợp DHG, GAS, VIS, VSH, FMC, BMP…
Việc thoái vốn, cắt lỗ, bán rẻ hàng tồn kho… đã được rất nhiều doanh nghiệp thực hiện và một số đơn vị đã cải thiện được tình hình hoạt động như trường hợp KDC, HSG, DNY…
Cũng thực hiện mục tiêu thoát khỏi khó khăn, ngày 31/8 vừa qua, ĐHCĐ bất thường Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn (VHG) đã bất ngờ điều kế hoạch từ lỗ -20 tỷ đồng thành lãi 130 tỷ đồng trong năm 2013. Để có lãi, DN này sẽ thanh lý các tài sản (2 dự án BĐS, phần góp tại một công ty VLXD, vốn góp tại Nhựa Kim Tín) nhằm thu hồi nguồn tiền.
Có thể thấy, hiện tượng DN xoay sở, bán cái này cái kia, chấp nhận hạ giá sản phẩm để giảm tồn kho, cắt giảm chi phí… đang diễn ra ngày càng phồ biến. Nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách để duy trì dòng tiền, thoát lỗ, kiếm lãi trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Việc chấp nhận cắt bỏ bớt các mảng đầu tư, cắt bỏ bớt dự án, bán rẻ tài sản một cách nhanh chóng nhiều khi đem lại cơ hội phát triển mạnh hơn cho các DN khi đã nhẹ nợ, bớt đèo bòng và dàn trải nguồn lực.
Mạnh Hà