Kết quả thử nghiệm bánh trung thu của Quatest 1 do Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa gửi mẫu cho thấy 3/10 mẫu nhiễm khuẩn E.coli và TS nấm men mốc gấp nhiều lần cho phép, 2/10 mẫu vi phạm quy định về nhãn hàng hóa.

Sau khi tiến hành lấy mẫu thử nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại 5 cơ sở trên địa bàn Hà Nội với tổng số 10 mẫu bánh, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa công bố kết quả như sau: Phát hiện mẫu bánh dẻo đậu xanh của Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội, bán tại cửa hàng Hapro Food - 101 E7 Tạ Quang Bửu có chỉ tiêu TS nấm men - mốc gấp 22 lần giới hạn cho phép.

Bánh dẻo thập cẩm zăm bông của Cơ sở Hoàng Dũng - số 9, ngõ 134 Nguyễn An Ninh có chỉ tiêu TS nấm men - mốc gấp 780 lần giới hạn cho phép;

Bánh dẻo thập cẩm không trứng được bán tại cửa hàng bánh bà Dần số 52 Hàng Bè có chỉ tiêu TS men nấm - mốc gấp 9,1 lần giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, mẫu bánh dẻo này còn bị phát hiện nhiễm khuẩn E.coli gấp 3 lần giới hạn cho phép.

{keywords} 

Do vậy, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã đề nghị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tố chức kiểm tra trong sản xuất tại các cơ sở sản xuất bánh trung thu có mẫu thử không đạt chất lượng nói trên. Đồng thời cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra những loại bánh sản xuất từ những nguyên liệu mới để bánh trung thu lưu thông trên thị trường.

Trước đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra một số công ty, cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn tại 6 tỉnh, thành (TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng), kết quả cho thấy, sai phạm thường rơi vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu nhỏ lẻ. Lỗi vi phạm chủ yếu là không ghi định lượng hoặc không đủ định lượng bánh.

Chẳng hạn, một số cơ sở sản xuất bánh trung thu tại xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), bao bì ghi định lượng 200gr nhưng khi cơ quan kiểm tra cân thử thì hầu hết những chiếc bánh trung thu ở các cơ sở này đều thiếu 0,2gr.

Ng.Hà (tổng hợp)