“Dễ như đi buôn lậu” câu nói của thằng bạn thân khiến tôi nửa tin nửa ngờ, lẽ nào việc đánh hàng từ nước bạn về buôn lại dễ đến thế. Một chút tò mò cộng với máu phiêu lưu đã đưa tôi đến với hành trình 10 ngày trên “thánh địa hàng lậu” Quảng Châu (Trung Quốc) với nhiều thông tin về “đời buôn lậu”.
Nhập cuộc
Cách đây hơn một năm, Hương Lan – vợ chưa cưới của cậu bạn thân trong một lần gặp gỡ đã nhanh nhảu tiếp thị “em mới mở shop quần áo, hôm nào anh dẫn chị qua chỗ em sắm đồ nhé. Nhiều mẫu đẹp mà giá cũng vừa phải”. Tôi khá bất ngờ với lời tiếp thị của Lan vì cô bé đang là sinh viên, từ trước nay đã buôn bán gì đâu. Thấy tôi ngạc nhiên, thằng bạn tôi mới tiếp lời người yêu, bọn tôi dạo này buôn bán thêm ông ạ, theo chân mấy anh chị đằng nhà Lan sang Quảng Châu lấy hàng về bán. À, thì ra là vậy, chả trách dạo này hai cô cậu có vẻ ăn nên làm ra, bằng chứng là tiền lúc nào cũng rủng rỉnh, sắm điện thoại xịn, tôi thầm nghĩ. Trong buổi nói chuyện hôm đó, Hương Lan có ý muốn rủ vợ chồng tôi hùn vốn làm cùng cho vui và lại kiếm thêm thu nhập và không quên kể về những lợi nhuận từ việc đánh hàng lậu. Vốn thích kinh doanh và khá choáng ngợp khi nghe đến việc buôn bán một vốn 5,6 lời càng khiến tôi tò mò hơn. Tôi quyết định sẽ theo chân đôi bạn trẻ xuất ngoại một chuyến để tìm hiểu thực hư “thánh địa hàng lậu” nó ra làm sao.
Vốn tính cẩn thận, trước khi đi tôi phải nhờ sự trợ giúp của “giáo sư” Google về những thông tin liên quan đến việc sang Quảng Châu lấy hàng về bán. Vẫn biết Google là công cụ tìm kiếm hàng đầu, “cái gì không biết thì tra google” nhưng tôi vẫn bất ngờ bởi thông tin về việc buôn gì, ở đâu, lấy hàng như thế nào…nhan nhản khắp các trang mạng. Điều bất ngờ hơn, trên các diễn đàn ấy người ta hồ hởi khoe chiến tích và không quên hướng dẫn cách…buôn lậu sao cho nhiều lãi và ít rủi ro. Tò mò nên tôi tìm hiểu cho biết vật thôi, vì đường đi lối lại cho đến giấy tờ thủ tục đều đã có Lan và Tuân lo hết.
Mấy ngày sau, Lan dẫn tôi đi gặp một người tên T. mà theo những gì Lan giới thiệu trước đó thì tay này hiện đang làm cho công ty Đ. (phố Hàng Mã – Hà Nội). Đây là công ty liên doanh Việt – Trung, chuyên “giúp đỡ” các con buôn từ A – Z nếu như muốn gia nhập thế giới buôn lậu. Theo những gì gã T. giới thiệu, thì công ty của anh ta có riêng một hệ thống khách sạn tại thành phố Quảng Châu, chuyên để phục vụ ăn nghỉ cho khách Việt Nam sang nhập hàng. Lần này, chúng tôi gặp T. là để Lan sử dụng dịch vụ gửi tiền đảm bảo của công ty Đ. Theo đó, để tránh nạn cướp bóc dọc đường (chủ yếu xảy ra bên nước bạn), công ty Đ. cho phép khách hàng gửi tiền mặt tại chi nhánh ở Việt Nam rồi sau đó sẽ nhận lại tại khách sạn của mình bên đất Trung Quốc.
Hôm đó, chúng tôi quyết định sử dụng dịch vụ khách sạn của công ty Đ. vì theo lời Lan, quản lý khách sạn là người Việt nên sẽ rất thuận lợi cho những người lần đầu buôn bán.
Xuất ngoại
Sau khi thống nhất được chỗ ở, chúng tôi cũng mau chóng có được visa (thị thực) Trung Quốc nhờ đội ngũ “cò” đông đảo đứng lố nhố ở đại sứ quán của nước này trên đường Hoàng Diệu. Giá của visa loại 3 tháng đi một lần là 1,4 triệu đồng và 2 triệu đồng chẵn cho loại 3 tháng đi 2 lần. Đáng chú ý hơn, theo quan sát của chúng tôi, dịch vụ vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam diễn ra công khai bởi gặp bất cứ ai đi vào đại sứ quán, ngoài tiếp thị dịch vụ “làm nhanh” visa, các “cò” ở đây đều chào mời khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu về Việt Nam với khẩu hiệu chắc nịch: “mất hàng đền tiền, chậm hàng miễn phí công vận chuyển”…
Sau khi có đầy đủ giấy tờ, lận lưng thêm mấy nghìn tệ, tôi đã dễ dàng biến mình thành một “con buôn” thực thụ. Chọn một ngày đẹp trời, cả ba bắt xe từ Hà Nội lên Lạng Sơn – bắt đầu cho chuyến xuất ngoại thâm nhận vào lãnh địa hàng lậu trứ danh này.
Chỉ mất độ 5 tiếng đồng hồ chúng tôi đã có mặt ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), lúc đó trời đã nhá nhem tối. Cửa khẩu vẫn tấp nập người qua lại, thủ tục xuất cảnh cũng hết sức nhanh gọn, chỉ mất chưa đầy 30 phút làm thủ tục, chúng tôi đã sang tới bên kia biên giới. Vì đã đi nhiều lần nên Lan và Tuân khá rành rõi từ việc chọn nhà xe đến đặt vé cho chặng đường từ cửa khẩu tới Quảng Châu. Đang bỡ ngỡ bởi lần đầu tiên xuất ngoại thì Tuân đã kéo tay tôi đưa lên xe bus đi từ cửa khẩu tới thị trấn Bằng Tường – nơi có xe khách đi Quảng Châu. Ngồi trên xe bus Lan cho biết, tất cả các xe từ Việt Nam đi Quảng Châu đều dừng đỗ, đón khách tại Bằng Tường. Trung bình mỗi ngày có trên dưới 6 chuyến xe giường nằm đi từ Hữu Nghị Quan tới Quảng Châu, những xe này chủ yếu phục vụ dân buôn đi đánh hàng.
Sau khi nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, ăn uống ở thị trấn Bằng Tường, chúng tôi lên một chiếc xe giường nằm còn mới cứng để đi Quảng Châu. Trừ lái xe và phụ xe (đều nói tiếng Việt rất sõi) còn lại gần 50 hành khách đều là người Việt Nam. Qua cách trò chuyện của họ, tôi ngầm hiểu họ đều là những dân buôn sành sỏi ở đất này. Từ Bằng Tường tới Quảng Châu hơn 800km nhưng vì đường sá khá thuận lợi nên sáng sớm hôm sau chúng tôi đã có mặt ở nơi đầu nguồn hàng lậu này.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay tại Hà Nội có một vài công ty (tổ chức) rất có uy tín sẵn sàng đứng ra nhận thầu trọn gói chuyến đi buôn của khách. Cụ thể, loại hình dịch vụ này sẽ lo liệu tất cả, việc của khách hàng chỉ còn là sang Quảng Châu chọn hàng rồi về lại Việt Nam yên tâm chờ đợi, hàng sẽ được giao đến tận tay sau tối đa một tuần lễ. Giới đi buôn ở Quảng Châu cho biết, dịch vụ này chủ yếu dành cho những người mới vào “nghề”, chứ với dân lão làng thì chủ yếu tự họ đánh hàng để tiết kiệm chi phí.
(Theo Vietq)